CHỦ NGHĨA TƯ BẢN CÓ PHẢI LÀ CHẾ ĐỘ CUỐI CÙNG TRONG LỊCH SỬ?

Lịch sử xã hội loài người vận động và phát triển theo quy luật từ thấp đến cao. Từ nền văn minh nông nghiệp ra đời cách đây khoảng 10.000 năm rồi đến nền văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp (văn minh tin học), xã hội loài người đã có những bước tiến dài trong lịch sử. Đặc biệt phải nói đến thời kỳ xã hội Tư bản chủ nghĩa bởi đây là một giai đoạn phát triển nhảy vọt về chất của Lực lượng sản xuất, đánh dấu bước phát triển mang tính bước ngoặt của xã hội loài người.
Trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa, con người đã biết chế tạo ra các phương tiện, công cụ sản xuất mang lại năng suất lao động cao hơn hẳn các thời kỳ trước như máy hơi nước, động cơ đốt trong, động cơ điện, máy tính điện tử...và các phát minh được sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.Cùng với đó là các công trường thủ công, các thị trường mới được hình thành. Theo thống kê của cơ quan phân tích chiến lược của Mỹ công bố tháng 7-1994, chỉ trong vòng chưa đầy 100 năm, kể từ năm 1900, dân số thế giới đã tăng gấp hơn 3 lần, tốc độ tăng sản lượng bình quân đầu người đã vượt quá 10 lần. Đúng như C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại...”
Tuy vậy, chủ nghĩa tư bản vẫn mang trong lòng nó những mâu thuẫn sâu sắc, không có cách nào khắc phục. Với những thủ đoạn tích lũy tư bản ban đầu vô cùng tàn bạo và xảo quyệt, CNTB đã tận dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp để ra đời như một tất yếu lịch sử, trở thành một phương thức sản xuất chi phối sự phát triển của xã hội loài người. Nhưng để trở thành một chế độ kinh tế - chính trị xã hội cuối cùng có thể dẫn dắt nhân loại đi tới đỉnh cao của văn minh thì chắc chắn là không thể vì bản thân nó chứa đựng trong lòng nó nhiều mâu thuẫn lớn, không có cách nào khắc phục.
Đó là mâu thuẫn không thể điều hòa của lực lượng sản xuất không ngừng xã hội hóa đến mức có khuynh hướng toàn cầu hóa, nhưng lại bị chi phối bởi những quan hệ sản xuất hoàn toàn mang tính tư nhân nhỏ hẹp. mối quan hệ giữa các nền kinh tế trong cùng khu vực, cùng hệ thống khiến khủng hoảng kinh tế phát triển thành khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công, thị trưởng đóng băng... lan rộng khắp thế giới. Khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản thường diễn ra có tính chu kỳ, cho đến nay lại càng dầy hơn và mở rộng hơn chưa có cách gì khắc phục.Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011, Đảng ta khẳng định: Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của CNTB, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của LLSX với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của CNTB” (ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Nxb CTQG, HN.2011, tr.68)
Mâu thuẫn cơ bản nữa của chủ nghĩa tư bản đó là không thể thiết lập mối quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc bởi vì cơ chế sản xuất TBCN đã biến các quốc gia dân tộc khác thành thị trường khai thác nguyên vật liệu, thuê mướn công nhân giá rẻ và tiêu thụ hàng hóa độc quyền của các công ty tư bản, thúc đẩy các nước đế quốc đi xâm lược thuộc địa và tranh chấp thị trường thế giới. Chính điều này đã đẩy thế giới đến các cuộc chiến tranh lớn (chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai), các cuộc khủng bố đẫm máu, nạn di cư, thất nghiệp, xung đột sắc tộc, tôn giáo, những bất ổn về chính trị, xã hội liên tục diễn ra.
Hiện nay, mặc dù đã có sự điều chỉnh thích nghi, các nhà tư sản đã tìm mọi cách để cứu vãn chế độ tư bản khỏi các mâu thuẫn như cổ phần hóa các công ty tư bản, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp ốm đau cho công nhân,... làm giảm nhẹ tình trạng bần cùng hóa giai cấp vô sản, ổn định một phần cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, nếu chế độ tư bản quả thực là một chế độ ưu việt, là chế độ cuối cùng trong lịch sử nhân loại thì hàng chục nước ở châu Mỹ la tinh như: Venexuela, Nicaragoa, Côxtarica, Braxin, Achentina, Enxavado, Chile, Boolivia, Cuba đã không đồng loạt chạy theo các đảng cánh tả để gia nhập “liên minh các quốc gia Nam Mỹ” nhằm xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”, và khuynh hướng chống Mỹ không tồn tại dai dẳng trong các nước Hồi giáo và dân tộc chủ nghĩa như nó đang tồn tại, và nạn “khủng bố quốc tế” đã không lấy chủ nghĩa tư bản Mỹ làm đối tượng tấn công chủ yếu...
Học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã chỉ ra xã hội loài người phát triển từ hình thái kinh tế xã hội Cộng sản nguyên thủy đến Chiếm hữu nô lệ, đến Phong Kiến, đến Tư bản chủ nghĩa và cuối cùng là đến Cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.Đó không phải là sự tư biện tùy tiện mà là sự nghiên cứu một cách khoa học, kỹ lưỡng và nghiêm túc lịch sử phát triển xã hội của C.Mác và Ph.Ăngghen. Thành công của Cách mạng tháng Muời Nga với sự ra đời của nhà nước Xô viết và hàng loạt các nước Đông âu đã cho thấy chế độ xã hội chủ nghĩa không chỉ là lý thuyết mà là chế độ xã hội hiện thực. Mặc dù, còn vấp phải những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình xây dựng, nhưng CNXH đã thực sự trở thành xã hội mà con người luôn hướng đến.
Ở nước ta, việc lựa chọn con đường đi lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN là tất yếu khách quan bởi đó không chỉ là sự phù hợp với quy luật vận động và phát triển của lịch sử xã hội mà đó còn là sự lựa chọn duy nhất đúng của Đảng, của nhân dân. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với biết bao xương máu đã đổ xuống, hơn ai hết nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của 2 tiếng “tự do”. Vì thế, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ người bóc lột người, bỏ qua quan hệ sản xuất đã lỗi thời, lạc hậu. Đương nhiên, đó không phải là sự phủ định sách trơn một cách siêu hình mà có sự tiếp thu, kế thừa những yếu tố hợp lý trong quá trình phát triển. Đặc biệt là những thành tựu khoa học công nghệ, tri thức mà loài người đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.

Chế độ tư bản chủ nghĩa chưa và không thể trở thành chế độ cuối cùng trong lịch sử xã hội bởi tiến tới một xã hội không còn áp bức bóc lột, không còn giai cấp và đấu tranh giai cấp luôn là ước mơ, khát vọng của con người. Và để đạt được ước mơ, khát vọng ấy loài người sẽ tiến lên xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn - xã hội CSCN.
                                                                                             A.Hương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC