TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Lợi dụng Internet, các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu độc, bịa đặt, sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả là một thủ đoạn được các thế lực thù địch sử dụng. Đặc biệt, chúng tập trung xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, kêu gọi biểu tình, tụ tập tạo điểm nóng để gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt trước đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII các thủ đoạn này của các thế lực thù địch lại càng được đẩy mạnh.
Để góp phần đấu tranh
có hiệu quả với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, củng cố niềm
tin cho toàn dân và toàn quân vững tin vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự tất thắng của sự nghiệp cách
mạng cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, các cấp ủy đảng cần tăng cường sự lãnh đạo,
chỉ đạo, phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò
tham mưu của cơ quan các cấp đối với công tác đấu tranh, phản bác những luận
điệu sai trái, thù địch. Tập trung xây dựng tổ chức đảng các cấp
trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng
lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xác định mục đích, nội dung, hình thức, phương
pháp đấu tranh tư tưởng đúng đắn, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác tổ chức, cán bộ; phòng, chống nội gián,
bảo vệ bí mật Quốc gia. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong
phát hiện, xử lý những phần tử “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cơ hội chính
trị; giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh, phòng ngừa, ngăn chặn sự can
thiệp, móc nối của các thế lực thù địch.
Hai là, tăng cường và
nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, “sức
tự đề kháng” cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân. Để làm được
điều đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong hệ
thống các nhà trường; đổi mới chương trình, nội dung giáo dục chủ nghĩa Mác –
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận
chính trị và giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với yêu cầu
đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường giáo dục những
nguyên lý cơ bản, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí
Minh và sự vận dụng, phát triển của Đảng. Tuyên truyền sâu rộng những giá trị
văn hóa truyền thống, bài học kinh nghiệm lịch sử trong công cuộc xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc; tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, làm cho
mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức đầy đủ, sâu sắc về đối tượng, âm
mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch tấn công vào nền
tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.
Ba là, đẩy mạnh nghiên
cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần làm rõ, bổ sung và
hoàn thiện nền tảng tư tưởng; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu khẳng
định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; làm rõ
các vấn đề cần bổ sung, phát triển; nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh
và sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin của Hồ Chí Minh. Quan
tâm nghiên cứu để dự báo sớm tình hình thế giới, khu vực và trong nước, những
điều chỉnh chiến lược của các nước lớn; dự báo âm mưu, thủ đoạn chống phá của
các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị, nhất là trên lĩnh vực
tư tưởng, lý luận, xu hướng vận động của nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”,… để xây dựng kế hoạch, nội dung, phương thức đấu tranh cho phù hợp, hiệu
quả.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ
giữa các lực lượng chức năng, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác những
quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng và thực hiện tốt
cơ chế, quy chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành của Trung ương, cấp ủy, chính
quyền, đoàn thể địa phương để phát hiện kịp thời, đấu tranh với âm mưu, thủ
đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Duy trì, thực hiện tốt chế độ giao ban
phản ánh tình hình, trao đổi thông tin, thống nhất biện pháp phối hợp đấu
tranh; không để chúng lợi dụng những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành
của Đảng và Nhà nước để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh. Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh, kết hợp tuyên truyền,
giáo dục với các biện pháp tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát; giữa “xây” và
“chống”, lấy “xây” làm chính. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí
chủ động, kịp thời thông tin làm rõ sự thật, định hướng tư tưởng, dư luận cho
nhân dân, nhất là trước những sự kiện nhạy cảm, phức tạp, tạo sự thống nhất cao
đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Năm là, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên
sâu trong đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Đó
là những cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận
cao, có khả năng diễn đạt, luận chiến thuyết phục, có nhiệt huyết, dũng khí,
quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ
Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Chú trọng nâng tầm lý luận sắc sảo, kinh
nghiệm đấu tranh; bảo đảm cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ thích đáng cho đội
ngũ những nhà khoa học, cán bộ chủ trì, chủ chốt ở các viện nghiên cứu, học
viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và các địa phương.
Đấu tranh phản bác
những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng là cuộc chiến đấu lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải quán triệt và
thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp
của các tổ chức, lực lượng, các cấp, các ngành, góp phần làm thất bại âm mưu,
thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân
dân, Nhà nước, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa
bình, ổn định để phát triển đất nước.
LƯƠNG BẮC
Nhận xét