PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ MÃI TRƯỜNG TỒN

Phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế là một phong trào cách mạng sâu rộng diễn ra trong đời sống chính trị xã hội của các quốc gia dân tộc trên thế giới, trở thành một xu thế phát triển tất yếu của phong trào cách mạng thế giới, bao gồm tập hợp các Đảng Cộng sản và công nhân, các tổ chức chính trị xã hội, các lực lượng cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chế độ áp bức và bóc lột, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước bị bóc lột và trên toàn thế giới.        
          Tuy nhiên, trước sự biến chuyển của tình hình, sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào những năm 90 của thế kỷ 20 - sau sự kiện chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tạm thời lâm vào khủng hoảng và thoái trào. Từ đó đến nay trải qua hơn 20 năm. Vậy, tình hình hiện nay thế nào? Phong trào cộng sản công nhân quốc tế đã vượt qua được khủng hoảng hay chưa? Triển vọng tới đây sẽ ra sao?
          Theo quan điểm của C. Mác đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lí tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là kết quả của những tiền đề đang tồn tại”. Như vậy có thể thấy Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay là kết quả vận động, phát triển lâu dài, quanh co phức tạp, theo một “quá trình lịch sử - tự nhiên”. Lực lượng nòng cốt của phong trào là giai cấp công nhân; hạt nhân lãnh đạo của phong trào là các đảng cộng sản và công nhân dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; mục tiêu cuối cùng của phong trào là đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Trên thực tế các nước đi lên chủ nghĩa xã hội từ chỗ tồn tại với tính cách là một hệ thống thế giới, xác lập thế cân bằng với chủ nghĩa tư bản trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến đổ vỡ, chỉ còn lại một số nước tiếp tục kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Kể từ đó đến nay, thế giới chuyển biến nhanh chóng trước sự thắng thế tạm thời của chủ nghĩa tư bản; quá trình toàn cầu hóa lôi cuốn tất cả các quốc gia - dân tộc vào xu thế hội nhập quốc tế; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mở ra nền kinh tế tri thức; tồn tại xã hội và ý thức xã hội của nhân loại thay đổi to lớn, trong đó kết cấu kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… đã khác xa so với thời kỳ “chiến tranh lạnh”, đang xuất hiện những yếu tố khách quan đòi hỏi phải cải cách lại toàn bộ hệ thống - cấu trúc của thế giới đương đại vốn đã được xác lập từ nhiều thập kỷ qua (bị chi phối bởi chủ nghĩa tư bản toàn cầu).
Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang không ngừng tự đổi mới và phát triển, nỗ lực tìm tòi và khám phá mới cả về lý luận lẫn thực tiễn, bước đầu đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa thời đại sâu sắc, và yêu cầu cấp bách ở giai đoạn đấu tranh hiện nay là: Mở rộng ảnh hưởng của mình trong toàn thể nhân dân lao động, nhất là đối với các tổ chức thanh niên, công đoàn; tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, hợp tác và phối hợp hành động trên trường quốc tế; phối hợp tích cực hơn trong việc phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội, nâng cao hiệu quả công tác lý luận, tổng kết thực tiễn và rút kinh nghiệm, cùng nhau đề ra những quan điểm chung cho phong trào tiến lên. Nhân loại đang ở vào thời điểm bước ngoặt của lịch sử, với hai con xu thế phát triển chủ yếu:
 Thứ nhất, các quốc gia dân tộc lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa, con đường bóc lột các dân tộc, dẫn đến nguy cơ chiến tranh đế quốc, xâm phạm các quyền dân chủ của nhân dân lao động.
  Thứ hai, các quốc gia dân tộc tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, quá độ đi lên CNXH. Trong bối cảnh khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, các mô hình thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới đã và đang chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và cho thấy rõ chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể loại bỏ chiến tranh, thất nghiệp, nghèo đói, mù chữ; chỉ có chủ nghĩa xã hội mới tạo điều kiện cho sự phát triển phù hợp với lợi ích của nhân dân lao động. Các Đảng Cộng sản và công nhân cần đẩy mạnh hoạt động, phát huy vai trò dẫn dắt cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân các nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
“Ngọn đuốc” của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang ngày càng tỏa sáng ở các nước xã hội chủ nghĩa. Ánh sang đó cũng được duy trì và có dấu hiệu nổi lên ở nhiêu nơi trên thế giới, đặc biệt là sự bừng lên ở khu vực Mỹ Latinh trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Các nhà nghiên cứu cho rằng, triển vọng chung của phong trào sẽ tùy thuộc rất nhiều vào sự phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực, vào việc các nước xã hội chủ nghĩa thể hiện được đến đâu bản chất nhân đạo và giải phóng của mình, cũng như vào khả năng biết sử dụng các thành tựu văn minh nhân loại vì tự do, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.
Đứng trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, một hệ thống lý luận mang bản chất khoa học và cách mạng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở vững chắc để tin tưởng vào sự thắng lợi cuối cùng của phong trào. Đó cũng chính là việc nhận thức đúng đắn quy luật khách quan của lịch sử, đúng như lời nhắn nhủ của C Mác: “Tương lai sẽ đến, tuy không nhanh như chúng ta mong đợi”.
          Tóm lại, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong tiến trình vận động và phát triển, sau một thời gian tạm thời lâm vào khủng hoảng và thoái trào. Hiện nay phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã có bước phục hồi và phát triển nhất định, tuy phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách lớn. Một số ít đảng của phong trào ở các nước vẫn tỏ ra lúng túng, trong đường lối, chiến lược, sách lược vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân lao động tham gia. Bên cạnh đó, vấn đề đoàn kết nội bộ vẫn ẩn chứa nhiều phức tạp; đồng thời các Đảng Cộng sản lại luôn bị các thế lực thù địch chống phá quyết liệt. Mặc dù vậy, với những chuyển động tích cực như đã trình bày ở trên, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế sẽ dần lấy lại vị thế của một lực lượng cách mạng tiến bộ, đại diện cho xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Khát vọng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội nhất định sẽ thôi thúc giai cấp công nhân và nhân dân lao động hướng theo con đường đi lên CNXH. Đó vừa là mục tiêu phấn đấu chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vừa là xu thế phát triển hợp quy luật lịch sử. Với những bước đi, hình thức, phương pháp hoạt động đấu tranh phong phú, linh hoạt từ hoàn thiện mô hình CNXH, con đường đấu tranh cách mạng, chiến lược và sách lược... đến tập hợp lực lượng, liên minh giai cấp, phối hợp hành động để tiến tới mục tiêu chiến lược của mình. Phong trào đã và vẫn tiếp tục đóng vai trò là một lực lượng đi tiên phong trên hành trình giải phóng giai cấp, dân tộc và giải phóng con người khỏi sự áp bức bóc lột và bất công, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
                                                                                                   Lê Văn

Nhận xét

maivanglq2 đã nói…
bài viết rất hữu ích!
Unknown đã nói…
GCCN là lực lượng nòng cốt, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, vai trò của giai cấp công nhân và phong trào công nhân hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC