BÁC BỎ QUAN ĐIỂM XUYÊN TẠC SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC “CÁCH MẠNG 4.0”

 

Hiện nay, nhân loại đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc “Cách mạng 4.0” với đặc trưng là điều khiển hệ và Robot; các hệ thống liên kết thế giới thực và thế giới ảo. Trước sự tác động của cuộc cách mạng này, các học giả tư sản và không ít người trước kia vốn là mác xít đã lu loa lên rằng: trong thời đại ngày nay, giai cấp công nhân (GCCN) đang dần có sự chuyển hóa, bị tan biến vào các giai tầng khác và dần trở thành “giai cấp trung lưu”; bị teo đi về số lượng và giảm đi về chất lượng nên không còn sứ mệnh lịch sử (SMLS) nữa mà thuộc về một tầng lớp, giai cấp khác, thậm chí là thuộc về người máy... Đây hoàn toàn là những quan điểm sai trái hòng phủ nhận sự tồn tại của GCCN, phủ nhận địa vị kinh tế - xã hội của GCCN trong thời đại ngày nay, từ đó đi đến phủ nhận SMLS của GCCN.

Trước hết về chất lượng của giai cấp công nhân, sự tác động của cuộc “Cách mạng 4.0” không làm cho GCCN giảm đi về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề… mà ngược lại càng làm cho trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề của người công nhân được nâng cao. Một điều hiển nhiên là, để làm chủ những công hiện đại mà “Cách mạng 4.0” mang lại thì đòi hỏi công nhân phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng được đòi hỏi của dây chuyền sản xuất hiện đại, nếu không sẽ bị đào thải. Ở một khía cạnh khác, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, trình độ phát triển của giáo dục đào tạo cũng ngày càng cao. Đây là một tiền đề quan trọng giúp GCCN hiện đại có đủ tri thức, năng lực sáng tạo và khả năng làm chủ công nghệ cao để tự giải phóng mình và tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, về số lượng của giai cấp công nhân, có điều chắc chắn là cuộc “Cách mạng 4.0” đe dọa lao động kỹ năng thấp (như trong ngành dệt may và da giày) do bị thay thế bằng robot tự động và trí tuệ nhân tạo, nên thực sự trong một dây chuyền sản xuất, một nhà máy xí nghiệp cụ thể, số lượng công nhân có giảm. Nhưng nhìn tổng thể, cuộc “Cách mạng 4.0” sẽ làm cho số lượng công nhân tăng lên một cách tuyệt đối vì tạo ra nhiều việc làm hơn là những việc làm mất đi do có cuộc cách mạng này.

Về lịch sử cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Nhất đã tạo ra nhiều việc làm hơn số việc làm bị mất đi (lao động chân tay); cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ  2 - cuộc cách mạng xe hơi của những năm 1890 đã tạo ra nhiều việc làm hơn số việc làm bị mất đi (thay thế xe ngựa thồ hàng); và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 - cuộc cách mạng silicon của những năm 1960 và 1970 cũng đã tạo ra nhiều việc làm hơn số việc làm bị mất đi (chủ yếu là trong công tác văn thư hành chính và lao động đơn giản). Vì vậy cuộc “Cách mạng 4.0” sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là những việc làm mất đi do sự tác động của cuộc cách mạng này.

Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng này trước hết là do tốc độ thay đổi công nghệ nhanh hơn bao giờ hết. Do vậy, nhân lực cho nghiên cứu và phát triển và các dịch vụ liên quan sẽ gia tăng. Mặt khác, trong thời gian tới làn sóng công nghệ mới ra đời sẽ tạo ra những làn sóng kinh doanh mới và việc làm mới. Cuộc “Cách mạng 4.0” cũng là cho khả năng khởi nghiệp của các nhóm nhỏ với các sản phẩm và dịch vụ mới là thuận lợi chưa từng có. Các khoản đầu tư rất lớn, lên tới hàng tỉ USD cũng đang được thực hiện bởi các công ty ở châu Âu, châu Á và Mỹ để nghiên cứu và phát triển những công nghệ trên. Hiện nay các nước trên thế giới đang đẩy mạnh đi tắt đón đầu, tận dụng những thành tựu của cuộc “Cách mạng 4.0” vào trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Và hệ quả tất yếu sẽ làm cho GCCN không ngừng tăng lên.

Thứ ba,Cách mạng 4.0” không làm thay đổi địa vị kinh tế - xã hội của GCCN.

Trong nền công nghiệp 4.0 hiện đại, tài năng, tri thức, những ý tưởng liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất, hơn là yếu tố vốn. Một bộ phận công nhân sẽ được trả lương cao nhờ có tài năng, tri thức, kỹ năng cao. Và do đó có cuộc sống trung lưu; có tư liệu sản xuất phụ; một số ít khác có cổ phần cổ phiếu trong các nhà máy xí nghiệp (nhưng rất ít và trên thực tế không phải người công nhân nào cũng có thể mua được)… Tuy nhiên, những biến đổi đó của GCCN chỉ là sự phản ánh mức sống của người công nhân ngày càng cao trong điều kiện mới; đồng thời là kết quả đấu tranh liên tục, bền bỉ của chính GCCN chống giai cấp tư sản suốt nhiều thế kỷ qua. Sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội cũng như sự biến đổi cơ cấu của GCCN đã làm cho diện mạo GCCN hiện đại không còn là những người vô sản trần trụi với hai bàn tay trắng như những mô tả của C.Mác trong thế kỷ XIX mà họ đã có những tư liệu sản xuất phụ.

Tuy nhiên, mọi tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội tư bản, trong các nhà máy xí nghiệp vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản, nhà tư bản. Những người hưởng lợi lớn nhất của cuộc “Cách mạng 4.0” vẫn là các nhà tư bản, nhà đầu tư cung cấp vốn trí tuệ và vật chất. Giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội. Nếu như trước kia người công nhân chỉ bán sức lao động cơ bắp là chủ yếu, thì ngày nay họ còn bán luôn cả sức lao động trí óc và đôi khi bán cả chất xám cho nhà tư bản. Họ vẫn là giai cấp làm thuê, bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, dã man hơn.

Thứ tư, “Cách mạng 4.0” sẽ đem lại lợi ích kinh tế nhiều nhất cho những người phát minh, nhà đầu tư chứ không phải là người lao động thông thường, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn. Bên cạnh đó, khi máy móc tự động hóa dần thay thế con người trong lao động sản xuất, nhất là lao động giản đơn, người lao động sẽ bị dư thừa, mất việc làm, thu nhập sẽ bị cắt giảm. Ngay cả tầng lớp trung lưu trên thế giới hiện nay, thu nhập đã chững lại, hoặc thậm chí giảm do sự tiếp cận hạn chế về vốn công nghệ. Từ đó dẫn đến những bất bình đẳng, làm cho những mâu thuẫn cơ bản, vốn có trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Qua đó, càng thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện SMLS của GCCN.

Từ những phân tích trên cho thấy, dù trong nền công nghiệp 4.0 hiện đại được tự động hóa, thậm chí, người máy có thể sẽ thay thế một bộ phận người lao động thì địa vị kinh tế - xã hội của GCCN vẫn không hề thay đổi. Giai cấp công nhân vẫn luôn giai cấp tiên phong trong xã hội; là lực lượng cơ bản và trực tiếp làm ra của cải cho xã hội. Do đó, SMLS của GCCN không thể chuyển vào tay một giai cấp hay tầng lớp xã hội nào khác. Không những vậy, “Cách mạng 4.0” còn tạo ra những điều kiện, tiền đề vật chất để GCCN, thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản, thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện SMLS xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC