SAI LẦM KHI CHO RẰNG SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN XÔ VÀ ĐÔNG ÂU LÀ SỤP ĐỔ CỦA HỌC THUYẾT MÁC – LÊNIN

Khẳng định sự sụp đổ của Liên Xô là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực được xây dựng ở Nga và sau đó là ở Liên bang Xô viết, chứ không phải là sự sụp đổ của học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội 
Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người – kỷ nguyên xuất hiện hình thái kinh tế - xã hội mới là chủ nghĩa xã hội. Nước Nga trở thành nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên và do vậy, bản thân nó phải giải quyết những vấn đề nẩy sinh trong sự nghiệp xây dựng đất nước trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và trên phương diện thực tiễn hoàn toàn không có tiền lệ.
Tại sao một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh như Liên Xô lại bị sụp đổ một cách nhanh chóng?
Những nguyên nhân bên trong xuất phát từ tồn tại xã hội Xô viết qua các chặng đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, hình thành nên chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô. Ngay cả ở những giai đoạn được gọi là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội cũng đã tiềm ẩn những bất cập chậm được khắc phục, dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của mô hình xã hội hiện thực đó. Tiếp theo là những sai lầm nghiêm trọng của Đảng Cộng sản Liên Xô mà đứng đầu là Tổng Bí thư M.Goócbachốp.
Những nguyên nhân bên ngoài là sự chống phá của các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội mà Liên Xô được xem là thành trì của phe xã hội chủ nghĩa. Những khẩu hiệu được nêu ra vào thời “hai phe”, “lưỡng cực” thể hiện quyết tâm của các nước xã hội chủ nghĩa muốn bằng những tiến bộ về kinh tế, chính trị và xã hội để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” rốt cuộc đã không thu được kết quả, thậm chí còn chuốc lấy sự thất bại thảm hại của mô hình xã hội chủ nghĩa hiện thực với nhiều khiếm khuyết của nó. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì các nước xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ chỉ chú trọng về mặt hình thức, phô trương một số mặt tiến bộ của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết vấn đề về sở hữu để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, để mọi công dân của nó đều được hưởng thụ những gì nhà nước đem lại mà không có những điều chỉnh trong chính sách kinh tế, làm cho nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp trở nên bất cập trước xu thế của thời đại. Trong khi đó, các nước tư bản lại không ngừng điều chỉnh về nhiều mặt nhằm làm cho mức sống của người lao động ở đó được nâng cao và làm dịu đi các mâu thuẫn xã hội và đấu tranh giai cấp. Mặt khác, để xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới, các nước đế quốc, đứng đầu là Mỹ đã ráo riết hoạt động chống phá Liên Xô, từ chỗ không thể dùng sức mạnh quân sự, chúng đã sử dụng đến các biện pháp khác như ly khai, “diễn biến hòa bình” và cuối cùng, là liệu pháp tha hóa những chính khách của các nước xã hội chủ nghĩa.
Sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu diễn ra vào cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990 được coi là chấn động lớn nhất trong nền chính trị thế giới nửa cuối thế kỷ XX. Trong Thông điệp Liên bang Nga năm 2005, Tổng thống V. Putin từng gọi đây là thảm họa địa chính trị tồi tệ nhất thế kỷ XX. Chỉ trong vòng ba năm từ 1989 đến 1992, toàn bộ 8 nước XHCN ở Đông Âu, Liên Xô và Mông Cổ đã sụp đổ. Các đảng cộng sản nắm quyền bị giải thể, ngừng hoạt động hoặc phải đổi tên gọi. Hàng triệu đảng viên cộng sản rời bỏ hàng ngũ và lý tưởng của mình. Nhiều thành quả đạt được trong thời gian dài xây dựng CNXH ở các nước này bị xóa bỏ. Phong trào công sản thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Các đảng xã hội chủ nghĩa và công nhân tại các nước Tây Âu đi vào thoái trào. Quá trình “phi marxit hóa” lan rộng. Xu hướng chuyển dịch quan điểm chính trị từ tả sang hữu diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Mác-Lênin bị thách thức nghiêm trọng từ cả hai phía bên ngoài và bên trong. Từ bên ngoài, đó là sự tấn công dồn dập của các học thuyết tư sản như chủ nghĩa tự do mới, quan điểm tân bảo thủ, cũng như sự thâm nhập gây xói mòn từ các quan điểm chống cộng kể cả ôn hòa lẫn cực đoạn, theo đó sự sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN Đông Âu được coi vừa là kết quả, vừa là cáo chung của chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ bên trong, các xu hướng xét lại, cả cấp tiến lẫn bảo thủ, cải lương lẫn thỏa hiệp, … liên tục nổi lên, gây chia rẽ nội bộ các đảng cộng sản, các đảng xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân, trong khi chủ nghĩa trotskyism, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, các quan điểm “tân Marxit”, “hậu marxit”, … trỗi dậy, gây xáo trộn mạnh về tư tưởng. Chính vì lẽ đó bùng nổ các bài viết, công trình phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin, bác bỏ từng phần hay toàn bộ học thuyết này. Thậm chí có không ít bài viết bôi nhọ cá nhân Các Mác, Lênin và các lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thông qua đó nhằm “hạ bệ” uy tín của học thuyết mà các ông đã sáng tạo ra.
