PHẢI CHĂNG “CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐANG DIỄN RA MỘT CÁCH CUỒNG NHIỆT Ở VIỆT NAM”



Thời gian vừa qua, có một số chính khách có tầm ảnh hưởng quốc tế đã cho rằng: “Ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa tư bản đang diễn ra một cách cuồng nhiệt”. Cơ sở của luận điểm này là vì Việt Nam đang phát triển mạnh nền kinh tế thị trường, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của sự phát triển… Đây là một trong những luận điệu sai lầm, có tính chất xuyên tạc, được các thế lực thù địch lợi dụng truyền thông để chống phá con đường phát triển của Việt Nam cũng như xóa bỏ những thành tựu có ý nghĩa quan trọng qua hơn ba thập kỷ đổi mới đất nước.
Cần thấy rằng mục đích của luận điệu trên là nhằm ý đồ xuyên tạc tình hình Việt Nam, đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản để gây hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Điều này thể hiện rõ mưu đồ để thay đổi được thể chế chính trị ở Việt Nam thì họ tìm mọi cách thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm làm thay đổi đường hướng bản chất kinh tế, về lâu dài tác động làm cho việc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi về chế độ chính trị xã hội theo con đường tư bản như cách chúng muốn lái Việt Nam đến.
Phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam có phải là sự “mở đường” cho “chủ nghĩa tư bản đang diễn ra một cách cuồng nhiệt” hay không? Trả lời câu hỏi này cần xem lại mục tiêu và bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Việt Nam đang tiến hành. Về mục tiêu, phát triển KTTT là cách thức để “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; về bản chất, đó là mô hình tôn trọng sự tự điều tiết của các quy luật kinh tế khách quan, song đảm bảo tính định hướng XHCN thông qua các nguyên tắc định hướng, chi phối từ sự quản lý của Nhà nước bằng hệ thống pháp luật, chính sách để hướng tới mục tiêu đã xác định. Vì vậy những người đưa ra luận điểm trên đã không thấy được hoặc không muốn thấy bản chất “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; và do đó, câu trả lời là “Không”.
Vậy khi xác định “Kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” liệu có phải là thừa nhận “chủ nghĩa tư bản đang diễn ra một cách cuồng nhiệt”? Đảng cộng sản Việt Nam xác định vai trò của kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng” bởi vì trong những năm qua, trên cơ sở thừa nhận sự đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, thành phần kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng trong việc huy động các nguồn lực về vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý, giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách… Hiện nay, để phát huy vai trò là “động lực quan trọng” của kinh tế tư nhân, cũng như kiểm soát những tiêu cực, xu hướng tự phát của thành phần kinh tế này, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm khóa XII đã chỉ rõ: “tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm… nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng CNXH của các chủ doanh nghiệp… cần tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm soát để ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực”… Điều đó cho thấy, thừa nhận vai trò quan trọng của một thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân không đồng nhất với việc thừa nhận phát triển chế độ tư hữu (tức chủ nghĩa tư bản).
Như vậy, từ những cơ sở khoa học và sự phân tích trên, có thể khẳng định rằng: KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam thể hiện tư duy sáng tạo của Đảng cộng sản Việt Nam về sự vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng đường lối, mục tiêu phát triển. Những luận điệu cho rằng việc phát triển kinh tế thị trường làm cho chủ nghĩa tư bản đang diễn ra một cách cuồng nhiệt” xuyên tạc, hoàn toàn sai lầm.
Hiện nay, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ngày càng diễn ra gay gắt, trên mọi lĩnh vực, tác động đến mọi đối tượng trong xã hội. Đặc biệt, lợi dụng nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng để thực hiện mưu đồ làm xói mòn, mất lòng tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và vai trò quản lý của Nhà nước, hoài nghi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, chúng dựa vào sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, suy giảm ý chí, quyết tâm của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa để chống phá cách mạng Việt Nam. Trước thực tiễn đó, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng cần nêu cao ý thức cảnh giác, trang bị cho mình những luận cứ khoa học để đập tan mọi luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhất là trước những đường lối, quyết sách phát triển mới; trước mỗi giai đoạn phát triển có tính chất nhạy cảm của đất nước./.
                                                                                  Yến Chi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC