MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ NGÀY CÀNG TOÀN DIỆN VÀ THỰC CHẤT

 

Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ (1995 - 2020), Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng quan hệ hợp tác và phát triển. Việt Nam - Hoa Kỳ cùng chia sẻ, cùng chung mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, thế giới nói chung. Nền tảng vững chắc để tăng cường mối quan hệ đó là “Lòng tin”. Lòng tin được tạo dựng, nuôi dưỡng và vun đắp thông qua hành động thiết thực, bắt nguồn từ thiện chí và sự chân thành. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội có một số kẻ chống phá đang ra sức công kích nhằm phá vỡ mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chiêu bài của chúng cho rằng: Việt Nam đang “quên” quá khứ, bắt tay với Mỹ để chống lại nước khác…

Cần nhận thức đúng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là: Việt Nam chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, cùng Hoa Kỳ xây dựng quan hệ hợp tác trên nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Đây là chủ trương nhất quán trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tinh thần hòa hiếu và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Vì lẽ đó, hai nước đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện, thúc đẩy quan hệ trên các mặt ngày càng sâu rộng.

Về quan hệ chính trị - ngoại giao, từ năm 2000 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện 10 chuyến thăm lẫn nhau, trong đó, phía Việt Nam có ba chuyến thăm Hoa Kỳ: chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện; Chuyến thăm năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành lãnh đạo Đảng cao nhất lần đầu thăm chính thức Hoa Kỳ; Và chuyến thăm năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước ASEAN tới Washington sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Về phía Hoa Kỳ, các Tổng thống đương nhiệm đều đã ghé thăm Việt Nam, riêng Tổng thống Donald Trump đã thăm Việt Nam hai lần vào năm 2017 và 2019. Qua các chuyến thăm, hai bên đã thông qua 8 Tuyên bố chung. Đặc biệt, Tuyên bố chung năm 2013 đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ với 9 lĩnh vực hợp tác trọng tâm, trong đó lần đầu tiên xác định nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Tuyên bố chung năm 2015 đưa ra tầm nhìn chung cho quan hệ hai nước, nhấn mạnh làm sâu sắc quan hệ đối tác lâu dài, tăng cường hợp tác trên các vấn đề khu vực và toàn cầu. Tuyên bố chung năm 2017 đề ra lộ trình đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu.

Về kinh tế - thương mại và đầu tư. Từ mức 450 triệu USD trong 1995, kim ngạch song phương đã tăng 170 lần lên 76 tỷ USD vào năm 2019. Kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ và tương hỗ lẫn nhau. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với nhiều mặt hàng có thế mạnh như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ… Về đầu tư, tính đến năm 2019, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng, với dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh thành. Sau thời gian dài hoạt động hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, giúp Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Sau khi thiết lập quan hệ, hợp tác giáo dục – đào tạo song phương tăng trưởng vượt bậc: Năm 1995, số sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ là 500 người; 25 năm sau, con số đó là gần 30.000 người, đưa Việt Nam đứng đầu ASEAN về số du học sinh tại Hoa Kỳ.

Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ giới hạn trong các vấn đề song phương, mà đang mở rộng sang các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thực tế này phù hợp với chủ trương của Việt Nam về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; phù hợp với lợi ích và phát triển của quan hệ hai nước. Hai nước phối hợp ngày một chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, ARF, EAS…, cũng như trong xử lý nhiều vấn đề lớn như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; phát triển bền vững tiểu vùng Mekong và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ.

Từ những vấn đề trên, có thể thấy rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đang vươn lên sự khác biệt, hướng tới tương lai. Trên tất cả, hai nước đã và đang thể hiện rõ tinh thần tôn trọng thể chế chính trị, nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, nỗ lực tăng cường đối thoại, thúc đẩy hợp tác, giảm thiểu sự khác biệt có thể ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ, đồng thời, duy trì cơ chế đối thoại thiện chí để xử lý bất đồng trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và xây dựng. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Từ hai nước cựu thù, chúng ta đã trở thành những người bạn, đối tác, và đối tác toàn diện. Quá khứ không thể thay đổi, nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta”. Sự khẳng định trên một lần nữa cho thấy, quan điểm hòng chia rẽ mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa kỳ cũng chính là muốn xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam nỗ lực trong 25 năm qua để khẳng định một đất nước luôn hòa hiếu, yêu chuộng độc lập, tự do theo nguyên tắc “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, vì một nước Việt Nam hòa bình, phát triển bền vững.

YEN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC