PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG - HÀNH ĐỘNG THAY CHO LỜI NÓI
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề luôn
được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Tại Nghị quyết
số 04-NQ/TW (khóa X) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng,
chống tham nhũng, lãng phí, Đảng đã xác định “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra
nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính
chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân
dân”.
Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội của những người tự xưng là những
nhà “dân chủ” và các thế lực thù địch vẫn tìm cách chia rẽ, bội nhọ, hạ thấp
việc phòng, chống tham nhũng mà Đảng và nhà nước ta đang tiến hành. Nếu như
trước đây, họ rêu rao rằng phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam có “vùng cấm”…
Khi những vụ án về tham nhũng được đưa ra xét xử thì họ lại tìm cách lái vấn đề
phòng, chống tham nhũng thành cuộc đấu đá “quyền lực chính trị”…
Có thể nói, công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo được
các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân ủng hộ và hưởng ứng mạnh mẽ như hiện
nay. Chính những hành động quyết liệt của Đảng và nhà nước trong thời gian vừa
qua đã chúng minh rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”,
ai vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật Việt Nam chứ không phải là cuộc đấu đá “quyền
lực chính trị” mà các nhà “dân chủ” đang tìm cách xuyên tạc. Hành động quyết
liệt đó được thể hiện qua việc xử lý những vụ án trọng điểm về tham nhũng mà
những người vi phạm đã từng giữ nhũng chức vụ cao trong bộ máy nhà nước như: vụ
Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm xảy ra tại Oceanbank; vụ án Châu Thị Thu Nga và 9
đồng phạm xảy ra tại Công ty Housing Group... Việc cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ
Chính trị và gần đây là tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, khởi tố và bắt
tạm giam ông Đinh La Thăng, làm rõ sai phạm liên quan đến nhiều lãnh đạo Tập
đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là một minh chứng cụ thể của việc không có “vùng
cấm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm, sự
đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Với quy trình thực hiện chặt chẽ, thận trọng, sự chuẩn bị kỹ
lưỡng, lâu dài, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được
xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm xảy ra
tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) đã được đưa ra xét xử về
các tội: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định
của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về
cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản, với những mức
án nghiêm khắc. Trong đại án thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng tại OceanBank, bị cáo
Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc OceanBank bị tuyên án tử hình; bị cáo Hà
Văn Thắm nhận mức án chung thân. Qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các
cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Hay vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Dự án B5 Cầu
Diễn (Hà Nội) đã được cơ quan chức năng khẩn trương đưa ra xét xử, với mức án
chung thân dành cho bị cáo Châu Thị Thu Nga.
Các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra
làm rõ vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về các tội: Tham ô tài sản; Cố ý làm
trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra
tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; khởi tố bị can đối với một
số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng
Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí
Thái Bình 2, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch về các tội danh tham ô
tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả
nghiêm trọng...
Nhìn lại các Phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong suốt
một năm qua, có thể nhận thấy nhiều vụ sai phạm đã được làm rõ, xử lý và đề
nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh. Riêng đối với Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra Trung
ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Huỳnh Đức Thơ,
Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vì
những sai phạm trong quá trình lãnh đạo. Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII đã
quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban
Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 -
2020; cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Bộ
Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Thành ủy
Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020...
Việc đưa ra xét xử hàng loạt vụ án tham
nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; xử lý nghiêm khắc cả lãnh đạo cấp cao
của Đảng khi vi phạm pháp luật đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà
nước trong cuộc chiến chống tham nhũng. Khi tinh thần thượng tôn pháp luật được
đặt lên hàng đầu thì đây chính là động lực để cả bộ máy chính trị và người dân
cùng vào cuộc phòng, chống tham nhũng. Hoàn toàn không có “vùng cấm” cho bất kỳ
cá nhân nào khi có hành vi tham nhũng, hoặc làm tổn hại tới quyền lợi chính
đáng của nhân dân, của đất nước.
Có thể nhận thấy công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển
biến tích cực, từ quyết tâm chính trị thành những hành động cụ thể, quyết liệt.
Với nỗ lực cao, trên nhiều phương diện, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
đang được Đảng, Nhà nước triển khai bài bản, quyết liệt, với sự vào cuộc của cả
hệ thống chính trị, sự ủng hộ và đồng thuận của toàn xã hội. Những kết quả đạt
được trong năm qua đã củng cố và nhân lên niềm tin trong nhân dân.
Ngọc Thủy
Nhận xét