BÔI NHỌ THANH DANH CỦA LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC - MỘT CHIÊU BÀI CŨ CẦN TẨY CHAY


Ngày 3/10/2018, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV. Nhằm âm mưu bôi nhọ thanh danh của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, trên trang, https://www.voatiengviet.com, Phạm Chí Dũng – cánh tay nối dài của “Việt Tân” đã viết: “Ít nhất từ thời điểm năm 1975 đến nay, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn chứng tỏ một triết lý rất đặc thù: dù chẳng hề chứng tỏ được năng lực điều hành kinh tế - xã hội và chăm sóc cho nhân dân cả về an sinh xã hội lẫn trấn dẹp nạn cường hào ác bá hoành hành từ cấp trung ương xuống các địa phương, giới chóp bu trong đảng lại ngày càng vươn lên gần bằng với mặt bằng thủ đoạn chính trị cùng độ rung chấn của các màn xung đột nội bộ… Nguyễn Phú Trọng đã vụt nổi lên như một “ngôi sao” trong số đó. Chẵn một chục năm sau từ thời điểm vị ví như “ông giáo làng” hay mang tư duy của một thày đồ tụng kinh triết học Mác - Lê và chủ nghĩa xã hội hơn là một nhà chính trị, Nguyễn Phú Trọng đã khiến tuyệt đại đa số giới quan chức và cả trí thức lẫn người dân ngỡ ngàng bởi năng lực “vượt khó”.
Cần khẳng định những luận điều trên là hoàn toàn bịa đặt. Nhìn lại chặng đường nỗ lực học tập, cống hiến mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi qua sẽ thấy được sự ngu muội, xảo trá, cái nhìn đầy hiềm khích của Việt tân với người đứng đầu của Đảng ta. Năm 1967, khi mới tròn 23 tuổi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng; trải qua nhiều chương trình đào tạo cả trong và ngoài nước, ông trở thành một Tiến sĩ chuyên ngành xây dựng Đảng và được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư. Với tài năng, đạo đức, trách nhiệm và uy tín chính trị, một lòng vì nước, vì dân, ông được tín nhiệm bầu làm Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khoá VII đến khóa XII; Uỷ viên Bộ Chính trị từ khoá VIII đến khóa XII; Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII.
Trong chặng đường đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng trải qua nhiều cương vị khác nhau: Biên tập viên của Tạp chí học tập (nay là Tạp chí Cộng sản); Trưởng Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản (9/1987); Phó Bí thư Đảng uỷ (7/1985 - 12/1988) rồi Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Tạp chí Cộng sản (12/1988 - 12/1991); Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3/1998 - 11/2001); Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (11/2001 - 8/2006); Bí thư Thành uỷ Hà Nội các khoá XII, XIII, XIV; Chủ tịch Quốc hội khoá XI, XII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, XII; Bí thư Quân uỷ Trung ương…
Nhìn lại những năm gần đây, không thể không thấy vai trò người đứng đầu cơ quan Đảng đối với sự phát triển của đất nước. Tháng 7 năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến đi lịch sử đó là dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao đến thăm Hoa kỳ. Đây là lần đầu tiên một người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng không giữ chức vụ gì trong bộ máy nhà nước viếng thăm chính thức nước Mỹ, được Tổng thống Hoa Kỳ tiếp đón nồng hậu. Chuyến thăm đã hướng vào việc cùng nhau giải quyết vấn đề nhân quyền, lao động, tạo việc làm, giữ gìn hòa bình, hợp tác quốc phòng  - an ninh, kí kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình DươngĐiểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm này được đánh giá là "Xây dựng niềm tin và tôn trọng lẫn nhau”, điều đó có ý nghĩa to lớn đúng vào thời điểm tròn 20 năm Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đồng thời mở ra những khả năng mới để Việt Nam thu hút những lợi thế từ đối tác toàn diện, thực hiện đường lối mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ kinh tế đối ngoại, tạo thế và lực thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của dân tộc Việt Nam, trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được triển khai. Chiến dịch chống tham nhũng với hai từ khóa "lò nóng" và "củi tươi" trên quan điểm: “không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực” được thực hiện một cách quyết liệt, bước đầu có hiệu quả, nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Phòng chống tham nhũng là khát vọng của nhân dân và là trách nhiệm của Đảng cầm quyền đối với nhân dân. Nhiều học giả, chuyên gia, chính trị gia cho rằng, sở dĩ những chỉ đạo của Tổng Bí thư có uy lực lớn, có sức hiệu triệu nhân tâm, một phần vì bản thân ông là một tấm gương thực sự liêm chính trong cả công việc và đời sống. Cùng với mục tiêu giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phép nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình… Với công cuộc chống tham nhũng đã không chỉ dừng ở một số lĩnh vực như ngân hàng, dầu khí... các chuyên gia cho rằng điều đó cho thấy quyết tâm đi đến cùng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc đẩy lùi tham nhũng và chỉnh đốn Đảng.
Nhìn một cách tổng thể, những thập niên qua, đất nước ta giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; quốc phòng, an ninh được tăng cường; Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam ngày càng khẳng định là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ động tham gia nhiều cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương, tham gia giải quyết những vấn đề lớn, toàn cầu. Sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - 2012, mặc dù đất nước có nhiều khó khăn thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đất nước vẫn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực. GDP tăng trưởng ổn định (cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á và Đông Nam Á); Kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ vững; lạm phát được kiểm soát; Môi trường kinh doanh được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt… Những thành tựu to lớn đã đạt được đó, là kết quả phấn đấu của toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trách nhiệm cao nhất thuộc về Tổng bí thư.
Tất cả những điều đó đủ căn cứ để lập luận rằng, những phát biểu mang tính thiển cận với âm mưu chống phá của Việt Tân là hoàn toàn sai lầm.
                                                                                              YÊN CHI

Nhận xét

Bài viết rất hay và hữu ích

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC