NHẬN THỨC THÊM VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT

Những ngày gần đây, nhân kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV dự kiến thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (còn gọi là Luật đặc khu), rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ và đề xuất giải pháp để Luật đặc khu hoàn thiện hơn thì có những ý kiến lợi dụng để phê phán, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Nổi lên là việc chúng kêu gọi, tập hợp quần chúng phản đối thời gian cho thuê đất 99 năm và đối tác thuê là Trung Quốc; Khi Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua Luật đặc khu và điều chỉnh thời hạn thuê đất đặc khu một cách hợp lý nhất thì chúng lại quay sang phản đối xây dựng đặc khu kinh tế… Để đấu tranh với các luận điệu sai trái, cần hiểu về dự thảo Luật này ở một số góc độ sau:
Thứ nhất: Ở Việt Nam cần hay không xây dựng đặc khu và Luật đặc khu?
Trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các nước trong khu vực và quốc tế, nhất là nhiều quốc gia đã phát triển thành công mô hình khu kinh tế đặc biệt như Singapore, các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Trung Quốc, Hàn Quốc, British Virgin Islands và Cayman Islands. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đang ở vị trí cạnh tranh trực tiếp với nước ta về thu hút vốn đầu tư nước ngoài như: Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Myanmar… cũng đang phát triển mô hình đặc khu kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế là hết sức cần thiết và cấp bách để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút các nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đòi hỏi phải xây dựng mô hình phát triển mới có tính đột phá, mà đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một mô hình có hiệu quả được nhiều nước trên thế giới chứng minh.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH trong đó có chủ trương phát triển đặc khu kinh tế để tạo sự tăng trưởng có tính đột phá. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03-6-2017 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã nêu rõ: “Xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Tại Thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh và xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho 3 đơn vị này. Đây là những khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và có tiềm năng phát triển để thúc đẩy cạnh tranh quốc tế nếu có được các thể chế, chính sách về kinh tế, hành chính, tư pháp phù hợp và vượt trội. Vì vậy, xây dựng Luật là cần thiết.

Thứ hai: Trung quốc có phải là đối tác được xác định trong dự thảo Luật?

Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 6 Chương với 87 điều.

Tại Khoản 5, Điều 3. Giải thích từ ngữ của Dự thảo Luật xác định: “Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư có năng lực tài chính, quản trị, có cam kết bằng văn bản trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, gắn bó lợi ích lâu dài với đặc khu và có dự án đầu tư tại đặc khu”. Điều đó cho thấy với quan điểm tăng cường hợp tác, đa phương hóa đa dạng hóa trong quan hệ kinh tế đối ngoại, Dự thảo Luật quy định bình đẳng trong một môi trường chung, với tất cả thành phần kinh tế và với tất cả các quốc gia. Dự thảo Luật đã xác định rõ đối tác là “những nhà đầu tư chiến lược” chứ không chỉ đích danh quốc gia nào. Thực tế cho thấy, toàn văn Dự thảo Luật được đăng tải lấy ý kiến của nhân dân cũng không có một chữ nào xác định Trung Quốc là “chủ đầu tư” của các đặc khu. Vì vậy, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên hòng thực hiện mưu đồ chống phá, chia rẽ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc mới cho như vậy.

 Vì vậy, việc người dân thể hiện quan điểm chính kiến của mình Nhà nước không cấm, song cần phải hiểu đúng vấn đề để tránh bị lôi kéo, mua chuộc; không để kẻ xấu lợi dụng xúi giục làm những hành vi vi phạm pháp luật.

                                                                         HOA YÊN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC