BAN HÀNH LUẬT AN NINH MẠNG KHÔNG PHẢI LÀ “CÔNG CỤ ĐÀN ÁP”

Thời đại công nghệ và mạng xã hội lên ngôi, mọi thứ dần trở nên tiện nghi với việc sử dụng Facebook, Zalo, Twitter...  Không thể phủ nhận rằng,  mạng xã hội tạo ra cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng những cơ hội về lựa chọn môi trường học tập tốt, công việc phù hợp với khả năng, gia tăng kinh tế gia đình qua việc mua – bán hàng online… góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.  Tuy vậy, mặt trái của sự phát triển đến chóng mặt của mạng xã hội cũng tạo ra những hệ lụy khó lường, đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm; kích động bạo lực, chia rẽ dân tộc tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn. Theo thống kê đã được công bố, hiện nay trên thế giới có khoảng 2 tỷ người sử dụng mạng internet, ở Việt Nam có khoảng 67% người dân sử dụng Internet và 60% sử dụng mạng xã hội.
          Tại kì họp thứ tư, Quốc hội  khóa XIV đã trình các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 10 dự án Luật, trong đó có Luật An ninh mạng  (dự kiến trình thông qua tại Kỳ họp thứ 5) với kết cấu gồm 6 chương và 64 điều. Trước thực tiễn đó, một số phần tử chống đối cho rằng Luật an ninh mạng ở Việt Nam ra đời sẽ là “công cụ đàn áp mới đối với người dân”
Theo dự thảo Luật An ninh mạng, an ninh mạng là khả năng bảo đảm hệ thống thông tin, thông tin và hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong Dự thảo đề cập các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: “1. Sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự - an toàn xã hội; 2. Đăng tải thông tin chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng; 3. Xâm nhập, chiếm đoạt trái phép thông tin, tài liệu; 4. Tấn công mạng; 5. Khủng bố mạng”.
Luật An ninh mạng ra đời nhằm để đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc, sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật An ninh mạng tập trung quy định chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Và theo hiệp định TPP, không có quy định nào của hiệp định này ngăn chặn áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế hay bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.
Cần thấy rằng, hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều quốc gia ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước. Thực tế nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đã có luật về an ninh mạng. Các nước còn xây dựng mạng xã hội của quốc gia họ nên khả năng tự bảo vệ cao. Ở nước ta, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, hệ thống chính sách chưa đồng bộ. Trong khi đó, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác an ninh mạng. Vì vậy, Luật an ninh mạng ra đời là cần thiết.
Ở một góc độ khác, ý thức về đảm bảo an toàn mạng của người sử dụng mạng còn thấp. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân Việt Nam về an toàn, an ninh thông tin mạng thuộc nhóm yếu nhất trên thế giới "Các tổ chức quốc tế khảo sát, trong khi người dân các nước 60% nhận thức được nguy cơ lây nhiễm mã độc thì chỉ 11% người dân Việt Nam nhận thức được sự nguy hiểm" - Phó thủ tướng nói. Trong khí đó, tình trang mất an toàn thông tin mạng gia tăng, trên thế giới cứ 1 giây có 176 sự cố liên quan đến mất an an ninh thông tin mạng, 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích và xuất hiện 4 mã độc. Năm 2016, Việt Nam có đến 71% các thiết bị lây nhiễm mã độc, và đây là con số khá cao so với các nước. Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ngay trong hội nghị APEC diễn ra trong tuần đầu tháng 11, có 27 cuộc tấn công mạng có chủ đích ở trung tâm hội nghị cấp cao và trung tâm báo chí. Hoặc theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an Hà Nội), từ tháng 4-2017 đến nay, PC 50 đã tiếp nhận, xử lý 25 vụ lừa tiền người dân qua mạng Internet và điện thoại, với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại hiện nay là các thông tin độc hại trên mạng ngày càng gia tăng. Thông tin độc hại gồm các loại như thông tin kích động chiến tranh, gây thù hằn dân tộc, đòi lật đổ chế độ; thông tin độc hại xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân khi khai thác quá nhiều đời tư; thông tin gây phương hại cho sức khỏe tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của con người. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh mạng cần phải có hệ thống luật cụ thể, chặt chẽ bảo đảm thông tin phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội cũng như chú trọng đến các quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, những quyền đó đã được thể chế hóa cụ thể vào Hiến Pháp 2013 (sửa đổi), cùng với nguyên tắc cơ bản các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
            Và như vậy, Luật an ninh mạng ra đời là cần thiết chứ không phải là công cụ đàn áp như những luận điệu cơ hội, phản động tuyên truyền.
                                                                                                                          Yến Chi


Nhận xét

nguyễn nguyên đã nói…
Luật ra đời trên cơ sở Hiến pháp của Nhà nước pháp quyền XHCH Việt Nam, trong đó luôn đảm bảo quyền tự do công dân, quyền được đảm bảo thông tin, hoàn toàn không có việc áp đặt hoặc làm công cụ đàn áp như các luận điệu xuyên tạc đã nêu

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC