PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM “CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 THÀNH CÔNG NHỜ MAY MẮN CỦA LỊCH SỬ”
Cách đây 73 năm, chỉ trong khoảng hai tuần cuối
tháng 8 - 1945, toàn thể dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã nhất tề vùng lên tiến
hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền để tự mình quyết định vận mệnh của dân
tộc.
Từ thân phận nô lệ, Tổ quốc Việt Nam đã độc
lập, tự do, có quyền tự quyết; nhân dân Việt Nam trở thành người chủ và làm
chủ trong một chế độ dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã
làm rung chuyển và chấn động hệ thống thuộc địa, mở ra một kỷ nguyên mới cho
dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; đồng thời cũng
là cột mốc đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa kiểu cũ trên phạm vi quốc
tế.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
đã đúc kết bài học quý về quy tụ nhân tâm, quy tụ lòng người; bài học về sức
mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa “ý Đảng với lòng dân”,
như một quy luật lịch sử tất yếu khách quan. Tin dân, dựa vào dân, hiểu thấu
dân tâm là truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng
nghìn năm của dân tộc ta, trở thành một giá trị tiêu biểu của nền văn hóa - chính
trị Việt Nam hiện đại.
Thế nhưng, một số kẻ cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám thành công nhờ may mắn từ hoàn
cảnh lịch sử”, rõ ràng là có dã tâm muốn hạ thấp giá trị cuộc cách mạng của
toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Điều mà ai cũng nhận
thấy là hoàn cảnh lịch sử thời điểm tháng 8- 1945 đã tạo ra thời cơ vàng để dân
tộc Việt Nam đứng lên làm một cuộc cách mạng giành độc lập, tự do.
Lúc ấy, phát xít Nhật đã bại trận hoàn toàn, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng
minh vào ngày 15-8-1945. Quân Nhật tại Việt Nam đã rệu rã về tinh thần,
chờ quân Đồng minh vào giải giáp. Các lực lượng Đồng minh như quân Tàu-Tưởng,
liên quân Anh-Pháp chưa vào đến nước ta.
Nhưng
nếu chỉ có thời điểm thuận lợi thì chưa thể tạo nên cuộc cách mạng thành công.
Độc lập, tự do không phải là món quà bỗng dưng từ trên trời rơi xuống. Trong
Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này: “Không
phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do…”.
Cách mạng Tháng Tám
thành công vì đó là kết tinh của nghệ thuật chuẩn bị lực lượng, xác định đúng
thời cơ và chớp thời cơ. Cách mạng Tháng Tám thành công, ít phải đổ máu là do
các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã luôn trên thế chủ động chiến
lược.
Để có một cuộc Tổng
khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên cả nước trong mùa thu Tháng Tám
năm 1945, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta 15 năm, qua 3 cao trào cách mạng
1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945 với những giai đoạn thử thách vô cùng khốc liệt,
gian khổ. Đảng đã trưởng thành về tổ chức và lý luận, nhận được sự ủng hộ của
nhân dân cả nước, tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân trong một mặt trận dân tộc
thống nhất gọi là Việt Minh. Ở tất cả các địa phương trên cả nước, Việt Minh đều
có cán bộ, có cơ sở bám nắm nhân dân, vận động nhân dân. Nhờ đó, khi có kêu gọi
Tổng khởi nghĩa, ngay lập tức hàng triệu người dân cả nước đều nhất tề đứng lên
giành chính quyền.
Việc
nhận định đúng thời cơ và chớp được thời cơ đòi hỏi những nhà lãnh đạo Cách mạng
phải có một trí tuệ và tầm nhìn lớn. Từ giữa năm 1944, khi ở châu Âu, Hồng quân
Liên Xô chuyển sang phản công thắng lợi trên nhiều mặt trận, không khí chuẩn bị
khởi nghĩa sục sôi ở khắp nơi trên đất nước ta. Nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng sẵn
sàng khởi nghĩa. Thế nhưng, cuối tháng 10-1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung
Quốc trở về Hà Quảng, Cao Bằng chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng. Người
nói: “Thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi
nghĩa chưa tới”. Đồng thời, Người chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền
giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam-để vừa tuyên truyền
cách mạng, vừa sẵn sàng lực lượng quân sự hỗ trợ phong trào nổi dậy của nhân
dân trong Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.
Hoãn khởi nghĩa lúc
chưa đúng thời điểm, nhưng khi thấy thời cơ cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi,
các nhà lãnh đạo cách mạng của ta thể hiện quyết tâm sắt đá lãnh đạo nhân
dân đứng lên giành độc lập. Đó là vào cuối tháng 7-1945, Bác Hồ nói với đồng
chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên
quyết giành cho được độc lập”. Và chỉ trong vòng nửa tháng, bằng cuộc
tổng khởi nghĩa vũ trang đồng loạt, nhân dân ta đã giành được chính quyền trong
cả nước. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mang tính
chất cuộc cách mạng triệt để nhất, “dân
ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt
Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập lên chế
độ dân chủ cộng hòa”.
Trải qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử giá
trị to lớn của
Cách mạng Tháng Tám vẫn luôn luôn thể
hiện chân lý sáng ngời “Không có gì quý hơn độc lập
và tự do”, với
quyết tâm “Toàn thể dân tộc Việt
Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững
quyền tự do độc lập ấy”.
Như vậy, luận điệu cho
rằng “Cách mạng Tháng Tám thành công nhờ may mắn từ hoàn cảnh lịch sử” là quan
điểm sai trái nhằm phủ bóng đen lên con đường mà đất nước ta, dân tộc ta đã lựa
chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, sự thật lịch sử đã phơi bày sự vô
lương tâm của họ, thực tế cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay đã cho thấy sự
trơ tráo của họ. Dù trước mắt còn không ít thử thách nhưng đất nước ta, dân tộc
ta đang tiến bước để trở thành một đất nước phát triển, hội nhập với thế giới.
Có thể nói rằng, xuyên
tạc, bóp méo, bôi nhọ, hạ thấp giá trị Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam cũng có
nghĩa là chà đạp lên khát vọng của dân tộc, chà đạp lên xương máu của biết bao
thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc.
Những luận điệu lạc lõng đang bơi ngược dòng sự thật ấy chắc chắn sẽ bị nhấn
chìm.
BĂNG VI
Nhận xét