CẢNH GIÁC TRƯỚC MƯU ĐỒ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ "TÔN GIÁO" ĐỂ KÍCH ĐỘNG, GÂY RỐI, PHÁ HOẠI ĐẤT NƯỚC
Việt Nam là nước đa tôn giáo. Mặc dù nguồn gốc, đặc điểm và
thời điểm hình thành, phát triển của mỗi tôn giáo có khác nhau, nhưng nhìn
chung các tôn giáo luôn có tinh thần bao dung, đoàn kết, gắn bó trong đại gia
đình các dân tộc, tôn giáo Việt Nam. Cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn
đồng hành cùng dân tộc, hòa chung cùng niềm vui và nỗi đau của dân tộc trong
những thời khắc lịch sử, góp phần phát triển và làm rạng rỡ nền văn hóa Việt
Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, dưới sự
lãnh đạo của Đảng, các tôn giáo đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của hai
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và tiếp tục phát huy
trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chức sắc tôn giáo, tăng ni, phật
tử đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp
đạo”, “kính Chúa yêu nước” được ghi nhận và tôn vinh.
Nhận thức đúng vai trò của các tôn giáo và các tín đồ tôn
giáo, Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm, chính sách đúng đắn về vấn đề này
và khẳng định: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân
dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”;
trên cơ sở đó, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo
sinh hoạt theo hệ thống giáo lý, giáo luật và quy định của pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng
tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc
những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật. Chính sách
tôn giáo đúng đắn đó đã có tác dụng cổ vũ, động viên đồng bào theo đạo và các
chức sắc tôn giáo phấn khởi, chung sức, chung lòng cùng cộng đồng, làm tròn
nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc.
Thế nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, thù địch và dã
tâm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, các thế lực thù địch, phản động
đang điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước ta thông qua chiến lược “Diễn biến hòa
bình” với mọi thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Trong đó, lợi dụng vấn đề “tôn giáo”
được chúng sử dụng như một vũ khí đặc biệt quan trọng để xuyên tạc, vu khống,
kích động, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất ổn định
chính trị - xã hội, tiến tới chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Phương thức hoạt động chủ yếu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là
kích động tâm lý mặc cảm, tư tưởng chống đối, hậu thuẫn về vật chất, tinh thần
đối với những phần tử bất mãn, cực đoan, quá khích trong các tôn giáo; thúc đẩy
thành lập các hội đoàn trái pháp luật trong xứ đạo để thách thức, chống phá
chính quyền. Cùng với đó, chúng tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lý, phá
hoại tư tưởng, gây hoang mang dư luận về sự đối lập hệ tư tưởng giữa “hữu thần”
với “vô thần”, giữa thế giới quan tôn giáo với thế giới quan cộng sản hoặc vu
cáo, xuyên tạc “Cộng sản diệt đạo”, “Nhà nước đàn áp tôn giáo”; từ đó, kích
động mâu thuẫn, tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình, gây rối trật tự, mất ổn
định an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn, v.v.
Đáng chú ý, thời gian qua, lợi dụng những hạn chế, yếu kém
trong quản lý, điều hành xã hội của chính quyền các cấp về vấn đề đầu tư, ô
nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, … các phần tử cực đoan
trong tôn giáo nói chung, công giáo nói riêng, ra sức “bới lông, tìm vết”, tổ
chức các hoạt động vi phạm pháp luật Nhà nước, trái với giáo lý tôn giáo. Lợi
dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và được
sự tiếp tay của các thế lực phản động bên ngoài, những kẻ cực đoan đội lốt tôn
giáo kêu gọi, kích động giáo dân tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, tấn
công người thi hành công vụ, đập phá phương tiện, cản trở hoạt động giao thông,
gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Khi chính quyền
thực thi chức trách theo quyền hạn thì chúng vu cáo cơ quan chức năng “đàn áp,
bắt giữ và đánh đập” người tham gia biểu tình; tán phát trên mạng xã hội với
nội dung vu cáo chính quyền bao che cho Formosa, “đàn áp, đánh đập” những người
đi khiếu kiện đòi quyền lợi, kêu gọi người dân khởi kiện Formosa ra Tòa án hình
sự quốc tế, “cùng đứng lên đuổi Formosa khỏi Việt Nam”,…
Với mưu đồ chống phá đến cùng, những kẻ cực đoan đội lốt tôn
giáo đẩy mạnh tuyên truyền, kích động “con chiên ngoan đạo” rằng: “Không ngừng
duy trì nhiệt huyết và tính liên tục của các cuộc tuần hành, tụ tập đông người
phản đối chính quyền và yêu cầu Formosa ra khỏi Việt Nam vào chủ nhật hằng
tuần. Các cuộc tuần hành cần tập trung vào một số địa điểm nhạy cảm, đông
người, như: nhà riêng các lãnh đạo địa phương, công sở, khu công nghiệp, … tại
Nghệ An, Hà Tĩnh. Lấy vụ việc Formosa làm điểm nhấn để tăng cường khoét sâu mâu
thuẫn giữa giáo dân nói riêng và nhân dân nói chung với chính quyền địa phương”
và ủng hộ cái gọi là “cuộc chiến” hiện tại của giáo dân. Không những thế, họ
còn thay đổi phương thức đấu tranh sao cho bảo đảm tính thường xuyên, liên tục
và sinh hoạt, hoạt động sản xuất của giáo dân. Mưu đồ của họ là “chia giáo xứ
thành nhiều bộ phận theo các họ đạo, thay nhau đấu tranh vào các ngày nghỉ,
ngày chính quyền tổ chức cấp phát tiền đền bù, khi cần thiết mới huy động toàn
xứ đạo tham gia; thay đổi quy luật, cách thức đấu tranh, làm tốt công tác chuẩn
bị nhưng không để lộ bí mật, không để chính quyền và số người “bán Chúa cầu
vinh” nắm thông tin, tổ chức ngăn chặn…
Tiếp tay cho hành động đó, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế/BNG
(USCIRF) đã công bố tài liệu tổng kết tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, với
những đánh giá thiếu khách quan khi cho rằng: Việt Nam chưa thực sự tôn trọng
quyền tự do tôn giáo. Tình trạng xâm phạm tự do tôn giáo vẫn diễn ra, nhiều nơi
chính quyền địa phương và lực lượng an ninh thường xuyên sách nhiễu, phân biệt
các tổ chức tôn giáo, bắt giữ những người “đấu tranh” cho tự do tín ngưỡng tôn
giáo; đề nghị Chính phủ Mỹ cần sớm đưa Việt Nam trở lại danh sách những nước
cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC). Cùng với đó, các thành viên của cái
gọi là “Đảng Việt Tân”, trú tại Mỹ thông qua các trang mạng tuyên truyền, xuyên
tạc rằng: đến thời điểm hiện tại (ngày 16-3-2017), Chính phủ Việt Nam “mới đền
bù thiệt hại được một phần cho ngư dân, số tiền còn lại các cơ quan chức năng
của Việt Nam gửi ngân hàng để chia chác kiếm lợi”; đồng thời, yêu cầu Việt Nam
“đóng cửa” Công ty Formosa!,v.v. Thật nực cười! Chẳng hiểu họ lấy thông tin từ
đâu, với tư cách gì mà có những nhận định và đòi hỏi hồ đồ như vậy. Phải chăng
đây là hành động “vì dân, vì nước” của các nhà dân chủ, tổ chức lưu vong?
Không, hoàn toàn không! Thực chất đó là những luận điệu lạc lõng, hại dân, hại
nước, trò “lập lờ đánh lận con đen”, “đổ thêm dầu vào lửa” hòng đánh lừa dư
luận, can thiệp vào tình hình tôn giáo ở Việt Nam, nhưng không che mắt được ai.
Hành động của họ không vì cuộc sống của đồng bào ngư dân miền Trung mà chỉ là
nhằm lợi dụng “vấn đề formosa” để kích động chống Đảng, Nhà nước và chế độ ta!
Chúng ta đều biết, đã gần một năm trôi qua, sự cố ô nhiễm
môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra là một thảm họa lớn nhất xảy ra
tại Việt Nam từ trước đến nay. Để khắc phục hậu quả đó, Đảng, Chính phủ, các
ban ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo quyết liệt bằng các giải pháp đồng bộ nhằm sớm ổn định cuộc sống và lao
động của bà con ngư dân các tỉnh miền Trung. Với nỗ lực đó, đại diện Công ty
Formosa đã phải công khai nhận trách nhiệm và hứa sẽ không tái phạm; đồng thời,
cam kết bồi thường 500 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng Việt Nam) để
khắc phục sự cố nghiêm trọng này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về
mức bồi thường thiệt hại cho bà con ngư dân tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình,
Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển, theo 7
nhóm đối tượng, gồm: Khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối;
hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du
lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản. Các địa phương trong diện
được đền bù đã thành lập ban quản lý, điều hành cấp phát cho bà con theo các
nhóm đối tượng; Quy chế Dân chủ ở cơ sở được phát huy; những nơi làm chưa đúng
được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Đến nay, hầu hết những người bị thiệt
hại đã được đền bù và đều hài lòng, phấn khởi trước sự quan tâm hỗ trợ thỏa
đáng của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, tạo niềm tin vững chắc để họ
tiếp tục yên tâm bám biển, vươn khơi đánh bắt hải sản, cải thiện cuộc sống gia
đình, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thực tế là vậy, nhưng các thế lực phản
động, phần tử cực đoan trong tôn giáo không những không thừa nhận, mà còn cố
tình lờ đi như người không có mắt, hơn thế còn ra sức xuyên tạc, bịa đặt, “bóp
méo sự thật”, “đổi trắng thay đen” về những gì đang diễn ra trên mảnh đất này.
Thật nực cười, trớ trêu!
Sự chống phá quyết liệt của những kẻ cực đoan trong tôn giáo
cùng sự “hà hơi, tiếp sức” của các thế lực thù địch bên ngoài nguy hiểm ở chỗ
làm cho một số người “nhẹ dạ cả tin” trong bà con giáo dân lầm tưởng rằng việc
làm đó là đi theo “tiếng gọi của Chúa” mang phúc lộc cho các con chiên ngoan
đạo để rồi nghe lời xúi giục kích động của họ tham gia tụ tập, biểu tình, gây
rối vi phạm pháp luật.
Chúng ta hãy cảnh giác, chủ động và tích cực đấu tranh lật
tẩy những mưu đồ đen tối, những kẻ đeo mặt nạ trá hình đội lốt tôn giáo trước
ánh sáng công lý và pháp luật. Đó việc cần làm nhất thiết phải làm của tất cả
những người Việt Nam yêu nước./.
Diệp Vấn
Nhận xét