VỀ VẤN ĐỀ “MỘT ĐẢNG LÃNH ĐẠO VÀ VẤN ĐỀ DÂN CHỦ”

Với nghĩa chung nhất, phổ biến nhất, dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Đảng là tổ chức chính trị của giai cấp, mang tính giai cấp, là sự liên kết tự nguyện của những người cùng chí hướng và cùng quyền lợi. Trong xã hội có giai cấp có thể xuất hiện nhiều đảng. Dù dưới màu sắc dân tộc hoặc tôn giáo, tên gọi có khác nhau nhưng Đảng thực chất là đảng chính trị. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, về tương quan lực lượng giữa các giai cấp, các bộ phận trong một xã hội, mỗi nước có thể có một đảng hoặc nhiều đảng.
Khi nói tới đảng chính trị và dân chủ thì không thể không liên quan đến vấn đề giai cấp. Không thể có đảng chính trị chung chung phi giai cấp, cũng như không thể có nền dân chủ chung chung “vô bờ bến”, không mang tính giai cấp, tính lịch sử cụ thể. Hiện nay, xét cho cùng, hoặc chỉ có đảng vô sản và đảng tư sản và tương  ứng là dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản mà thôi. Hay đó chính là đảng chính trị của giai cấp tư sản cầm quyền đem lại lợi ích cho một số ít giai cấp tư sản, và đảng vô sản cầm quyền đem lại dân chủ cho đông đảo người lao động.
Và như vậy, khi xem xét mối quan hệ giữa Đảng và dân chủ, vấn đề đặt ra là đảng nào cầm quyền, nó đem lại quyền lực cho ai và quyền lực đó đem lại lợi ích cho ai?
Dưới CNTB, dân chủ nằm trong tay giai cấp tư sản, được tổ chức thành Nhà nước tư sản và Nhà nước đó bảo đảm quyền dân chủ cho một số ít người là giai cấp tư sản và đồng minh với họ nhằm chống lại đông đảo những người lao động. Bởi vậy, nói đến dân chủ tư sản là nói đến Nhà nước tư sản và thứ dân chủ dành cho một số ít người giữ địa vị thống trị xã hội.
Có quan điểm cho rằng, dân chủ là phải đa đảng và tích cực biện hộ cho nó nhưng thực tế ở nhiều quốc gia lại phản bác lại quan điểm này. ở Mỹ, suốt hơn 200 năm qua kể từ khi nước Mỹ ra đời, chỉ có 2 đảng: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ - hai đảng lớn nhất của giai cấp tư sản thay nhau cầm quyền. Và không thấy có sự khác biệt về bản chất ở 2 đảng này. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Mỹ - đảng đại diện và đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của hàng triệu công nhân Mỹ và những lý tưởng cao đẹp, có không ít thời kỳ bị loại ra ngoài vòng pháp luật. Luật pháp Mỹ đã hạn chế hoạt động của Đảng này trong một không gian chính trị chật hẹp nên nó không có cơ may phát triển, nói gì đến cái gọi là dân chủ trong việc đấu tranh giành địa vị cầm quyền. Phải chăng đó là dân chủ? Trong tình hình hiện nay, để thực hiện mưu đồ chính trị của mình, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ mặc dù đã điều chỉnh không ít chính sách, nhất là về xã hội nhằm xoa dịu những mâu thuẫn đe dọa vai trò chính trị của họ, và đạt được sự thỏa hiệp nhất định, nhưng vẫn không che dấu nổi bản chất của những đảng tư sản, đảng đại diện và bảo vệ vô điều kiện những ông chủ tư bản kếch sù. Các ông chủ tư bản chỉ chiếm 1% trong tổng số dân nhưng lại chiếm giữ tới 95% tổng số của cải của toàn xã hội. Phải chăng đó là dân chủ kinh tế?
Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không đồng nghĩa với việc mở rộng và thực thi dân chủ chân chính và nếu cho rằng, trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo, đất nước không thể phát triển nhanh thì quả thật khó lý giải về sự nhảy vọt vượt xa của Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. hay trường hợp Malaixia cũng vậy. Dưới sự chèo lái duy nhất của tổ chức Dân tộc thống nhất Malaixia, từ một nước chậm phát triển, Malaixia trở thành quốc gia phát triển vào hàng bậc nhất Đông Nam Á, chỉ sau Xingapo và là nước phát triển nhất trong số hơn 50 quốc gia Hồi giáo. Điều đó cho thấy rằng, quy mô, tính chất, mức độ và trình độ dân chủ không bị quyết định bởi thể chế đa đảng hoặc một đảng. không phải nhiều đảng là tỷ lệ thuận với sự phát triển và sự chín muồi của dân chủ. Việc một đảng hay nhiều đảng chính trị tồn tại ở một nước hoàn toàn do điều kiện lịch sử và nhu cầu của nhân dân nước đó quyết định.
Vậy thì, Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo xã hội Việt Nam có gì là nghịch lý đối với việc xây dựng và thực thi dân chủ ở Việt Nam?Lịch sử nhân loại ngày càng cho thấy, sự phát triển của dân chủ bền vững của bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng cần đặt nền tảng tự nhiên, ổn định, trật tự, cụ thể chức không phải là sự sao chép mô hình, không có cội rễ văn hóa; và rộng ra là truyền thống văn hóa, lịch sử quốc gia, dân tộc và xu thế thời đại.
Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân bởi Đảng chính là hiện thân của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, nguyện chiến đấu, hi sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đảng ra đời là kết quả sự vận động tất yếu của lịch sử dân tộc, của thời đại và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Mục tiêu phấn đấu của Đảng không gì khác ngoài dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng lãnh đạo để dân là chủ, làm chủ đất nước.
Trên con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cùng toàn dân tộc xây dựng nên một nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đang giữ một vị thế mới trên trường quốc tế. Sau 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam càng trưởng thành toàn diện và cùng với nhân dân, đang không ngừng nỗ lực chỉnh đốn, sửa chữa những khuyết điểm để nâng mình ngang tầm với trọng trách lịch sử dân tộc giao phó.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng, nền dân chủ là quyền dân tộc độc lập và quyền dân tộc tự quyết, là nhân dân làm chủ đất nước, xã hội và bản thân mình; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là của nhân dân và thuộc về nhân dân, do nhân dân bầu ra một cách dân chủ, công khai và phục vụ vì lợi ích của nhân dân. Bao nhiêu quyền lực của Nhà nước đều của nhân dân, ở trong tay nhân dân và được quyết định bởi chính nhân dân. Nói cách khác, Nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ trong tay nhân dân, để nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách toàn diện và tự do, nhằm bảo vệ quyền làm chủ đó của chính mình và nền độc lập, tự do của đất nước; tất nhiên nó cũng chống lại tất cả những gì xâm phạm và làm tổn hại tới quyền dân chủ của nhân dân lao động.
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng, nền dân chủ dưới ngọn cờ của Đảng, vừa là mục tiêu cao cả, vừa là động lực căn bản và mạnh mẽ của sự phát triển xã hội. Đó là nền dân chủ khác biệt về chất so với dân chủ tư sản.

Dân chủ là khát vọng của toàn nhân loại, mang giá trị chung của nhân loại. Nhưng trên con đường vươn tới khát vọng đó, dân chủ bị chi phối bởi các đảng chính trị và mang dấu ấn của điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Các con đường vươn tới dân chủ do đó cũng khác nhau. Chúng ta không chấp nhận việc lợi dụng cái gọi là dân chủ để làm rối loạn tình hình, vi phạm độc lập chủ quyền và quyền tự quyết của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào; làm méo mó hoặc thui chột quyền dân chủ của nhân dân. Đất nước ta dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta có quyền tự hào rằng, một nền dân chủ chân chính đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển ở Việt Nam, mà đỉnh cao là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không ngừng tiến bộ, phù hợp với điều kiện của mình và xu thế phát triển của thời đại. Vì lẽ đó, sự lãnh đạo của Đảng là lẽ tự nhiên, hợp với quy luật, là nguyện vọng của nhân dân, là kết quả của sự thẩm định của nhân dân Việt Nam trong suốt 87 năm qua và phù hợp với xu thế phát triển dân chủ trong thời đại ngày nay. Đi ngược lẽ tự nhiên ấy chính là sự phản dân chủ, là chà đạp lịch sử dân tộc Việt Nam, là đi ngược xu thế phát triển dân chủ và tiến bộ của nhân loại.
                                                                                              Hương Thi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC