TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC PHỤ NỮ TRONG XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

             
Phụ nữ chiếm một nửa dân số trên thế giới. Lịch sử đã chứng minh phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước kia, phụ nữ ở nhiều quốc gia chủ yếu làm công việc nội trợ. Ngày nay, phụ nữ đã vươn lên về mọi mặt, đóng góp to lớn trên mọi lĩnh vực khoa học và xã hội. Từ năm 1910, thế giới tiến bộ lấy ngày 08-3 là “Ngày Đàn bà và con gái”, sau đổi là “Ngày Phụ nữ Quốc tế”.
Ở nước ta hiện nay, đội ngũ cán bộ nữ được tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước. Phong trào phụ nữ đã có bước phát triển, các tầng lớp phụ nữ tỏ rõ có năng lực, phẩm chất, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, đạt những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đội ngũ cán bộ nữ đã có bước trưởng thành rõ rệt. Số lượng và chất lượng cán bộ nữ phát triển không ngừng. Trong các cấp uỷ đảng và ở các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở đều có cán bộ nữ tham gia.
Tuy nhiên, cho đến nay, một số cấp uỷ đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, chưa thực sự coi cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ, chưa thấy hết tiềm năng, vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ nên việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chính sách đối với cán bộ nữ chưa đầy đủ, còn có biểu hiện định kiến, khắt khe, cầu toàn, chưa quan tâm đến yếu tố giới nên đội ngũ cán bộ nữ phát triển chưa vững chắc, mất cân đối, thiếu đồng bộ, phân bố không đồng đều ở các địa phương, các lĩnh vực. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ, chính quyền còn thấp, nhất là ở cơ sở.Nghiêm trọng hơn, hiện nay, tình trạng buôn bán phụ nữ qua biên giới, nạn bạo hành trong gia đình mà nạn nhân là phụ nữ đang gây nhức nhối trong xã hội. Đó là biểu hiện của sự bất bình đẳng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vị trí, vai trò của người phụ nữ, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), coi chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là một nhiệm vụ quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa số dân, đến từng gia đình trong cộng đồng xã hội.
Chính vì thế, những tư tưởng của Người về công tác phụ nữ trong xây dựng CNXH cần được quán triệt một cách sâu sắc và toàn diện, nhằm giúp cho mọi người có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của phụ nữ. Qua đó, các cấp uỷ đảng đề ra nhiều biện pháp cụ thể hơn, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy hết tiềm năng của mình. Đồng thời, đối với phụ nữ Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước, 08- 3 hàng năm đây là một dịp tốt nhằm ôn lại và thực hiện những di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành các nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.
Thấm nhuần truyền thống văn hoá dân tộc đồng thời tiếp thu sâu sắc Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh luôn thấu hiểu và đặc biệt quan tâm đến vai trò, vị thế của người phụ nữ trong phong trào cách mạng. Người không chỉ nêu lên tình cảnh khổ nhục của người phụ nữ dưới chế độ thực dân phong kiến mà còn chỉ ra khả năng cách mạng của họ.
Người đã 745 lần nhắc đến từ “nữ” trong các tác phẩm của mình, trong đó có 440 lần là “phụ nữ”,  20 lần là “thiếu nữ”, 3 lần là “thanh nữ” và để chỉ “cán bộ phụ nữ”, “vấn đề phụ nữ”, “công tác phụ nữ”... Có 726 lần Người nhắc đến từ “bà” trong các khái niệm “bà cụ”, “cụ bà”, “bà mẹ”, “bà già, trẻ em”, “Bà Trưng”, “Bà Triệu” và bà với tư cách là một nhân vật cụ thể. Có 255 lần Người nhắc đến từ “gái” trong các khái niệm“em gái”, “cháu gái”, “bé gái”, “dân quân gái”, “thanh niên gái”, “ý tá gái”...  Người cũng có 226 nhắc đến từ “mẹ” và 169 lần nhắc đến từ “vợ”... Trong bài Phụ nữ Phương Đông, Người viết: “Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Phụ nữ Ấn Độ vùng lên chống sự đô hộ của Anh. Phụ nữ Trung Quốc tham gia cuộc cách mạng năm 1911. Phụ nữ Triều Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của tổ quốc. Phụ nữ Nhật Bản đã buộc Chính phủ phải huỷ bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia đời sống chính trị” v.v.
Trong đời sống kinh tế những “bông hồng” của phương Đông bắt đầu chứng tỏ cho chủ nghĩa tư bản thấy ở họ có những chiếc gai nhọn. Những cuộc bãi công của nữ công nhân ở các nhà máy và xưởng dệt lụa không còn là hiện tượng hiếm nữa.Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã chỉ ra rằng cách mệnh Pháp dạy cho chúng ta, đàn bà và trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều.Trong tác phẩm này, Người cũng dành một phần nói về “Phụ nữ quốc tế”. Trong đó, Người nói: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia. Cách mệnh Pháp có những người như cô học trò Sáclốt Coócđây rút dao đâm chết người tể tướng hung bạo, như bà Luy Misen ra giúp tổ chức Pari Công xã. Khi Nga cách mệnh, đàn bà ra tình nguyện đi lính; sau tính lại lính cách mệnh đàn bà chết hết 1854 người. Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà, con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà, con gái công nông các nước”. (T.2, tr.288)
Người nêu gương chiến đấu của bà Trưng Trắc và kêu gọi: như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết cách mệnh. Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!  
 Người nói với đại biểu phụ nữ cả nước rằng: lúc kháng chiến, chị em phụ nữ hăng hái tham gia. Từ ngày dân Việt Nam tranh được chính quyền, phụ nữ đều ra sức gánh vác công việc. Nào giúp đỡ chiến sĩ, tăng gia sản xuất. Nào chống nạn mù chữ, tham gia tuyển cử, Tuần lễ vàng, Đời sống mới, v.v, việc gì phụ nữ cũng hăng hái.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của mình, Người luôn quan tâm tới các phong trào của phụ nữ. Dù bận trăm công ngàn việc khác nhau, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn dành thì giờ tham dự nói chuyện tại các hội nghị và đại hội của tổ chức phụ nữ, ít nhất Người cũng gửi thư căn dặn với tấm lòng của một người Cha, người Bác thân yêu trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. 
Nhiều chị em là cán bộ lãnh đạo, là anh hùng, chiến sĩ thi đua trong lao động và chiến đấu, là dũng sĩ từ tiền tuyến lớn miền Nam… đã được Người ân cần đón tiếp, tặng hoa và quà, được ăn cơm hoặc xem văn nghệ cùng Người.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định: lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Người nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Đó cũng là lời khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ là rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệTổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
                                                                                                        Kỳ Tài

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC