NGƯỜI CÁCH MẠNG LÀ PHẢI BIẾT CHẤP HÀNH VÀ TÔN TRỌNG KỶ LUẬT ĐẢNG



Chủ tịch Hồ Chí Minh coi: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ đảng viên”. Người cho rằng, nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng. Người coi: Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên.
Kỷ luật của Đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện quan trọng bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật đảng, pháp luật của nhà nước là đạo đức cách mạng của người cộng sản. Người cho rằng, Đảng phải giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động nhất trí. Kỷ luật này do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng. Do vậy, nhiều lần, Hồ Chí Minh khuyên nhủ, nếu ngại gian khổ, khó khăn, nếu sợ mình không toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, sợ khép mình vào tổ chức, sợ kỷ luật sắc của Đảng thì đừng vào Đảng hoặc hãy khoan vào Đảng.
Kỷ luật của Đảng không chỉ đòi hỏi tính tự giác mà còn mang tính bắt buộc đối với những cá nhân, những bộ phận chưa ý thức đầy đủ nhiệm vụ của người đảng viên. Bắt buộc là một nội dung tất yếu của mọi hình thức kỷ luật. Sự giác ngộ càng cao thì tính bắt buộc càng ít và càng mang tính tự giác cao. Đảng viên tự giác chấp hành những điều khoản trong Điều lệ đã được họ thảo luận dân chủ và thống nhất ý kiến trước khi được chính thức thông qua tại các kỳ Đại hội Đảng.
Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên càng có công thì càng phải khiêm tốn, không được tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật. Người yêu cầu đảng viên chẳng những phải giữ gìn kỷ luật của Đảng mà còn phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân. Nhiều người tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất thì làm, đi không xin phép, về không báo cáo, kinh rẻ ý kiến cấp dưới, xem thường chỉ thị của cấp trên. Các đảng viên, cán bộ đó không biết kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể, nhân dân và của Đảng cũng là một.
Hồ Chí Minh yêu cầu những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, không được châm chước, bao che cho nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Người cho rằng, người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa và cũng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật thích đáng.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề kỷ luật đảng luôn thể hiện tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng sâu sắc. Hồ Chí Minh luôn yêu cầu các cấp lãnh đạo phải biết nghe, dám nghe và khuyến khích được nghe các ý kiến khác nhau kể cả ý kiến khác với suy nghĩ lâu nay của mình. Người nhắc lãnh đạo các cấp phải khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến… Nếu cán bộ không nói năng, không đề ra ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì để nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản.
Hồ Chí Minh khẳng định mọi đảng viên có quyền trình bày ý kiến riêng của mình, đề đạt kiến nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Song, khi đã có nghị quyết của tập thể thì phải làm theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Đó là quyền tự do phục tùng chân lý. Theo Hồ Chí Minh, thực tiễn cách mạng luôn vận động và phát triển. Đảng ở trong xã hội và cùng xã hội phát triển. Tuy nhiên, mỗi khi gặp tình hình mới, công tác mới… tư tưởng của một số cán bộ, đảng viên không khỏi bỡ ngỡ, lệch lạc, hoặc “tả”, hoặc “hữu”, đó là điều bình thường, cho nên thống nhất ý chí, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và cực kỳ quan trọng.
Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của kỷ luật đảng càng cực kỳ quan trọng, vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài. Kỷ luật nghiêm minh mới bảo đảm cho đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng được chấp hành triệt để, không bị chệch hướng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng mới được tăng cường, bảo đảm sự tồn tại, phát triển, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Vi phạm trong thời gian qua chủ yếu là: những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm về đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tham nhũng, cố ý làm trái…
Qua thực tiễn, cho thấy, nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT và đảng viên về thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng còn hạn chế, có những cấp uỷ buông lỏng nhiệm vụ thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, có nơi “khoán trắng” cho UBKT, ngược lại có cấp uỷ lại chưa tạo điều kiện thuận lợi cho UBKT hoạt động, còn can thiệp “quá sâu” vào các vụ việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của UBKT. Xu hướng đảng viên, tổ chức đảng không chỉ vi phạm các nguyên tắc, quy định, nghị quyết, chỉ thị của Đảng tăng, mà vi phạm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh quan liêu, xa dân, tham nhũng, “lợi ích nhóm” đang làm suy thoái một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhưng việc phát hiện và xử lý luật chưa tương xứng với tình hình vi phạm. Đây là một thực tế và đã trở thành nguy cơ lớn, thách thức uy tín và sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Do vậy, củng cố và tăng cường kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức đảng. Tăng cường kỷ luật đảng không phải là để kỷ luật cho nhiều đảng viên, mà chủ yếu là để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng đòi hỏi các cấp uỷ đảng, các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành luật pháp, phải đi đầu trong cuộc đấu tranh, tăng cường pháp chế XHCN. Đảng nghiêm cấm các tổ chức đảng tuỳ tiện đề ra những quy định trái pháp luật.
Để bảo đảm kỷ luật được chặt chẽ, tự giác thì phải mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng. Hai mặt dân chủ và kỷ luật trong Đảng phải luôn luôn đi đôi với nhau. Có mở rộng và tăng cường dân chủ trong Đảng thì mới bảo đảm được kỷ luật và có bảo đảm được kỷ luật thì mới tăng cường được dân chủ. Đảng cũng đòi hỏi trong các hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ, đảng viên phát biểu ý kiến phải theo đường lối, chủ trương và các nghị quyết của Đảng. Mọi đảng viên phải giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, không được bạ đâu nói đó, không được lợi dụng các diễn đàn, các cuộc hội thảo, hội nghị để đả kích tổ chức, phê phán lãnh đạo, bôi nhọ cá nhân một cách bừa bãi và tuyên truyền các quan điểm sai trái. Tuỳ tiện phát ngôn là tạo cơ hội cho kẻ thù và những phần tử xấu lợi dụng chống Đảng.
Do đó, hiện nay, Đảng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên trong cả lời nói và việc làm. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về các chi bộ đảng. Mọi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào cũng đều phải rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, tham gia đầy đủ sinh hoạt chi bộ, tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết không để một cán bộ, đảng viên nào được đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. Mọi hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng gây chia rẽ, bè phái trong Đảng đều phải bị xử lý nghiêm minh. Đây là yêu cầu cấp thiết thường xuyên để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng.
                                                                                                                Duy Tân

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC