CHÁNH CƯƠNG VẮN TẮT - CƯƠNG LĨNH CHÍNH TRỊ ĐẦU TIÊN HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN TỪ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC ĐẾN CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

             Từ ngày 03 đến 07/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản tại Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc) đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị cũng thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Trong đó, Chính cương vắn tắt được xem là bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
            Đặt trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung những năm đầu thế kỷ XX mới thấy hết được giá trị mang ý nghĩa mở đường, khai thông thế cùng quẫn, bế tắc, bất lực của đường lối lãnh đạo chính trị của các giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội lúc bấy giờ trước bài toán thế kỷ đã đặt ra cho hầu hết các dân tộc là thuộc địa, nửa thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Trước hết, văn kiện quan trọng nhất của Cương lĩnh chính trị đầu tiên là Chánh cương vắn tắt đã xác định các giai đoạn, đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam. Trong đó, nêu rõ chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Tiến trình cách mạng Việt Nam gồm hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là tư sản dân quyền cách mạng trong đó có nhiệm vụ thổ địa cách mạng và giai đoạn thứ hai là thế giới cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.
            Chánh cương vắn tắt khẳng định đế quốc và phong kiến đều là đối tượng phải đánh đổ trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng hai nhiệm vụ này không thực hiện đồng loạt. Nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc phải đặt lên hàng đầu, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước, nhằm tập trung vào kẻ thù chính là bọn đế quốc xâm lược và bọn phong kiến tay sai.
            Chánh cương vắn tắt chỉ rõ những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tư sản dân quyền cách mạng về các phương diện xã hội, chính trị và kinh tế. Chánh cương xác định, về phương diện xã hội là dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo công nông hoá; về phương diện chính trị cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công - nông binh, tổ chức ra quân đội công nông; về phương diện kinh tế phải thu hết sản nghiệp lớn như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v. của đế quốc Pháp giao cho Chính phủ công - nông binh quản lý, thu hết mộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo,...
            Có thể nói, dù hết sức vắn tắt, ngắn gọn nhưng Chánh cương vắn tắt đã thâu tóm toàn bộ hình thức, nội dung, đối tượng, lực lượng, phương pháp của cuộc cách mạng ở Việt Nam. Thực tiễn sinh động của cách mạng từ năm 1930 đến nay, dù được gọi bằng những tên gọi khác nhau (cách mạng tư sản dân quyền, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng giải phóng dân tộc..; thổ địa cách mạng, cách mạng mộng đất, cải cách ruộng đất, chính sách đất đai,...), thậm chí có thể được thực hiện bằng sự sáng tạo, linh hoạt trong sách lược, phương pháp cách mạng nhưng mục tiêu, nội dung, bản chất công cuộc cách mạng mà Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định trong ngày thành lập Đảng là hoàn toàn nhất quán, thống nhất. Sự kiên định lập trường cách mạng, sự nhất quán, ổn định trong tư duy chiến lược mang tính xuyên suốt ấy đã giúp cho Đảng ta và cách mạng Việt Nam ngay từ khi mới ra đời, ngay từ điểm khởi đầu đã định hình được quỹ đạo vận hành thuận chiều với thời đại, phù hợp lô-gíc khách quan của quy luật vận động xã hội. Từ đó đảm bảo cho cách mạng Việt Nam luôn có được sự kết nối biện chứng, đầy sức sống từ lý luận lãnh đạo với thực tiễn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC