ĐỪNG ĐỂ ĐỨC TIN BỊ LỢI DỤNG

             Thời gian qua, các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để công kích, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng đưa ra luận điệu “Việt Nam đàn áp tôn giáo”, “vi phạm quyền tự do tôn giáo” của người dân; yêu cầu các tôn giáo phải được hoạt động tự do, không cần đặt dưới sự quản lý của Nhà nước… Chúng vu cáo rằng: “Chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo”; “Pháp luật Việt Nam về tôn giáo, tín ngưỡng chỉ là hình thức, thực chất là cơ sở để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo”; “Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo, thậm chí có hành động đàn áp các tín đồ tôn giáo”… Chúng còn lập nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Blog… để phát tán, đăng tải các bài viết, video, hình ảnh đả kích, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Tất cả nhằm mục đích thêu dệt nên một bức tranh màu xám, méo mó về vấn đề tôn giáo tại Việt Nam, từ đó kêu gọi quốc tế “gây sức ép”, “can thiệp” vào nước ta.

Lợi dụng tính nhạy cảm của vấn đề tôn giáo, một số phần tử cực đoan trong tôn giáo cấu kết với các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Đảng và Nhà nước Việt Nam tổ chức các cuộc “hội luận”, “họp báo”, soạn thảo và tán phát các tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực dân chủ và nhân quyền. Họ đẩy mạnh xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, Việt Nam “không có tự do tôn giáo”. Họ cho rằng Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (trước đây) và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay là sự “đàn áp tôn giáo” bằng pháp luật của Nhà nước Việt Nam, không tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển; từ đó, khoét sâu mâu thuẫn giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp. Đồng thời, móc nối, câu kết với một số tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài thành lập hoặc tích cực tham gia các hội, nhóm trái pháp luật, mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp, phát triển lực lượng chống đốiMột số chức sắc cực đoan lợi dụng các vấn đề chính trị – xã hội phức tạp để kích động tín đồ xuống đường biểu tình, gây mất ổn định chính trị – xã hội.

Lợi dụng đường lối, chính sách đổi mới, mở cửa và tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, các tôn giáo đều gia tăng các hoạt động mở rộng cơ sở vật chất, dẫn đến phát sinh nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện đất đai liên quan đến tôn giáo. Đáng chú ý, số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo cũng như các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã triệt để lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo để kích động các hoạt động chống đối, gây tâm lý bức xúc và phản ứng của tín đồ đối với chính quyền; gây chia rẽ giữa chính quyền với tôn giáo. Nghiêm trọng hơn, họ còn cố tình chính trị hóa sự việc, xuyên tạc, vu cáo chính quyền “lấy đất đai của tôn giáo, bỏ quên quyền lợi nhân dân, bao che cho doanh nghiệp, tàn phá môi trường”, kích động tâm lý so bì, cho rằng Nhà nước đối xử không bình đẳng giữa các tôn giáo. Một số tổ chức, cá nhân tôn giáo không hợp tác với chính quyền trong việc kê khai, làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm lấn chiếm đất để mở rộng cơ sở thờ tự.

Có thể dẽ dàng nhận thấy rằng, trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, dễ thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Đây cũng là lĩnh vực dễ bị lợi dụng vào các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị – xã hội. Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo. Hoạt động lợi dụng tôn giáo và vấn đề tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị – xã hội là hoạt động hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo với chính quyền, giữa quần chúng giáo dân và những người không theo tôn giáo, tạo ra những yếu tố phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ thành xung đột xã hội. Trên thực tế, đã xảy ra một số vụ mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ nhân dân có liên quan tới tôn giáo do tác động bởi hoạt động nói trên. Sự ổn định chính trị – xã hội ở một số nơi, một số lúc đã bị ảnh hưởng. Do đó, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động này có vai trò quan trọng trong toàn bộ công tác tôn giáo cũng như bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội ở Việt Nam.

Mỗi tín đồ tôn giáo cũng đồng thời là công dân Việt Nam, khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải thực hiện nghĩa vụ công dân trên cơ sở pháp luật, không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân hay lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để trục lợi phi pháp, trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, trái giáo lý. Và chắc chắn những kẻ lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phi tôn giáo, làm ô danh tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật. Mỗi chức sắc, tín đồ và người dân hãy đề cao cảnh giác, kịp thời tố giác, ngăn chặn hành vi của các đối tượng lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật; đó cũng là phương cách để bảo vệ chính mình, bảo vệ xã hội và chính là bảo vệ các tôn giáo chân chính đang hoạt động bình thường trên đất nước Việt Nam.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC