PHỦ NHẬN SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN LÀ MƯU ĐỒ CÓ TÍNH MỤC ĐÍCH

Sau những biến động thế giới phức tạp, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vào cuối thế kỷ XX, những nhà lý luận tư sản, cùng các phần tử cơ hội, xét lại đã lớn tiếng tuyên bố rằng, đây là hồi chuông báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội, học thuyết Mác - Lê-nin đã lỗi thời, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không còn nữa. Vậy, có đúng là hiện nay giai cấp công nhân không còn sứ mệnh lịch sử nữa? tất nhiên những quan điểm phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân lại được nở rộ như: C. Mác đã gắn cho giai cấp công nhân sứ mệnh mà nó không có chỉ bởi vì ông thương đó là giai cấp nghèo khổ; rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về chất, đã trở thành "chủ nghĩa tư bản nhân dân", nhà nước tư bản đã là "nhà nước phúc lợi chung", nó không còn dựa trên sự bóc lột lao động làm thuê nữa; rằng công nhân ở các nước tư bản không còn bị bóc lột, địa vị của họ đã có sự thay đổi căn bản, cho nên không còn sứ mệnh lịch sử nữa.
Trong tác phẩm Chống Đuyring, khi nói về vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: "Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới, đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại". Điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không phải giai cấp này là giai cấp nghèo khổ, mà điều quyết định là do địa vị kinh tế - xã hội của chính nó. Giai cấp công nhân là con đẻ của nền sản xuất công nghiệp hiện đại, là giai cấp gắn với lực lượng sản xuất tiên tiến nhất dưới chủ nghĩa tư bản. Với tính cách như vậy, giai cấp công nhân là lực lượng quyết định phá vỡ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Sau khi giành chính quyền, giai cấp công nhân đại biểu cho sự tiến hóa tất yếu của lịch sử, là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh đạo xã hội xây dựng một phương thức sản xuất mới cao hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đó là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.
Điều kiện sinh hoạt khách quan của họ quy định rằng, họ chỉ có thể tự giải phóng bằng cách giải phóng toàn xã hội khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc cách mạng ấy, họ không mất gì ngoài xiềng xích và được cả thế giới về mình. Địa vị kinh tế - xã hội khách quan không chỉ khiến cho giai cấp công nhân trở thành giai cấp cách mạng, triệt để nhất mà còn tạo cho họ khả năng làm việc đó. Đó là khả năng đoàn kết thống nhất giai cấp, khả năng đạt tới sự giác ngộ về địa vị lịch sử của mình, khả năng hành động chính trị để từng bước đạt mục tiêu cách mạng. Đó là khả năng đoàn kết các giai cấp khác trong cuộc đấu tranh chống tư bản. Đó là khả năng đi đầu trong cuộc đấu tranh của toàn thể nhân dân lao động và của dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là khả năng đoàn kết toàn thể giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên quy mô quốc tế theo chủ nghĩa quốc tế vô sản. Vì vậy, lấy sự nghèo khổ làm cơ sở để luận giải sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là một lập luận phản khoa học và là mưu đồ hòng xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin.
Hiện nay việc thực hiện cổ phần hóa ở các nước tư bản phát triển đang diễn ra với quy mô ngày càng rộng khắp. Người lao động có thể mua cổ phiếu ở xí nghiệp, công ty cổ phần nào đó với hy vọng thu lợi tức cổ phần và lãi vốn. Tuy nhiên, càng khẳng định rằng việc bán cổ phiếu cho công nhân không những không động chạm đến quyền lợi của giới chủ, mà trái lại càng làm tăng thêm quyền lực kinh tế cho chủ tư bản.
Lại có quan điểm cho rằng, luận điểm của C. Mác về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trước đây có thể đúng nhưng không còn đúng trong thời đại ngày nay. Theo họ, thời đại ngày nay là thời đại của nền "văn minh trí tuệ", của "kinh tế tri thức", do đó trí thức mới là lực lượng tiền phong, có vai trò lãnh đạo cách mạng. Đúng là trí thức có vai trò quan trọng trong mọi thời đại. Trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, vai trò trí thức ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Song trí thức không thể đóng vai trò lãnh đạo thay thế giai cấp công nhân.
Bởi lẽ: Trong xã hội, trí thức chỉ là một tầng lớp xã hội đặc biệt và không thuần nhất. Nó không đại biểu cho một phương thức sản xuất độc lập, không phải là một lực lượng kinh tế, chính trị độc lập trước các giai cấp và tầng lớp xã hội khác, Do đó, trí thức không có hệ tư tưởng riêng. Nó phải phục tùng và chịu ảnh hưởng hệ tư tưởng của giai cấp nào thống trị xã hội. Do địa vị kinh tế xã hội của nó, trí thức không thể là người lãnh đạo cách mạng; mặc dù tất cả các giai cấp thống trị trong lịch sử đều cần đến trí thức và đào tạo ra một đội ngũ trí thức của mình để thực hiện vai trò của nó đối với xã hội. Mặt khác, trí thức không có lợi ích đối kháng trực tiếp với giai cấp tư sản. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, trí thức cũng là người làm thuê và bị bóc lột, nhưng lại là tầng lớp làm thuê đặc biệt, được giai cấp tư sản đào tạo, sử dụng và có một bộ phận được chế độ tư bản ưu đãi. Trí thức không phải là tầng lớp xã hội có tinh thần cách mạng triệt để như giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản. Thực tế lịch sử cho thấy chưa bao giờ có một tầng lớp trí thức nào có thể thay thế một giai cấp để lãnh đạo một cuộc cách mạng xã hội nhằm thay thế chế độ này bằng một chế độ xã hội khác. Để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân nhất định phải tập hợp được các tầng lớp nhân dân lao động xung quanh nó, tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng xóa bỏ xã hội cũ và xây dựng xã hội mới về mọi mặt kinh tế, chính trị, và văn hóa, tư tưởng. Đó là một quá trình lịch sử hết sức lâu dài và khó khăn.
C. Mác và Ph. Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: "Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình, mà nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy - những công nhân hiện đại, những người vô sản" Giai cấp công nhân sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn sứ mệnh lịch sử của mình là loại bỏ chủ nghĩa tư bản ra khỏi đời sống xã hội, xây dựng chù nghĩa cộng sản văn minh; xác định rõ hơn con đường, biện pháp để thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại đó. Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết ở Liên Xô và Đông Âu đối với những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trên thế giới là một thực tế nghiệt ngã và đau xót. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội bị "tiêu vong", giai cấp công nhân đã "mất vai trò lịch sử"; cũng không làm mất đi ý chí phấn đấu và niềm tin vào tương lai xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Trái lại, giai cấp công nhân có thêm những bài học đắt giá về những vấn đề cơ bản của cách mạng, bài học sâu sắc về "cách mạng phải biết tự bảo vệ", càng nhận thức rõ hơn tính chất quyết liệt, gay go của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong thời đại ngày nay, càng hiểu rõ hơn những bước thăng trầm, những khúc quanh trên con đường thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.
Cùng với sự phát triển của dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu và vai trò trong xã hội. Thông qua chính đảng tiền phong của mình, giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp duy nhất lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xã hội, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN đến thắng lợi. Vai trò lãnh đạo, bản chất cách mạng, tính tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam không hề thay đổi. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở Việt Nam trong tình hình mới, cấp thiết phải xây dựng giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng. Đối với cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân luôn có một vai trò và vị trí hết sức quan trọng. Trong các giai đoạn cách mạng trước đây, giai cấp công nhân Việt Nam không chỉ là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà còn là một trong những lực lượng cách mạng chủ yếu trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhằm xóa bỏ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, phong kiến giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục đảm đương sứ mệnh lịch sử lớn lao không chỉ tiếp tục là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà còn là lực lượng tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Để khẳng định hơn nữa về vai trò và vị trí của giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa X của Đảng Cộng Sản Việt am đã khẳng định: “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”. Từ khi trở thành giai cấp cầm quyền, giai cấp công nhân Việt Nam luôn phát huy bản chất cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn là lực lượng chủ đạo, đi đầu và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Hơn 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; đóng góp trực tiếp to lớn vào sự phát triển của đất nước.
                                                 HỒNG QUÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC