NHẬN THỨC VỀ LUẬN ĐIỆU HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO KHÔNG CẦN SỰ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng; tín đồ các tôn giáo đều là nhân dân cần cù lao động, sáng tạo, có tinh thần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng ta xác định đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của lực lượng cách mạng Việt Nam. Đã đề ra chủ trương, chính sách đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, coi đó là một trong những quyền cơ bản của công dân. Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách đưa ra những luận điệu cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền. Do vậy, đòi hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước. Nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với đồng bào các tôn giáo, kích động quần chúng tín đồ chống đối chính quyền, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Đòi tôn giáo phải độc lập với Nhà nước, không chịu sự quản lý của Nhà nước. Họ tâng bốc, ca ngợi tự do tôn giáo ở các nước tư bản, tôn giáo được tự do hoạt động, chính quyền không can thiệp vào các hoạt động tôn giáo, vì đây là quyền tự do của công dân. Những luận điệu này đã làm cho không ít tín đồ các tôn giáo hoài nghi chính sách, pháp luật tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Nhiều người ngộ nhận cho rằng tất cả các hoạt động tôn giáo đều không cần giám sát của Nhà nước; Do đó, mọi hoạt động tôn giáo không cần tuân thủ theo đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý nhà nước là một luận điểm hoàn toàn sai trái, không đúng cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Trước hết, tổ chức tôn giáo là một tổ chức mang tính xã hội, mà đã là một tổ chức thì ở bất cứ quốc gia nào khi thành lập, hoạt động đều phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Khi chưa được cơ quan nhà nước công nhận cũng có nghĩa là tổ chức đó chưa có tư cách pháp nhân thì không thể hoạt động. Mỗi khi nhà nước đã cấp phép hoạt động thì tôn giáo đó mới có đủ tư cách pháp nhân, mọi hoạt động phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, chịu sự giám sát, quản lý của nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hoạt động của tôn giáo đó.
Hoạt động tôn giáo không chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Việc xây dựng nhà thờ, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của tôn giáo, không chỉ đơn thuần là việc củng cố, phát triển cơ sở vật chất của giáo hội, mà còn trên cơ sở những quy định pháp luật của Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng; sản xuất đồ dùng phục vụ cho đạo giáo, liên quan đến những quy định về văn hoá, in ấn giáo lý, hoạt động quan hệ với các tổ chức, cá nhân tôn giáo nước ngoài và  hoạt động đào tạo chức sắc phù hợp Luật Giáo dục đào tạo; chính sách, pháp luật trên lĩnh vực đối ngoại, xuất nhập cảnh tôn giáo… của Nhà nước.
Luật pháp quốc tế và của từng quốc gia đều quy định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân, nhưng vẫn phải chịu sự quản lý của nhà nước. Công ước quốc tế về nhân quyền đều quy định: các quốc gia phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, song các quyền này vẫn phải giới hạn bởi pháp luật của nhà nước. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16/12/1966, trong đó Điều 18 ghi rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo.”
Tuy nhiên, quyền tự do này vẫn “bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác”... Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Tại các nước phát triển, tôn giáo cũng phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của nhà nước. Luật pháp của nhiều nước đã có những quy định về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Ở Việt Nam Đảng, Nhà nước ngay từ khi thành lập đã hiểu rõ nhu cầu tâm linh của người dân Việt Nam và coi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền nhân thân cơ bản của người dân. Chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta được xây dựng một mặt dựa trên quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam với tư tưởng nhất quán, xuyên suốt là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc. Mọi hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng không thể đứng ngoài pháp luật mà đều phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 11/11/1977, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 297/CP trên năm nguyên tắc: Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của công dân; Đảm bảo bình đẳng trước pháp luật giữa người có tín ngưỡng và người không có tín ngưỡng; Bảo hộ quyền lợi và nghĩa vụ công dân, của người theo đạo và không theo đạo; Định chế các hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật; Chế tài những hành động lợi dụng tôn giáo phương hại đến lợi ích của đất nước, của dân tộc.
Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo. Pháp luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo ngày càng được củng cố, hoàn thiện, góp phần quan trọng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do, tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở Việt Nam; làm cho nhân dân nhận thức đúng về quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước và chủ động đấu tranh với các tư tưởng và hành động sai trái, vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
                                                                                      Quốc Lê

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC