MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA KINH TẾ VỚI CHIẾN TRANH VÀ QUỐC PHÒNG

Thông qua hoạt động thực tiễn của các hiện tượng kinh tế, chiến tranh và quốc phòng, cũng như mối quan hệ giữa chúng đã được con người nhận thức và luận giải dưới các góc nhìn khác nhau. Song chỉ đến C.Mác và Ph.Ăngghen việc giải thích nguồn gốc, bản chất của chiến tranh, quốc phòng, cùng mối quan hệ của nó với kinh tế mới được thực hiện một cách khoa học. Đứng trên quan điểm của những nhà duy vật biện chứng, các ông đã chứng minh rằng: Nguồn gốc, nguyên nhân của chiến tranh được sinh ra từ chính trong hoạt động sản xuất vật chất của xã hội chứ không phải từ “ý niệm” của “Chúa” hay từ bản năng của con người.
Kinh tế, chiến tranh và quốc phòng là các hiện tượng, khái niệm không đồng nhất, nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, kinh tế, chiến tranh và quốc phòng có mối quan hệ biện chứng với nhau, một mặt   chiến tranh, quốc phòng phụ thuộc vào kinh tế, mặt khác chúng lại tác động trở lại đối với kinh tế. Văn kiện Đại hội XII Đảng ta chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[1] 
Sự phụ thuộc của chiến tranh và quốc phòng vào kinh tế được thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, lợi ích kinh tế là nguyên nhân suy đến cùng làm nảy sinh các cuộc chiến tranh.
Nhìn lại lịch sử của nhân loại đã cho thấy chiến tranh chỉ nảy sinh trong điều kiện xã hội xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa con người với nhau. Chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đã phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng và dẫn đến sự ra đời của nhà nước cùng với công cụ bạo lực là tổ chức quân sự để duy trì sự thống trị của nó. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, để tăng cường sự thống trị về kinh tế, các chủ nô đã sử dụng tổ chức quân sự của nhà nước để vừa áp bức giai cấp bị trị, vừa tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, cướp bóc và nô dịch các dân tộc khác. Từ đó, cho đến suốt thời kỳ phong kiến, chiến tranh và quốc phòng trở thành hiện tượng xã hội thường xuyên của các xã hội có đối kháng giai cấp.
Trong thời đại tư bản chủ nghĩa, nguyên nhân kinh tế của chiến tranh và quốc phòng đã trở nên thực sự rõ nét hơn. Như V.I.Lênin đã khẳng định, chiến tranh trở thành “bạn đường” của chủ nghĩa đế quốc, là công cụ để các thế lực tư bản độc quyền chiếm đoạt thị trường và các nguồn nguyên liệu, nhân công rẻ của các nước. Vì mục đích chạy theo lợi nhuận độc quyền, các nhà tư bản dùng mọi thủ đoạn kể cả gây chiến tranh để thu lợi nhuận. V.I.Lênin đã nhận xét: “Thử hỏi, trên cơ sở chủ nghĩa tư bản, ngoài chiến tranh ra còn có phương sách nào khác để khắc phục tình trạng không cân đối giữa một bên là sự phát triển của lực lượng sản xuất và tích luỹ tư bản và một bên là sự phân chia thuộc địa và “các khu vực ảnh hưởng” cho tư bản tài chính, được chăng”[2].  Thực tế lịch sử đã chứng minh, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, do sự phát triển không đều về kinh tế giữa các nước tư bản chủ nghĩa, các nước đế quốc già (Anh, Nga, Pháp) đã chiếm hầu hết lãnh thổ thế giới làm thuộc địa, trong khi đó, các nước đế quốc trẻ (Đức, Mỹ, Nhật) thì không có km2 thuộc địa nào, từ đó xuất hiện nhu cầu phân chia lại thị trường và khu vực ảnh hưởng, có lợi cho các nước để quốc trẻ. Trên cơ sở kinh tế ấy, hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và thứ hai (1939 - 1945) đã nổ ra. Cũng chính do bản chất hiếu chiến, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, nên thế giới đang phải tiếp tục chứng kiến những cuộc chiến tranh do chính các nước đế quốc và đồng minh của nó gây ra ở Nam Tư , Irắc, Afgahanistan, Syri...
Tuy nhiên, chiến tranh không trực tiếp sinh ra từ kinh tế mà thông qua chính trị, nhưng chính trị bao giờ cũng là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, phản ánh những lợi ích kinh tế nhất định. Do vậy, kinh tế là nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh chiến tranh và quốc phòng. Kinh tế còn qui định mục tiêu và tính chất của chiến tranh. Nếu một cuộc chiến tranh tiến hành vì mục tiêu cướp bóc, nô dịch các dân tộc khác thì đó là chiến tranh phi nghĩa. Trái lại, nếu đó là cuộc chiến tranh được tiến hành vì sự giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, vì tự do và tiến bộ xã hội, vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, chống lại kẻ thù xâm lược thì đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa.
Hai là, kinh tế là nguồn cung cấp các phương tiện vật chất, kỹ thuật để tiến hành chiến tranh và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng.
Để tiến hành chiến tranh và phòng thủ đất nước, bên cạnh nhân tố con người, tất yếu phải có các yếu tố vật chất, vũ khí, khí tài và trang bị quân sự khác. Yếu tố vật chất ấy chỉ có thể được sản xuất ra bởi các ngành kinh tế quốc dân. Ph.Ăngghen nhận xét: “…bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, những điều kiện kinh tế và tài nguyên kinh tế đều là những cái đã giúp cho “bạo lực” chiến thắng, nếu không có những điều kiện và tài nguyên đó thì bạo lực không còn là bạo lực nữa…”[3]. Vai trò của kinh tế đối với chiến tranh và quốc phòng được thể hiện trên cả hai khía cạnh kinh tế - kỹ thuật và kinh tế - xã hội. Trên phương diện kinh tế - kỹ thuật, trình độ phát triển của nền kinh tế sẽ quyết định trình độ vũ khí, trang bị của lực lượng vũ trang. Trình độ phát triển của nền kinh tế càng cao thì khả năng trang bị cho lực lượng vũ trang các loại vũ khí, trang bị, phương tiện quân sự càng hiện đại; khả năng nuôi dưỡng, huấn luyện, đào tạo nhân lực quân sự càng tốt hơn.
Ba là, sự phát triển kinh tế ảnh hưởng quyết định đến cơ cấu, tổ chức biên chế, phương pháp và hình thức tác chiến của lực lượng vũ trang.
Khi bàn về vấn đề này, Ph. Ăngghen đã viết: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định”[4]. Vậy, sự phát triển của sức sản xuất là những tiền đề vật chất cho sự ra đời của các loại vũ khí trang bị mới. Song đến lượt nó, sự xuất hiện của các loại vũ khí trang bị mới lại tạo ra điều kiện làm biến đổi cơ cấu tổ chức, biên chế của lực lượng vũ trang và theo đó làm thay đổi cả hình thức và phương pháp chiến đấu của quân đội.
Từ những phân tích trên đây đã cho thấy, kinh tế là nhân tố suy đến cùng quyết định chiến tranh và quốc phòng, nhưng chiến tranh và quốc phòng không chỉ phụ thuộc vào kinh tế mà còn tác động trở lại kinh tế theo hai chiều hướng cả tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực: Các hoạt động quốc phòng trong thời bình ở mức độ nhất định có tác dụng kích thích nền kinh tế phát triển và bảo vệ môi trường hoà bình và ổn định cho sự phát triển của nền kinh tế. Về mặt tiêu cực: Chiến tranh và hoạt động quốc phòng tiêu hao kinh tế, cản trở sự phát triển của nền kinh tế và hạn chế thoả mãn các nhu cầu vật chất của xã hội. Đồng thời chiến tranh và quốc phòng để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến cơ cấu và phương hướng phát triển kinh tế thông qua học thuyết, quan điểm và chiến lược quân sự.
Hiện nay các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu “Diễn biến hoà bình”  đòi “phi chính trị hóa quân đội”. Đặc biệt chúng cho rằng quân đội “không làm kinh tế”, nhằm xóa bỏ chức năng “đội quân lao động sản xuất” trái với quan điểm của Đảng về nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng. Để làm thất bại âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng đối với nước ta hiện nay, phải được xác định đây là hình thức đấu tranh đặc biệt “cuộc chiến tranh không khói súng”, là cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp và lâu dài. Đòi hỏi, phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch hiện nay.
Nhận thức tính biện chứng về mối quan hệ giữa kinh tế với chiến tranh và quốc phòng là vấn đề thiết thực bảo đảm tính khách quan. Đòi hỏi toàn Đảng, toàn đân và toàn quân ta tập trung sức phát triển kinh tế. Đồng thời quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, trong đó chú trọng xây dựng quân đội: “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

                                                             LÊ QUỐC DUẨN



[1] Văn kiện đại hội XII, Nxb VPTWĐ, H.2016. Tr.149
[2]. V.I.Lênin. Toàn tập, tập 27, Nxb CTQG, H. 2005, tr.984.
[3]. C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tập, tâp 20, Nxb CTQG. H.1994. tr.242
[4]. C.Mác, Ph.Ăngghen. Toàn tâp. Tập.20. Nxb CTQG. H.1994. tr.235

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC