PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ “VẤN ĐỀ ĐỒNG HÓA DÂN TỘC” Ở VIỆT NAM

         
Đồng hóa dân tộc là một quá trình trong đó các thành viên của một dân tộc hoặc một nhóm dân tộc bị mất dần đặc điểm văn hóa đặc trưng của dân tộc mà hấp thụ (trở thành, giống như) đặc điểm văn hóa của một dân tộc khác. Đồng hóa dân tộc có hai hình thức: đồng hóa cưỡng bức là quá trình thực hiện chủ trương, chính sách do giai cấp cầm quyền ép buộc, cưỡng bức một dân tộc nào đó phải từ bỏ đặc điểm văn hóa của dân tộc mình để mang đặc điểm văn hóa của một dân tộc khác; đồng hóa tự nhiên là quá trình các dân tộc thiểu số cư trú, sinh sống lâu đời bên nhau, dần dần tự rời bỏ các đặc điểm văn hóa của mình để du nhập sang đặc điểm văn hóa của dân tộc khác.
Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tạo nên một dân tộc Việt Nam thống nhất. Các dân tộc phân bố từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng đến miền núi, cư trú xen kẽ nhau, không có dân tộc nào tách riêng theo vùng lãnh thổ. Yếu tố đó nói lên sự hòa hợp của cộng đồng các dân tộc đã có từ lâu đời và đã trở thành đặc điểm lịch sử, văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch lợi dụng các công ước, điều ước quốc tế liên quan tới vấn đề dân tộc mà Việt Nam tham gia, ký kết để kích động, xuyên tạc, đưa ra luận điệu “Nhà nước Việt Nam đồng hóa dân tộc”. Mặt khác, các đối tượng thù địch còn lợi dụng và khai thác các nội dung liên quan đến đất đai, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo để đưa ra các yêu sách, ngăn cản quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, sinh sống... với các luận điệu phản động, các thế lực thù địch đã đánh đồng giữa quyền tự quyết của một dân tộc với quyền tự quyết của một quốc gia, vu cáo Việt Nam cưỡng bức đồng hóa dân tộc hòng lợi dụng một số khuyết điểm, thiếu sót trong chính sách dân tộc ở cơ sở để thực hiện âm mưu tuyên truyền, kích động một bộ phận đồng bào dân tộc đòi li khai, đòi quyền tự trị, tự quyết, gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Thực chất, Đảng, Nhà nước Việt Nam không có chủ trương, chính sách đồng hóa dân tộc.
Tại điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển đất nước.
Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, kết hợp giữ truyền thống và hiện đại trong xu thế giao lưu, hội nhập và phát triển.
Như vậy, Nhà nước Việt Nam không có chủ trương, chính sách đồng hóa dân tộc. Ở Việt Nam, từ khi có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 đến nay không có hiện tượng cưỡng bức đồng hóa dân tộc. trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, tạo nên một dân tộc đoàn kết, thống nhất. tuy có sự gia thoa văn hóa (ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán...) trong đời sống kinh tế - xã hội, nhưng mỗi dân tộc thiểu số trong 53 dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn giữ được bản sắc riêng của mình mà không có một dân tộc nào bị đồng hóa với dân tộc khác.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng dân tộc nhằm hạn chế quá trình đồng hóa dân tộc tự nhiên.
Tại điều 13 Nghị định số 05/2011/CĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, quy định chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa như sau: Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật; xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng; đồng bào thiểu số được hưởng ưu đãi hưởng thụ văn hóa; hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc hiểu số; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc theo từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 27/01/2011, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có quyết định số 1270/2011/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, thể hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua chúng ta đã khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức Ngày hội văn hóa-nghệ thuật, thể thao khu vực, thi trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam, nhiều di sản văn hóa dân tộc được công nhận là di sản cấp quốc gia; cấp quốc tế: “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thánh địa Mỹ Sơn”...; 92% người dân được nghe đài phát thanh, 85% được xem truyền hình phát bằng tiếng dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Êđê... tổ chức trình diễn trang phụ 54 dân tộc anh em, thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam.
Như vậy, suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc thể hiện theo hướng: “Mỗi dân tộc khẳng định bản sắc văn hóa của mình và phát triển sự hiểu biết với các dân tộc khác”, tạo nên nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Mặt khác, các thế lực thù địch thường xuyên tiến hành các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số, thực hiện âm mưu “chia để trị”.
Chúng xuyên tạc rằng: Chính phủ Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc thiểu số; đẩy người dân tộc thiểu số vào rừng sâu, lên vùng núi cao; hay cho rằng người Kinh chiếm đất của người dân tộc thiểu số,... còn cho rằng: các dân tộc thiểu số có dân số ít, đời sống kinh tế khó khăn, đồng hóa họ dể làm mất dần bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán...
Chúng lợi dụng trình độ dân trí còn hạn chế của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, các thế lực thù địch đã sử dụng âm mưu “chia để trị”, bằng việc sử dụng phương thức, thủ đoạn có sự phối hợp trong - ngoài của các tổ chức phản động người dân tộc thiểu số Việt Nam lưu vong... tuyên truyền, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số đi biểu tình đòi các quyền của người dân tộc như: tự do theo tôn giáo, đòi tự trị, đòi trả đất đai... từ đó gây ra các vụ phá rối, bạo loạn... khi chính quyền xử lý thì chúng kiến nghị với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đòi can thiệp.
Sự thật, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Mặc dù, người dân tộc chỉ chiếm 14,3% dân số của cả nước, nhưng đại biểu quốc hội là người dân tộc thiểu số hiện nay chiếm 15,6%, đại biểu người dân tộc thiểu số ha gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 18%, cấp huyện là 20,1%, cấp xã là 22,46%. Cán bộ người dân tộc thiểu số đa từng giữ cương vị Tổng bí thư, hiện tại có người là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng... và cán bộ chủ chốt ở các cấp.
Quá trình đầu tư, phát triển vùng dân tộc, miền núi cần thiết phải thu hồi đất đai để xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, Nhà nước đã ban hành các chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và nhà ở cho các dân tộc thiểu số. Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004; Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 và hiện nay là Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 146/2007/TTg ngày 04/5/2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 146/2005/QĐ-TTg 15/6/2005 về chính sách thu hồi đất của các nông, lâm trường để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Trong quá trình sữa đổi Luật đất đai 2013, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên trì chủ trương thu hồi đất các nông, lâm trường để cấp cho các hộ gia đình và cộng đồng bà con dân tộc thiểu số, ở những nơi không còn quỹ đất thì bố trí chuyển đổi nghề nghiệp bảo đảm cuộc sống cho đồng bào.

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chính sách, dân tộc, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Chính phủ, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế với đồng bào. Đồng thời đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi. Đặc biệt, trên trường quốc tế họ đều phải thừa nhận một sự thật là những thành tưu và chính sách dân tộc đúng đắn của Nhà nước Việt Nam.
                                                                                                           Thảo Nga

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC