CẦN HIỂU ĐÚNG VỀ VAI TRÒ CỦA CHÍNH PHỦ TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM


Theo lý thuyết kinh tế học hiện đại, để vận hành nền kinh tế không thể thiếu vai trò quản lý của Nhà nước cũng như vai trò tự điều tiết của thị trường thông qua các quy luật kinh tế khách quan. Điều quan trọng là việc sử dụng bàn tay nhà nước hay cơ chế thị trường ở mức độ nào để đạt hiệu quả cao nhất. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam thực hiện cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN, điều đó càng cho thấy sự cần thiết phải có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, trước thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay, nhất là sau các sự việc phá sản của tập đoàn tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), gần đây nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền Trung do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi, có cả sự hoài nghi về vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước, thậm chí một số quan điểm cơ hội cho rằng: chỉ cần Nhà nước buông tay đối với nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thì mọi vấn đề về thiếu vốn, chậm phát triển, nợ nần sẽ được giải quyết… Vậy cần hiểu vấn đề này như thế nào?
Trước hết, phải khẳng định rằng ở Việt Nam, để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong phát triển KTTT định hướng XHCN thì nhất thiết phải có bàn tay của Nhà nước. Các chức năng kinh tế chủ yếu của Nhà nước là xây dựng pháp luật, các quy định và quy chế điều tiết, theo đó thông qua Quốc hội, Chính phủ đề ra những điều luật cơ bản nhằm tạo nên một môi trường thuận lợi và hành lang an toàn cho sự phát triển kinh tế; đồng thời Ổn định và cải thiện các hoạt động kinh tế,  Chính phủ thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô như kiểm soát thuế khóa, kiểm soát ngoại hối, cán cân xuất – nhập khẩu, lượng tiền hoạt động trên thị trường… nhằm đảm bảo cân bằng thị trường, hạn chế thất nghiệp, lạm phát... Không những thế, Chính phủ còn có sự tác động việc phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế thông qua hệ thống pháp luật, kế hoạch chi tiêu ngân sách, kế hoạch – chiến lược phát triển nhằm hướng tới sự phát triển cân đối, hài hòa, bền vững … Cơ sở pháp lý về vai trò của Chính phủ đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992), bên cạnh đó, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội được đánh giá qua 30 năm đổi mới trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng là minh chứng rõ nét: “Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; … lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý…”[1]. Bên cạnh đó, nếu nhìn lại những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong điều kiện nền kinh tế thế giới suy thoái kéo dài từ năm 2008 đến 2012 hẳn sẽ phải ngạc nhiên và thấy rõ sự cần thiết có bàn tay của Chính phủ trong quản lý kinh tế vĩ mô.
Nhìn lại vụ việc của Vinashin, Vinalines hay Formosa chúng ta hẳn không xa lạ với những thông tin có nội dung đề cập đến hiện tượng độc quyền, tham nhũng, lợi ích nhóm của những người có quyền lực đàng sau đó, hay họ cho rằng nguyên nhân của đổ vỡ chính là sự “ưu ái” của Nhà nước đối với những đứa con mang tên “Doanh nghiệp nhà nước” được đăng tải trên các blog, website, đài phát thanh … của một số hội, nhóm và các cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động “dân chủ, nhân quyền”, “vì dân”, “vì nước”. Nhìn vào những thông tin, bài viết đó chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nó thường mang nặng sự suy diễn chủ quan, tô vẽ, thổi phồng, thậm chí xuyên tạc trắng trợn tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để lôi kéo người dân “tin tưởng” vào các luận điệu xuyên tạc, các lực lượng này thường lợi dụng những vụ án tham nhũng, tình trạng làm ăn thua lỗ, vấn đề xã hội nổi cộm để suy diễn, quy kết “do tham nhũng”, “lợi ích nhóm” hay “sự yếu kém” của hệ thống quản lý nhà nước và thổi phồng cho đó là tình trạng “phổ biến”, “bản chất” của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một “căn bệnh” do cơ chế Đảng lãnh đạo độc đoán, do “năng lực quản lý yếu kém” của Chính phủ Việt Nam… Mục đích của những luận điệu trên nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam, gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo cũng như vai trò của hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Điều cốt lõi là chúng tạo ra những nghi ngờ đó để phá hoại sự đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước với quần chúng nhân dân, phá bỏ sự đồng thuận trong xã hội…
Khoản 1 Điều 51 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Điều đó thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước rằng: các thành phần kinh tế là chủ thể của nền kinh tế, đều bình đẳng, tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, chứ không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế khác nhau. Nhưng những kẻ cơ hội không chịu thừa nhận rằng, Chính phủ Việt Nam thực hiện sự quản lý vĩ mô, sử dụng hệ thống pháp luật, công cụ kinh tế để “kiến tạo” một môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh cho sự phát triển, theo đó mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều tuân thủ theo pháp luật, và năng lực kinh doanh đạt đến mức độ mạnh hay yếu, khả năng nắm bắt quy luật khách quan, xu hướng vận động của thị trường thế giới là yếu tố quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp trước sự biến đổi của thị trường chứ không phải do Nhà nước “ưu ái”, “bao che”.  
Trong xử lý hậu Formosa, do công ty này vi phạm các quy định của Nhà nước gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường, làm tổn hại đến kinh tế của các địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, nhất là ngư dân thì việc này đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo xử lý quyết liệt, đúng người, đúng tội theo sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ cũng đang cho kiểm đếm thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, đó là những việc làm rất kịp thời. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định mức bồi thường đối với các ngư dân bị thiệt hại ở 4 tỉnh miền Trung do sự cố môi trường với mức cao nhất là hơn 37,4 triệu đồng/tháng/tàu có công suất từ 800CV trở lên; mỗi ngư dân trên các tàu từ 50CV đến dưới 90CV bị thiệt hại được hưởng mức hỗ trợ là gần 8,8 triệu đồng/tháng; Các diêm dân, người lao động nói chung bị mất thu nhập từ biển cũng đều được hưởng các khoản hỗ trợ theo từng đối tượng...  Vì vậy, nếu cho rằng có sự “mờ ám” trong quản lý Nhà nước đàng sau Formosa thì đã phủ nhận hoàn toàn sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong hoạch định đường lối phát triển kinh tế-xã hội ở tầm vĩ mô.
Như vậy, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển đúng quỹ đạo, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Không có cơ sở khoa học nào phủ nhận vai trò của Nhà nước trong quản lý, điều tiết nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bởi bàn tay Nhà nước đã can thiệp vào các lĩnh vực như: ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng chống ô nhiễm môi trường, nâng cao phúc lợi xã hội, định hướng cạnh tranh một cách có hiệu quả giữa các thành phần kinh tế… Và dĩ nhiên, sự can thiệp của Nhà nước Việt nam vào nền kinh tế vẫn tuân thủ nguyên tắc “kiến tạo”, “định hướng” chứ không hề có sự can thiệp trực tiếp, áp đặt và “bao che” hay “ưu ái” cho một doanh nghiệp nào ngoài một số các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích xã hội, quốc phòng – an ninh.
                                                                                                               Yến Chi



[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, tr.14.

Nhận xét

maivanglq2 đã nói…
Bài viết này hay đấy
maivanglq2 đã nói…
Bài viết này hay đấy

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC