"KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO" - CHÂN LÝ CỦA THỜI ĐẠI
Tư tưởng Hồ Chí
Minh là một di sản lý luận quý báu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là ngọn
cờ đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong hệ thống di sản lý luận ấy, "Không có gì quý hơn
độc lập, tự do" là một luận điểm mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ của
thời đại.
"Không có gì quý hơn độc lập, tự do" không chỉ là tư
tưởng mà còn là lẽ sống, là một giá trị to lớn trong học thuyết cách mạng của
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến
thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do,
vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc; đồng thời tư tưởng đó còn là nguồn cổ
vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị
áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, vì cuộc sống và
hạnh phúc của con người. Nó không phải là tư tưởng của riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà là lẽ sống của cả
dân tộc Việt Nam. Trong đó, Hồ Chí Minh là đại biểu cho toàn thể nhân dân, dân
tộc Việt Nam đúc kết, khái quát và khẳng định.
"Không có gì quý hơn độc
lập, tự do" vừa là mục tiêu, vừa là động lực thôi thúc người thanh niên
yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác -
Lênin, cẩm nang thần kỳ của cách mạng Việt Nam. Điều đó đã trở thành hiện thực kể
từ khi Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, (2-9- 1945) tuyên
bố với cả thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập,
và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem
tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do,
độc lập ấy"(1). Với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do",
nhân dân Việt Nam đã anh dũng, kiên cường chiến đấu hy sinh đánh thắng thực dân
Pháp và đế quốc Mĩ, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại
trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở thế kỷ XX.
"Không
có gì quý hơn độc lập, tự do" là một mệnh đề đấu tranh cho chân lý của dân
tộc Việt Nam với bốn nội dung cơ bản có ý nghĩa rất sâu sắc(2):
Thứ nhất, có độc lập, tự do thì sẽ có tất cả; đất nước không thể phồn vinh,
dân tộc không thể phát triển, nhân dân không thể hạnh phúc nếu không có được độc
lập, tự do. Độc lập, tự do của dân tộc; quyền được sống, quyền được mưu cầu
hạnh phúc của một đất nước là vô cùng quý giá và thiêng liêng. Không ai có thể
tự cho mình cái quyền can thiệp, quyền xâm phạm độc lập, tự do của các quốc gia
dân tộc khác, càng không thể có quyền thực hiện sự can thiệp đó bằng bom đạn.
Thứ hai, muốn có độc lập, tự do thì các dân tộc bị áp bức không thể ngồi
yên chờ đợi, càng không thể trông chờ vào sự "ban ơn" của các thế lực
đế quốc, thực dân. Muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự thì vấn đề quyết
định trước hết là phải giành cho được độc lập, tự do, phải vùng lên xoá bỏ mọi
gông xiềng, mọi sự áp bức, nô dịch, thoát khỏi kiếp "ngựa trâu".
"Không có gì quý hơn độc lập, tự do" là một mệnh đề hành động. Một dân tộc không thể có được độc lập, tự do, nếu dân tộc ấy không
tự đứng lên để giải phóng cho mình, không biết tự cứu lấy mình, không có con
đường đấu tranh đúng đắn. Độc lập, tự do của các quốc gia dân tộc là một giá
trị cao quý và thiêng liêng, là "không có gì quý hơn", là kết quả đấu
tranh liên tục, bền bỉ của cả dân tộc, của nhân dân các quốc gia dân tộc bị áp
bức trên toàn thế giới.
Thứ ba, khi độc lập, tự do bị xâm phạm thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng
lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy. Thể hiện
ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do trong những ngày đầu kháng chiến chống
xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất
cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"(3).
Để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên
cường, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần "quyết tử cho Tổ
quốc quyết sinh"; với ý chí quyết chiến quyết thắng, nhân dân Việt Nam
"quyết không sợ", hễ còn một tên xâm lược trên đất nước, thì phải
chiến đấu "quét sạch nó đi".
Thứ tư, giá trị thực sự của độc lập, tự do chính là ở chỗ: khi đã có độc
lập, tự do thì phải quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của các
tầng lớp nhân dân, làm cho nhân dân ngày càng hạnh phúc. Làm cách mạng là để
giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thì đồng thời cũng phải đem lại tự do, ấm no,
hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng chủ nghĩa xã hội là đưa nhân dân lao động lên
làm chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế, là làm cho mỗi
người và cả dân tộc đều "sung sướng" và "tự do".
Bốn nội dung trên hợp thành một
chỉnh thể thống nhất và hoàn chỉnh của chân lý "Không có gì quý hơn độc
lập, tự do". Điều đó cho thấy nội dung rộng lớn và giá trị thời đại sâu
sắc và lâu dài của tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh mới của cuộc đấu tranh giai
cấp, đấu tranh dân tộc, của xu thê toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế
hiện nay, chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" tiếp tục là
động lực tinh thần và là tư tưởng dẫn dắt nhân dân Việt Nam trên con đường phát
triển, đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Độc lập, tự do không chỉ về chính trị,
không chỉ là vấn đề chủ quyền quốc gia dân tộc, mà là độc lập, tự do trên tất
cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đối với mỗi con người và đối với cả dân
tộc. Những dòng người di cư bất hợp pháp từ các nước khu vực Trung Đông, Syria vượt
Địa Trung Hải với ước mơ tìm cho cho mình một “bến đỗ mới” cộng đồng Châu Âu -
EU, chúng ta càng thấm nhuần chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự
do".
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ
mới, chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" nhắc nhở rằng:
trong khi tập trung cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, xây dựng đất
nước, Nhân Dân ta không được một phút nào lơi lỏng nhiệm vụ quốc phòng, an
ninh, càng phải chú trọng chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức
mạnh chiến đấu cửa các lực lượng vũ trang nhân dân, tăng cường sức mạnh quốc
phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Thực
hiện tốt quan điểm: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an
nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại
hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao
chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với
Đảng, Nhà nước và nhân dân”(4). Bảo đảm cho Quân
đội nhân dân, Công an nhân dân thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp
bảo vệ Tổ quốc. Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ, phát
huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài tạo nên sức mạnh
tổng hợp to lớn vượt qua mọi thách thức, khắc phục mọi khó khăn, tận dụng cơ
hội, tranh thủ thời cơ đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường chủ nghĩa
xã hội.
Trung Quân
__________
(1).
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị
quốc gia - Sự thật, H. 2011, t.6, tr.587.
(2).
Đại tướng
Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bài phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế Kỷ niệm 120
năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2010.
(3).
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị
quốc gia- Sự thật, H. 2011, t.4, tr.534.
(4).
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,
Nxb.Chính trị quốc gia, H.2016, tr.34-35.
Nhận xét