HỌC TẬP PHONG CÁCH LÀM VIỆC KHOA HỌC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã đề cập đến phong cách làm việc với nhiều cách nói, cách diễn giải khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, trong từng hoàn cảnh cụ thể. Bản thân Người thông qua chính quá trình sinh hoạt, công tác của mình đã thực hiện và nêu một tấm gương sáng về phong cách làm việc khoa học, chú trọng tới hiệu quả và có tính mục đích rất rõ ràng.

Thời gian gần đây, một số cán bộ, đảng viên có những vi phạm nghiêm trọng phải xử lý kỷ luật, đã có nhiều ý kiến khác nhau về đạo đức, tác phong, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ. Thậm chí, một số ý kiến với tư duy chủ quan của mình đã cho rằng: phong cách làm việc xa dân, quan liêu hiện nay của cán bộ công chức là do xã hội ta không có sự định hình đúng đắn về phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ công quyền. Để phê phán lại những ý kiến chủ quan này, bài viết dưới đây đề cập tới phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh và những định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với việc học tập phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh được thể hiện rõ ở một số nội dung như sau:

Thứ nhất, theo Hồ Chí Minh trong công việc phải biết sắp xếp thời gian hợp lý, xây dựng kế hoạch thực hiện phải xác định mục đích rõ ràng, tránh chung chung không có trọng tâm, trọng điểm. Người cho rằng tính khoa học trong công việc trước hết, thể hiện ở việc quý trọng thời gian, giờ nào việc ấy; làm việc phải có mục tiêu rõ ràng, tập trung; chương trình, kế hoạch đặt ra phải phù hợp. Hồ Chí Minh luận giải: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”. Người phê phán những cán bộ, đảng viên vạch ra “Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực”. Theo quan điểm của Người, để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp” Nhờ vậy mà ở cương vị lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước với “trăm việc, ngàn công phải lo” nhưng Người luôn chủ động hoàn thành mọi công việc với chất lượng, hiệu quả cao, thực sự trở thành tấm gương cho mỗi người cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

Thứ hai, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xác định rõ quyết tâm đối với từng công việc cụ thể, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp để thực hiện. Người vạch rõ: chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi. Nghĩa là, việc xác định chủ trương, xây dựng kế hoạch mới chỉ là bước đầu, sau khi đã có kế hoạch công tác thì người cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm thực hiện và phải thực hiện đến nơi đến chốn, không được đánh trống bỏ dùi. Người đã nhiều lần phê bình bệnh hữu danh vô thực ở không ít cán bộ: “Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”. Theo Hồ Chí Minh, để có được quyết tâm đối với công việc, người cán bộ, đảng viên phải thấy được vinh dự, tự hào và trách nhiệm của bản thân, ý thức được từng công việc cụ thể mà mình thực hiện đều có ảnh hưởng ở mặt này hay mặt khác tới lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, niềm tin của nhân dân.  

Thứ ba, theo Hồ Chí Minh, phong cách làm việc khoa học của người cán bộ, đảng viên còn thể hiện ở sự am hiểu của họ đối với cấp dưới, biết bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc. Hồ Chí Minh cho rằng một cán bộ làm việc khoa học, hiệu quả phải là người hiểu rõ năng lực của cấp dưới, am hiểu sở trường, sở đoạn, tâm lý, tính cách của cấp dưới, từ đó mà bố trí, sử dụng người cho đúng, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: khi giao công việc cho cấp dưới phải rõ ràng đầy đủ, phải dự báo được những tình huống có thể xảy ra cho cấp dưới và phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của cấp dưới. Việc kiểm tra, đôn đốc công việc thường xuyên một mặt thể hiện tác phong sâu sát, khắc phục được sự quan liêu xa rời thực tiễn của cán bộ, mặt khác sẽ bảo đảm cho công việc được tiến hành đúng hướng, đúng kế hoạch, phát hiện kịp thời những vướng mắc để giải quyết.

Thứ tư, Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách làm việc khoa học còn đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải biết rút kinh nghiệm, sử dụng kinh nghiệm đó để thực hiện công việc trôi chảy hơn, hiệu quả hơn, tránh lặp lại các sai lầm đã mắc phải. Theo quan điểm của Người, mỗi cán bộ, đảng viên sau mỗi một việc cụ thể cần phải rút kinh nghiệm tận gốc để tìm ra những điểm tốt mà phát huy, những điểm còn tồn tại mà khắc phục. Mặt khác, phải phổ biến những kinh nghiệm của mình cho tất cả cán bộ và cho dân chúng hiểu. Mỗi cán bộ, đảng viên phải học hỏi những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới. Hồ Chí Minh phê phán lối làm việc “không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn…, để mà học kinh nghiệm, để mà đặt ra khuôn phép cho công việc khác. Thành thử những cái tốt, cái hay đều không phát triển được. Và công việc xong rồi là thôi, cán bộ không học được kinh nghiệm gì, mà cũng không tiến bộ được mấy”. Người nhắc nhở: “công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”.

Như vậy, có thể thấy thông qua nhiều bài nói, bài viết và từ thực tiễn cuộc sống, công tác của mình, Hồ Chí Minh đã khái quát rất rõ và sâu sắc về phong cách làm việc khoa học cần phải có của người cán bộ, đảng viên. Tư tưởng, quan điểm và tấm gương thực tiễn sinh động về phong cách làm việc khoa học của Người đã được nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo để xây dựng, phát triển phong cách làm việc của bản thân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đươc giao gắn với bối cảnh, nhiệm vụ chung của từng giai đoạn cách mạng cụ thể.

Xuất phát từ vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ, đảng viên nên công tác xây dựng đội ngũ này vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới đã và đang được quan tâm thực hiện. Trong nhiều tổ chức đảng, ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vấn đề đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên đã được coi trọng xây dựng và có những bước phát triển tích cực. Nhiều cán bộ, đảng viên có ý thức mạnh mẽ về xây dựng, đổi mới phong cách làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác và mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, lãnh đạo với quần chúng, giữa cán bộ với nhân dân; nhiều cán bộ chủ chốt đã có ý thức ham học hỏi, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực lãnh đạo, quản lý được nâng lên rõ rệt; trong công việc đã xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên có lòng nhiệt tình, tự tin, năng động, sâu sát, tận tụy trong công việc. Không ít cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể về các quyết định và việc làm của mình theo chức trách, nhiệm vụ được giao…

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu ra những tư tưởng, quan điểm mà bản thân Người còn là một tấm gương sáng về phong cách làm việc khoa học cho cán bộ, đảng viên các thế hệ học tập, noi theo. Trong tình hình mới hiện nay việc nhận thức, học tập và vận dụng phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là con đường đúng đắn để mỗi người cán bộ, đảng viên không ngừng hoàn thiện, phát triển phong cách làm việc của mình đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đó cũng chính là sự thể hiện tình cảm, trách nhiệm và là việc làm thiết thực nhằm góp phần đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC