SỨC SỐNG CỦA CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY - VẤN ĐỀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN


Ngày 7­/11/­1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (Bôn­sê­vích) do V.I. Lê­nin đứng đầu, Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và giành thắng lợi, mở ra một thời đại mới -­ thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chín mươi chín năm qua, mặc cho kẻ thù ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bôi đen nhưng Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng, khẳng định sức sống và giá trị thời đại. Các nước xã hội chủ nghĩa vẫn kiên trì sự nghiệp cải cách, đổi mới, vượt qua thử thách, vươn lên giành nhiều thành tựu mới (trong đó có Việt Nam) là bằng chứng chân thực để bác bỏ các luận điệu thù địch phủ nhận giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười.
Sau khi Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, những người Bôn­sê­vích Nga đã phải kiên cường đấu tranh chống lại các thế lực tư sản, phản động. Kẻ thù luôn lớn tiếng vu cáo những người Bôn­sê­vích “đảo chính”, “tiếm quyền”. Chúng cho rằng: Cách mạng Tháng Mười là “sự đi chệch” khỏi con đường phát triển chính thống của nhân loại; không tính đến các tiền đề kinh tế -­ xã hội cho sự thắng lợi của CNXH ở nước Nga. Các phần tử cơ hội, xét lại cũng tìm đủ mọi cách xuyên tạc rằng, Cách mạng Tháng Mười là “diễn ra không theo Mác”, là “từ bỏ chủ nghĩa Mác”,...
Sau khi chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào những năm của thế kỷ XX, sự chống phá của các thế lực thù địch lại càng quyết liệt hơn. Chúng lớn tiếng bôi nhọ, phủ nhận ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, tuyên bố về “hồi kết thúc”, “sự cáo chung” của CNXH hiện thực; sự “lạc hậu, lỗi thời” của chủ nghĩa Mác ­- Lê­nin. Chúng cố tình đồng nhất sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô với sự thất bại của chủ nghĩa Mác ­- Lê­nin, cáo chung của Chủ nghĩa xã hội, sai lầm của Cách mạng Tháng Mười. Còn chủ nghĩa Tư bản mới là hình thái kinh tế - xã hội cao nhất, đỉnh cao của văn minh nhân loại. Chúng đưa ra nhiều lý thuyết về “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, “chủ nghĩa xã hội phi mác­xít”...; ca ngợi “tính đúng đắn” của chủ nghĩa cải lương tư sản; phủ nhận vai trò Đảng Cộng sản, đòi “đa nguyên, đa đảng”,...
Thực tiễn đấu tranh cách mạng, xây dựng CNXH trên thế giới những năm qua đã bác bỏ những luận điệu thù địch đó. Cách mạng Tháng Mười không phải là một hiện tượng thuần Nga, càng không phải là sản phẩm được tạo ra từ sự “cuồng nhiệt của ý chí chủ quan, không tưởng” của một cá nhân nào đó như kẻ thù thường rêu rao, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mưu toan xóa bỏ ảnh hưởng, tầm vóc vĩ đại của cuộc cách mạng XHCN. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dẫu rằng có nhiều quanh co, phức tạp, thăng trầm, nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà Cách mạng Tháng Mười vạch ra không hề thay đổi. Sự chống phá của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực của đời sống xã hội khi công khai, lúc ngấm ngầm; với các phương thức, thủ đoạn rất thâm độc, để xâm nhập trận địa tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào Đảng Cộng sản, chế độ XHCN. Những tổn thất do kẻ thù gây ra là vô cùng to lớn, nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà Cách mạng Tháng Mười vạch ra không hề thay đổi và tính tất yếu thắng lợi của CNXH là không thể đảo ngược.
Hiện nay, giá trị, sức sống của Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước đang kiên trì con đường XHCN như Trung Quốc, Việt Nam, Cu­ba,... Những thành tựu to lớn ở các nước XHCN còn lại đang là tác nhân thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới. Các phong trào cánh tả ở Tây Âu và Mỹ La­tinh, chính phủ nhiều nước do các đảng cánh tả cầm quyền tuyên bố quyết tâm “vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất nước theo mô hình “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”,...
Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam 99 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Hiện nay, cục diện thế giới đang có những biến động sâu sắc, tác động mạnh mẽ tới sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta càng phải nỗ lực phấn đấu để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta kiên trì sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra; phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những bước đi, hình thức phù hợp trong suốt thời kỳ quá độ. Tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy nhân tố con người, quan tâm tới lợi ích, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc bài học “lấy dân làm gốc” của Đảng, mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện trở thành cán bộ gương mẫu, thực sự là “công bộc” của dân.

Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi đi cùng năm tháng, cổ vũ cho tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa của phong trào cách mạng trên toàn thế giới trong thời đại ngày nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng như thế”. Mọi mưu đồ xuyên tạc của những kẻ thù địch hòng hạ thấp, xóa bỏ giá trị, ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng đó cần phải lên án, bác bỏ.
                                                                                    Vy Oanh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC