HỒ CHÍ MINH – NHÀ BÁO CÁCH MẠNG
Cách đây 92 năm, tại Quảng Châu - Trung Quốc ngày 21/6/1925 Nguyễn Ái
Quốc đã sáng lập ra báo Thanh niên, đây là tờ báo vô sản đầu tiên của Việt Nam
được viết bằng chữ quốc ngữ. Tờ báo đã góp phần rất quan trọng trong việc
truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng Việt Nam vào trong nước;
chuẩn bị chính trị, tư tưởng cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam
năm 1930. Đây là sự kiện rất quan trọng mở đầu cho lịch sử vẻ vang của nền báo
chí ở nước ta. Thấy được ý nghĩa to lớn của việc ra đời số báo đầu tiên, ngày 02/5/1985
Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
đã ra quyết định số 52/QĐ – TW lấy ngày 21/6 hàng năm làm “Ngày báo chí Việt
Nam”.
Là lãnh
tụ kiệt xuất của Đảng và dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc
viết báo, làm báo là một nhiệm vụ, một bộ phận quan trọng trong công tác của cách
mạng Việt Nam. Thực tiễn cho đến lúc Người ra đi Người đã viết khoảng 2.000 bài
báo với nhiều bút danh khác nhau…Đây là một di sản vô cùng to lớn và quý báu của
Đảng và nhân dân ta, là một trong những bộ phận hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo Hồ Chí Minh: Trước khi viết báo phải xác
định rõ mục đích của bài báo để làm gì? đối tượng của bài báo là ai? nội dung
bài báo nói tới vấn đề gì? Và cách viết như thế nào? Theo Hồ Chí Minh báo chí
viết ra không phải để cho một số ít người xem mà để phục vụ nhân dân, để tuyên
truyền giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính Phủ cho nên phải có
tính chất quần chúng, viết ngắn gọn dễ đọc dễ hiểu có tinh thần chiến đấu cao
và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò của người
làm báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ
khí sắc bén của họ”. Do đó Người yêu cầu những người làm báo cần phải thường
xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trao dồi tư tưởng nghiệp vụ và văn hóa; chú
trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước;
luôn đi sâu vào thực tế cuộc sống, gần gũi với quần chúng nhân dân lao động….
Người sử dụng báo chí làm công cụ giác ngộ và thức tỉnh đồng bào - Báo
Người cùng khổ 1922 và báo Thanh niên 1925 đã tập trung vào mục tiêu đó. Với
báo Người cùng khổ, Bác vừa là người sáng lập, vừa là người lãnh đạo, chủ bút,
phóng viên và thậm chí có lúc còn kiêm luôn nhiệm vụ phát hành nữa. Bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần
tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa để cho nhân dân Pháp và nhân dân thế
giới thấy rõ và ủng hộ cho cuộc đấu tranh đòi quyền sống, quyền con người,
quyền dân tộc của các dân tộc thuộc địa. Năm 1925, sáng lập báo Thanh niên,
Nguyễn Ái Quốc đã dùng tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải
phóng dân tộc, để tập hợp và giác ngộ quần chúng, để tiến tới thành lập một tổ
chức tiên phong lãnh đạo giai cấp và dân tộc…
Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ phóng viên báo Nhân dân năm 1957
Báo chí thể hiện tâm nguyện và đức độ của Bác như một tấm gương mẫu mực
cho đồng bào và chiến và nhân loại noi theo. Khi
đất nước đã giành được độc lập, Đảng giữ vai trò lãnh đạo, Bác sớm phát hiện
ngay thấy căn bệnh cố hữu, được hình thành như một quy luật trong những người
có chức, có quyền, đó là bệnh quan cách mạng, quan liêu, hủ hóa, tham ô, lãng
phí, kéo bè kéo cánh, cục bộ địa phương, lười học, ăn trên ngồi trước, thiếu
trung thực, báo cáo hay, làm thì dở, xu nịnh, a dua… Người viết các bài báo.
Sửa đổi lối làm việc và các bài cần, kiệm, liêm, chính, đạo đức cách mạng.
Người phê phán, thậm chí lên án các căn bệnh ấy, coi đó là một thứ giặc nội
xâm, một kẻ thù của Đảng, của dân tộc.
Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng. Báo chí phục vụ cho sự nghiệp cách mạng
của Người - một sự nghiệp hướng tới xây dựng chủ nghĩa xã hội một xã hội công
bằng, văn minh và tiến bộ. Nói như Bác, đó là xã hội mà mọi người đều được ấm
no, tự do và hạnh phúc - Một xã hội của đạo đức được xây dựng từ cái đức trong
sáng của Bác Hồ, vị lãnh tụ, nhà cách mạng, nhà báo kiệt xuất của dân tộc Việt
Nam và nhân loại.
Kỳ Tài
Nhận xét