Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – thành tựu lý luận quan trọng của Đảng ta
Sau
khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, thì các
thế lực thù địch đã đưa ra nhiều luận điểm nhằm phủ định, xuyên tạc nội dung của
bài viết, trong đó có phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ở nước
ta.
Các
thế lực thù địch cho rằng, không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Họ còn cao giọng rằng, kinh tế thị trường và định hướng
xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; gán ghép định hướng
xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường là chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở
khoa học, không thuyết phục; nếu bỏ “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa thì
nền kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Luận
điểm khác phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam. Họ cho rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, vận động theo các
quy luật của chủ nghĩa tư bản, không thể dung hòa và kết hợp với mục tiêu xây dựng
chủ nghĩa xã hội, với định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế
của các quốc gia vì giữa chúng có sự mâu thuẫn, đối lập. Nếu “ghép” định hướng
xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường thì chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm
bà kia”, “ghép nước với lửa”, “hai củ khoai bỏ trong một rọ”... Từ đó, họ cho rằng,
Việt Nam phải chuyển sang kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, đi theo con đường
tư bản chủ nghĩa.
Những
luận điểm sai trái trên đã bộc lộ mưu đồ đen tối, rắp tâm xuyên tạc đường lối
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; gây
tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin đến một bộ phận cán bộ, đảng viên,
quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng
trong Đảng và trong xã hội.
Chúng
ta thấy rằng kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, không
phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã sử dụng kinh tế thị
trường làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mô hình này sử dụng cả kinh tế thị trường và cả
kinh tế tư bản chủ nghĩa để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của
nhà nước, nhất là ở các nước phát triển hiện nay, nhà nước tạo khung pháp luật
cho cạnh tranh; bảo vệ, thúc đẩy, tôn trọng cạnh tranh lành mạnh; ngăn ngừa, hạn
chế độc quyền cản trở cạnh tranh và chống lại các hoạt động cạnh tranh không
lành mạnh; điều tiết và giải quyết các thất bại của thị trường.
Một
đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa
trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất
chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong
suốt quá trình phát triển.
Với
cách nhìn toàn diện, hệ thống, khách quan, khoa học và thực tiễn qua 35 năm đổi
mới, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng
bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng
xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước./.
Nhận xét