PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM “CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG KHÔNG THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC”

Ngay từ khi mới ra đời chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng luôn bị các lực lượng thù địch chống phá. Đặc biệt, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, sự chống phá càng quyết liệt hơn. Chúng cho rằng, CNXH là không tưởng bởi nó được “dựng” lên từ một hệ thống triết học tư biện chứ không phải từ hiện thực khách quan. Đồng thời, chúng cho rằng, không thể có một xã hội hoàn hảo như chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra. Đó là “một giấc mơ về xã hội không tưởng” và theo chúng đó là một xã hội không thể thực hiện được.
Những kẻ phê phán chủ nghĩa Mác và bác bỏ lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học không thấy được rằng  học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội không phải là hệ thống tư biện mà trước hết đó là sự khái quát hóa từ việc nghiên cứu quá trình hình thành, vận động và phát triển của lịch sử xã hội. Nghiên cứu lịch sử phát triển nhân loại, Mác đã xuất phát từ cơ sở nền tảng của xã hội đó là phương thức sản xuất. Từ đó, phản ánh đúng bản chất, tìm ra quy luật chi phối đến sự vận động và phát triển của xã hội và cũng thông qua đó, Mác đã dự báo về sự vận động và phát triển của xã hội, đó là dự báo hoàn toàn được dựa trên cơ sở khoa học đúng đắn chứ không phải là sự “tư biện”.
Thứ hai, chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời xuất phát từ mảnh đất hiện thực khách quan. Học thuyết Mác ra đời trong điều kiện Chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ và bộc lộ những hạn chế không thể tránh khỏi. Mác và Ăngghen đã tìm ra quy luật vận động của xã hội loài người, đặc biệt là quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản thông qua ba phát kiến vĩ đại: Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; học thuyết về giá trị thặng dư và học thuyết về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân. Lý luận về chủ nghĩa xã hội - giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội Cộng sản chủ nghĩa không phải là từ ý muốn chủ quan của mình mà từ chính bản thân quá trình phát triển khách quan của lịch sử nhân loại. Nếu như các nhà tư tưởng trước Mác thường lý giải sự phát triển của lịch sử ở những nguyên nhân tinh thần, thì Mác và Ăngghen là những người đầu tiên đã phát hiện ra một sự thật lịch sử “không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ”. Đây chính là xuất phát điểm để giải thích toàn bộ lịch sử nhân loại trên lập trường duy vật biện chứng.
Từ điểm xuất phát đó, Mác, Ăngghen đã tìm ra quy luật vận động và phát triển của xã hội. Theo Mác, Ăngghen, trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định xã hội bao giờ cũng có một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng trên cơ sở hạ tầng ấy. Mác, Ăngghen đã chỉ ra sự vận động và phát triển của lịch sử xét đến cùng bắt đầu từ sự phát triển của lực lượng sản xuất. Theo đó, trong một hình thái - kinh tế xã hội, lực lượng sản xuất phát triển đến một trình độ nhất định sẽ dẫn đến mâu thuẫn gay gắt với quan hệ sản xuất hiện có. Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại của một cuộc cách mạng xã hội.
Thứ ba, chủ nghĩa xã hội đã và đang là hiện thực của lịch sử nhân loại
Sau thắng lợi của cách mạng tháng mười Nga, nước Nga đã tiến hành xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây là bước ngoặt to lớn đánh dấu chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực. Cách mạng tháng mười Nga đã chứng minh dự báo của Mác và Ăngghen về tính tất yếu của sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Đồng thời cuộc cách mạng ấy cũng đã mở ra cho nhân loại một xu hướng mới về xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái, đối lập với chế độ áp bức, bóc lột, bất công trong chế độ tư bản chủ nghĩa.
Sự đổ vỡ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô không có nghĩa là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một học thuyết cách mạng và khoa học. Một học thuyết đã vạch đường cho sự giải phóng hoàn toàn, triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức, xây dựng một xã hội phồn vinh, công bằng, văn minh - xã hội Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, do những điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử nhất định mà ngay từ trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã xác định: làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các mục tiêu được Đảng Cộng sản Việt Nam thực thi như: xây dựng Hiến Pháp, thực hiện các quyền tự do, dân chủ công dân, xóa bỏ tô, thuế của chế độ thực dân, phong kiến...
Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào khủng hoảng, sụp đổ đã xuất hiện không ít tư tưởng hoài nghi về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vạch ra mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, nhất là qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn về con đường đi lên CNXH. Đảng xác định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giảu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh do nhân dân lao động làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong quá trình thực hiện mục tiêu ấy như: thể chế chính trị do nhân dân làm chủ được bảo đảm thực hiện, quyền dân chủ  của nhân dân không ngừng được tăng lên, quá trình CNH, HĐH được đẩy mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc, quan hệ quốc tế không ngừng được mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao ... đã cho thấy, chủ nghĩa xã hội không phải là ảo tưởng mà là hiện thực. Hiện thực ấy là đòn giáng trả đanh thép dành cho những kẻ cơ hội chính trị bám theo đuôi phương Tây đang hàng ngày, hàng giờ kêu gào đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta đủ tự tin để khẳng định rằng, hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội là hiện thực khách quan, là sự vận động tất yếu của lịch sử xã hội. Bởi đó chính là ước mơ, là khát vọng của con người. Là xã hội mà con người vẫn luôn hướng tới.
                                                                                      Mai Hương

Nhận xét

người yêu nước đã nói…
bài có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC