NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN LÝ LUẬN, BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

           Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị bao gồm nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[1]. Các môn lý luận chính trị - với sứ mạng trang bị cho người học thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, xây dựng ý thức công dân, năng lực làm chủ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, có vai trò to lớn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng nhất là trong điều kiện hiện nay. Trước tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, sự chống phá của các thế lực thù địch bằng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt, cuộc đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng chưa bao giờ được đặt ra bức thiết như lúc này. Đây là trách nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có đội ngũ giảng viên làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị ở các Nhà trường.

Nội dung nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần phát triển lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới có thể kể đến:

Một là, tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện để làm rõ hơn các giá trị cốt lõi, sức sống trường tồn không thể phủ nhận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của xã hội loài người và của Việt Nam

Giá trị và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở những nguyên lý cơ bản, các quy luật phổ biến giúp con người có được cách thức, con đường đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới, thúc đẩy xã hội loài người phát triển ngày càng hoàn thiện và văn minh hơn. Nghiên cứu, làm rõ để khẳng định được giá trị và sức sống của chủ nghĩa Mác - lênin chính là chúng ta đã bảo vệ bằng căn cứ khoa học đối với nền tảng tư tưởng của đảng, là nội dung quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, bởi “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[2]. Do đó, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, trước hết, không gì khác hơn là bảo vệ đến cùng những giá trị tư tưởng, lý luận mà C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu, đúc kết và kiểm nghiệm từ thực tiễn.

Hai là, không ngừng tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Chỉ có tổng kết thực tiễn mới kiểm chứng được sự đúng - sai của tư tưởng, lý luận. Tư tưởng, lý luận bao giờ cũng được khái quát và phản ánh từ thực tiễn. Hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống mở, luôn cần được tổng kết thực tiễn để hoàn thiện và phát triển. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những người nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị phải coi trọng tổng kết thực tiễn, qua đó kịp thời phát hiện để góp phần bổ sung, hoàn thiện và phát triển tư tưởng, lý luận của Đảng trong điều kiện mới.

 Ba là, nghiên cứu, phân tích, chứng minh sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội

 Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đến nay đã minh chứng: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu, phân tích, làm rõ sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng CNXH hiện nay là nội dung quan trọng, góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, nghiên cứu, phân tích sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để tham gia bổ sung, hoàn thiện, phát triển cho phù hợp với thực tiễn đất nước

Trên cơ sở nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra đường lối, chủ trương, Nhà nước hoạch định chính sách, pháp luật để định hướng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, bảo đảm cho đất nước phát triển đúng hướng và có hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn lại rất sinh động và luôn luôn vận động, biến đổi. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật có thể đúng trong giai đoạn này, thời điểm này, nhưng có thể là bất cập ở giai đoạn khác, thời điểm khác. Cho nên, phải thường xuyên nghiên cứu, phân tích thực tiễn nhằm phát hiện những bất cập để kịp thời bổ sung, điều chỉnh sát hợp với tình hình thực tế. Đây là nội dung rất cụ thể của công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị với phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại phù hợp với từng đối tượng, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 5 tr. 273-274

[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.88

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC