PHẢI CHĂNG LÝ LUẬN GIÁ TRỊ THẶNG DƯ CỦA CÁC MÁC ĐÃ LỖI THỜI?
Thực tế lịch sử cho thấy, từ khi hình thành, phát triển và được xác
lập vào cuối thế kỷ XIX, Học thuyết Mác - Lênin nói chung và những nguyên
lý, quy luật kinh tế mà Học thuyết Mác chỉ ra ngày càng được chứng minh bằng
thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, học thuyết giá trị thặng dư – viên đá tảng của
học thuyết kinh tế Mác – chỉ rõ bản chất của phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa là bóc lột, thống trị lao động làm thuê - đã trở thành vũ khí lý luận sắc
bén của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của các đảng cộng sản trên
toàn thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Trước hết cần nói rõ thêm rằng, trên cơ sở lý luận
giá trị với luận điểm “giá trị của hàng hóa là sự kết tinh lao động trừu tượng
của người sản xuất hàng hóa”, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã phát
triển sâu hơn khi chứng minh rằng: Nguồn gốc của khối lượng giá trị thặng dư
kếch xù mà nhà tư bản thu được là từ lao động không được trả công của công nhân
làm thuê dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất;
máy móc có hiện đại đến đâu cũng chỉ là điều kiện để tăng năng suất lao động,
tăng khối lượng giá trị thặng dư; và dù nhà tư bản kinh doanh ở lĩnh vực nào,
công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp hay tài chính – ngân hàng thì cũng tham
gia bóc lột lao động làm thuê.
Tuy nhiên, trước sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công
nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ kỹ thuật
số và tự động hóa đang tác động đến nhận thức của xã hội, có nhiều người hoài
nghi “có còn không sự bóc lột lao động làm thuê” khi mà dây chuyền sản xuất chỉ
có máy móc tự động, người lao động được sử dụng rất ít và chủ yếu với vai trò
quản lý, điều khiển mà thôi? Và “máy móc hiện đại là nguồn gốc của giá trị
thặng dư”.
Thực tế cho thấy, mặc dù dây chuyền sản xuất ở các
nước tư bản hiện nay là tự động hóa, một công nhân có thể điều khiển hàng trăm
máy móc nhưng cần thấy rằng, với trình độ của máy móc hiện đại thì người công
nhân phải có sự lao động trừu tượng (trí não) rất lớn. Hơn nữa, lý luận của chủ
nghĩa Mác đã khẳng định: “Máy móc là lao động đã chết, nhờ lao động sống của
công nhân làm cho nó được sống lại”, điều đó cho thấy những người công nhân ở lĩnh
vực tạo ra tư liệu sản xuất (máy móc) cũng bị bóc lột thậm tệ nên trong tác
phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác từng viết: “Giai cấp vô sản toàn thế
giới đoàn kết lại”.
Một thực tiễn khác cho thấy, hiện nay các nước tư bản đầu tư vốn ra nước
ngoài với khối lượng ngày càng gia tăng. Nếu máy móc là nguồn gốc của giá trị
thặng dư, của doanh lợi kếch xù thì có cần chăng việc nhà tư bản phải đem vốn, nhân
lực, máy móc đi đầu tư ở nước khác, thậm chí là xuyên châu lục? Chắc chắn một
điều rằng họ phải thấy được ở các nước nhận đầu tư có một nguồn lợi to lớn để
làm cho tư bản (tiền) của họ lớn lên, và đó không có gì khác chính là nguồn
nhân công dồi dào.
Để chứng minh tính khoa học của lý luận Mác – Lênin, cần dẫn luận thêm
một vấn đề là: nếu như lý luận của C.Mác đã lỗi thời thì sau cuộc khủng hoảng
kinh tế thế giới 2008-2012, liệu có trào lưu “trở lại Mác” như ở các trường đại
học danh tiếng trên thế giới dành cho sinh viên thông qua các buổi học tập
chuyên đề hay không? Hay như năm 2000, Trường
Đại học Cam-brit (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thế kỷ XX, kết quả là C. Mác đứng đầu, nhà khoa học
Anh-xtanh đứng thứ 2 (htpp://vi.Wikipedia.org/wiki/KarlMacx). Và mới đây, theo
thăm dò của tờ Tạp chí Spiegel (Đức), C.Mác được ưa chuộng một cách ngạc nhiên:
hơn 50% số người dân Đức nói rằng, “sự phê phán của C.Mác đối với chủ nghĩa tư
bản ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị”.
Theo nhà tỷ phú đầu cơ chứng khoán G. Sô-rốt
viết: “C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã cho một phân tích rất tốt về hệ thống tư bản
từ cách đây 150 năm” (http://ww.guardian.co.uk/politics/jul/17/comment.theo
bserverl). Rồi, ngay tờ The New Yorker (Mỹ) cũng cho rằng, các nhà kinh tế
học hiện đại đang “bước theo dấu chân của C. Mác mà họ không biết”, trong quá
trình giải quyết các vấn đề mà họ phải đối mặt, bởi theo tờ Tạp chí Newsweek
(Mỹ), C.Mác “đã mổ xẻ cái hệ thống trục lợi này tốt hơn ai hết... Như thể C.
Mác đã đội mồ đứng dậy!”. Và thực tế đang chứng minh rằng, chính bản thân CNTB
dù ở phương Đông hay phương Tây (từ Nhật Bản tới Tây Âu rồi Mỹ...) cũng đã và
đang vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin nhằm điều chỉnh, thích nghi để tồn tại đó
thôi.
Như vậy, học
thuyết giá trị thặng dư nói riêng, học thuyết Mác nói chung là học thuyết khoa học và đúng đắn, nhưng
học thuyết Mác cũng là sản phẩm của thời đại, của hoàn cảnh lịch sử nhất định
nên không thể đưa ra những giải đáp đầy đủ, chi tiết, cặn kẽ mọi vấn đề của mọi
thời đại, ở mọi quốc gia. Quá trình nghiên cứu cần phải xem đó là học thuyết
mở, cần được bổ sung, phát triển không ngừng cùng với tiến trình phát triển tri
thức, khoa học, thực tiễn của nhân loại, vận dụng một cách sáng tạo vào điều
kiện lịch sử của nước mình.
Hiện nay,
Việt Nam phát triển mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc thừa nhận
hàng hóa sức lao động, thừa nhận sở hữu tư nhân cũng là sự vận dụng phù hợp lý
luận kinh tế Mác với thực tiễn khách quan của nước ta trong thời kỳ quá độ.
Nước ta có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ nên chúng ta cần khai thác có hiệu quả
sức sản xuất của xã hội cho sự phát triển vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh”.
Yến Chi
Nhận xét