Thứ nhất, nhiều học giả phương Tây, cả cánh tả và cánh hữu, từ tân bảo thủ đến tân tự do, tin rằng sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đặt dấu chấm hết đối với chủ nghĩa Mác-Lênin sau hơn 150 năm tồn tại. Đại diện cho quan điểm này là triết gia tân bảo thủ Francis Fukuyama với công trình nổi tiếng “Sự cáo chung của lịch sử và người cuối cùng” xuất bản năm 1992, trong đó cho rằng cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của bức tường Berlin thì cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng như là động lực của sự tiến bộ nhân loại đã đến hồi kết với thắng lợi cuối cùng thuộc về nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường.
Thứ hai, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cũng kích thích cuộc đấu tranh tư tưởng ngay trong lòng các đảng cộng sản do sự trỗi dậy của hàng loạt các quan điểm mạo danh Marxit-Lêninit, kêu gọi bảo vệ học thuyết này, nhưng thực chất gây nghi ngờ, chia rẽ, xói mòn cơ sở lý luận Mác-Lênin. Không thể phủ nhận rằng, thất bại của mô hình phát triển của Liên Xô và các nước XHCN đã chứng tỏ một số luận điểm quan trọng như chuyên chính vô sản, kế hoạch hóa tập trung, tổng khủng hoảng của CNTB, … đã không còn phù hợp trong điều kiện mới. Nhưng cũng chính điều này lại khiến cho một số người, cả vô tình lẫn cố ý, quay sang phủ nhận tính khoa học của toàn bộ hệ thống lý luận Mác-Lênin.
Thứ ba, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu có nguyên nhân sâu xa từ thất bại của mô hình kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp. Vấn đề là ở chỗ, có phải ngay từ đầu mô hình này đã thất bại và đã xa rời chủ nghĩa Mác hay không? Không thể phủ nhận rằng, trong nhiều thập kỷ kể từ Cách mạng tháng Mười năm 1917, mô hình này đã thể hiện được sức sống bền bỉ và sức sáng tạo lớn, tạo được những thành quả phát triển vĩ đại, đưa Liên Xô từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành siêu cường thế giới về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự với mức sống, phúc lợi, công bằng và bình đẳng xã hội được đảm bảo ở mức độ tương đối cao. Mô hình này cũng đã được áp dụng thành công ở hàng loạt nước Đông Âu và một số nước thuộc địa mới giành độc lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, làm hình thành phe XNCN thế giới. Tính chất Marxit của mô hình này thể hiện rõ ở việc thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân do các đảng cộng sản lãnh đạo, tiến hành chuyên chính vô sản, xóa bỏ chế độ tư hữu và giai cấp tư sản, tập trung tư liệu sản xuất vào tay nhà nước hay còn gọi là kế hoạch hóa tập trung, thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa và phổ cập phúc lợi xã hội miễn phí, v.v.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là từ khi nào và tại sao mô hình này lại thất bại? Trên thực tế, từ thập niên 1970, lực lượng sản xuất thế giới bước vào giai đoạn phát triển tăng tốc mới với 2 động lực chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 hay còn gọi là cuộc cách mạng tin học, và quá trình toàn cầu hóa. Trong khi đó, Liên Xô và các nước XHCN theo mô hình Xô-viết lại trở nên xơ cứng, trì trệ, không bắt kịp với những thay đổi của thời đại, ngày càng chệch hướng khỏi các nguyên lý Marxit-Lêninit. Các đảng cộng sản cầm quyền ngày càng xa rời thực tiễn, rơi vào tình trạng giáo điều về tư tưởng, sa sút về tinh thần, suy thoái về tổ chức, tha hóa về đạo đức, đánh mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Nền dân chủ XHCN bị xói mòn bởi tình trạng tập trung quyền lực và tệ sùng bái cá nhân ngày càng trở nên chuyên chế, quan liêu, độc đoán, duy ý chí, khiến cho các mâu thuẫn xã hội tích tụ không được giải quyết, bức xúc xã hội gia tăng. Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung mất dần tính hiệu quả và động lực phát triển do các quan hệ sản xuất trở nên xơ cứng, coi nhẹ lợi ích cá nhân, khuyến khích vật chế, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của con người, cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, khiến cho tăng trưởng kinh tế mất đà, hiệu quả kinh tế-xã hội ngày càng giảm sút. Về bản chất, sự sụp đổ ấy là sự sụp đổ của một mô hình bởi những con người không tôn trọng tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác –Lênin, xem đó là lỗi thời và sai lầm cho nên hệ quả tất yếu làm sụp đổ của cả hệ thống CNXH ở Liên xô và Đông âu, Điều đó, chứng tỏ người áp dụng chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không phải là do bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Thực tiễn cho thấy chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết duy nhất từ trước tới nay đặt ra mục tiêu, chỉ rõ con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới thoát khỏi tình trạng bị nô dịch và bóc lột, thoát khỏi đói nghèo và tha hoá về nhiều mặt. Đồng thời, học thuyết đó chỉ ra lực lượng cách mạng thực hiện sự nghiệp giải phóng và phát triển xã hội là giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đem lại cho họ niềm tin vào khả năng và sức mạnh của chính mình.
                                                     
                                                                                                   Hồng Quân

Nhận xét

nguyễn nguyên đã nói…
càng thâm nhuần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh:"Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC