KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ 5 THÁNG ĐẦU NĂM KHẲNG ĐỊNH ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG
Trong 5 tháng đầu năm 2022, sự phát triển kinh tế – xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraina đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn, là một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu, nhất là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm kể từ 2011 đến nay.
Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu
đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII, dưới sự điều hành của Chính phủ,
kinh tế - xã hội nước ta 5 tháng đầu năm 2022 đã đạt được kết quả tích cực: Kim
ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm
trước, xuất siêu 516 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỉ
USD; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 147.800 tỉ đồng,
tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện
tại Việt Nam ước tính đạt 7,71 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; cả
nước có 98,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động
trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng
GDP bình quân quý I/2022 đạt 5,03%.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến
phức tạp và tác động sâu sắc từ đại dịch dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên
thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Theo Bộ Tài chính, Tổ chức xếp
hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn
của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". Cùng với đó, S&P
dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn
là 6,5%-7% từ năm 2023.
Việc Tổ chức S&P nâng định mức tín nhiệm quốc gia
của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức
tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo,
điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh
tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị-xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ,
ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam
đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tổ chức
thành công SEA games 31, để lại dấu ấn
đậm nhất với vai trò là nước chủ nhà Việt Nam đã nỗ lực sau đại dịch COVID-19
để thực hiện trọn vẹn khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”. Từ
tiếng vang ấy sẽ tạo ra sức bật về kinh tế, thương mại và sự trỗi dậy trở lại của
nền kinh tế Việt Nam cũng như của khu vực Đông Nam Á sau khi cả thế giới trải
qua ác mộng đại dịch COVID-19.
Đàng sau kết quả to lớn đó, là cả một hành trình, niềm
tin, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Ngày 30/01/2022, Chính
phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh
tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách
tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung
xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, sự
ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Chương
trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy tác
động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Nhận xét