KHÔNG THỂ NHÂN DANH “HOẠT ĐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG” ĐỂ VI PHẠM PHÁP LUẬT

 Ngày 17/6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 24 tháng tù giam đối với bà Ngụy Thị Khanh – cựu Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID về tội trốn thuế theo Điều 200, Bộ luật Hình sự.

Ngay sau đó, một số cá nhân, tổ chức thù địch, chống đối đã tung ra nhiều bài viết với thông tin không chính xác, bẻ lái theo hướng tiêu cực, tạo cớ can thiệp vào công việc của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam, đả kích chính quyền.

Tổ chức Việt Tân xuyên tạc, suy diễn khi cho rằng “chính quyền bỏ tù các nhà hoạt động môi trường”, rồi kêu gọi Việt Nam “trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh”. Đài Á Châu tự do (RFA) đăng bài viết “Giám đốc xã hội dân sự Green ID bị bắt với cáo buộc trốn thuế”, tung ra những thông tin lập lờ nhằm đánh lận bản chất vụ án. Thay vì đưa thông tin đúng về vụ việc, RFA lại dẫn dắt người đọc đến các vấn đề “xã hội dân sự”.

Họ liên hệ sự vụ trên với việc ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC) và ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD) phải chấp hành án phạt tù với tội danh trốn thuế để quy kết, vu cáo chính quyền “đàn áp nhà hoạt động môi trường”.

Bất chấp thực tế Ngụy Thị Khanh có hành vi trốn thuế, những kẻ lấy vỏ bọc các nhà “dân chủ”, “nhân quyền” cố tình phớt lờ sự thật để xuyên tạc, suy diễn vấn đề, vẽ ra các “thuyết âm mưu”, hướng lái dư luận về bản chất vụ việc, dựng chuyện chính quyền “bắt bớ người vô tội” để “ngăn chặn các tổ chức dân sự”.

Từ câu chuyện của Green ID, MEC và LPSD, chúng ta dễ nhận thấy các đối tượng tự xưng “nhà dân chủ” đang cố tình lợi dụng vấn đề "xã hội dân sự" để bao biện cho hành vi sai phạm, tạo cớ đả phá chính quyền nhân dân.

Thực tế, trong nhiều năm qua, các đối tượng xấu, phần tử cơ hội đã ráo riết thực hiện chiêu trò "xã hội dân sự" để chống phá đất nước. Lợi dụng quyền tự do lập hội được quy định trong Hiến pháp, các đối tượng thực hiện tuyên truyền đánh lận bản chất vấn đề nhằm hình thành các tổ chức tự phát, không theo quy định của pháp luật. Thông thường khi mới thành lập, các tổ chức này sẽ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, rêu rao “hoạt động phi lợi nhuận”, “thúc đẩy sự phát triển của xã hội”… để đánh bóng tên tuổi, tìm mọi phương thức tập hợp lực lượng chống đối từ bên trong và móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài. Sau khi có đủ khả năng về nhân lực và vật lực, số tổ chức, cá nhân này sẽ “thay màu”, lộ rõ bộ mặt thật không chỉ dừng lại ở vấn đề dân sự mà tìm cách “thò tay” can thiệp, lấn sâu tập trung đả phá vấn đề chính trị.

Với thủ đoạn “nội công ngoại kích”, mục đích của số đối tượng trên nhằm gây phân tâm dư luận, tìm mọi cách gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá cơ quan công quyền, tìm kiếm những tác động từ bên ngoài hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; cố tình đánh lận, dựng chuyện hòng làm giảm vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không riêng Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng có những quy định hết sức chặt chẽ liên quan đến thuế. Tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm thì người phạm tội sẽ phải chịu những chế tài tương ứng.

Đối với tội trốn thuế, đây là hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng. Tội trốn thuế đã được sửa đổi về số tiền trốn thuế trong Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất là 7 năm tù và phạt tiền có thể lên tới 4,5 tỷ đồng. Việc khởi tố, xét xử với bản án 24 tháng tù đối với bà Ngụy Thị Khanh về tội danh trốn thuế là việc làm hoàn toàn bình thường của cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Quá trình điều tra, xét xử được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Phiên tòa được diễn ra công khai, bị cáo được bảo đảm đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Ngụy Thị Khanh bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế và đã thừa nhận hành vi này. Một số ý kiến suy diễn cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động và ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở và không đúng với bản chất của vụ việc”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC