CẦN CÓ CÁI NHÌN TÍCH CỰC VỀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM


Trong thời gian vừa qua, với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính - tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nền kinh tế đất nước đã đạt được những kết quả đáng mừng, nhất là những chỉ số kinh tế có sự phát triển vượt bậc trong 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, với âm mưu chống phá mang bản chất ngoan cố, vẫn có một số kẻ núp dưới danh nghĩa "chuyên gia kinh tế", đưa ra nhận định thiếu thiện chí, thậm chí cố tình phủ nhận, bóp méo thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trong bài Kinh tế Việt Nam 2018: “Hóa rồng” hay “hóa rồ”? đăng tải trên trang VOA Tiengviet.com, Phạm Chí Dũng – cánh tay nối dài của “Việt Tân” với âm mưu chống phá lợi ích của đất nước đã viết: “Năm 2018 cũng sẽ là năm phải chứng kiến một loạt “thành tích” khiến toàn bộ dân chúng méo mặt: lạm phát”. Thậm chí ý kiến còn cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam về thực chất đã sa chân vào năm suy thoái thứ mười liên tiếp kể từ 2008; Bản chất giá trị tiền lương và tiền công của người lao động cũng bởi thế đã bị tha hóa ít nhất 20% hàng năm… Trước những công bố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2018, họ cho rằng: đó là bài ca thành tích đã được phía “chính phủ kiến tạo”. Thậm chí với chỉ số 6,81% tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã được đánh giá, công bố và là đòn bẩy phát huy lợi thế phát triển của đất nước trong nửa năm qua, họ “xét lại” rằng “thực chất chỉ đạt khoảng 3,9%”... Đây là những luận điệu xuyên tạc, lộ rõ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, cần phải cảnh giác đấu tranh, loại bỏ.

Từ năm 2011 đến nay, bình quân tăng trưởng của Việt Nam đạt trên 6%/năm, đây là tốc độ khá so với một quốc gia đang phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%; trong sáu tháng đầu năm 2018 đạt 7,08%. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang là nền kinh tế xuất siêu với con số 2,9 tỷ USD năm 2017 và 2,71 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018. Tính đến tháng 7/2018, mức lương tối thiếu tăng 513% so với năm 2003, do đó thu nhập bình quân đầu người đã cải thiện, hiện ở mức 2.385 USD/người/năm, gần gấp đôi so với năm 2010 và gấp 3 lần so với năm 2007.

Đánh giá của CIEM cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% trong sáu tháng đầu năm 2018 là mức cao nhất trong sáu tháng đầu năm kể từ 2011 đến nay. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng là 6,35%;  tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 113,93 tỷ USD (tăng 16% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, thị trường xuất khẩu hiện nay lớn nhất là Mỹ (21,5 tỷ USD) và EU (20,5 tỷ USD). Chênh lệch thu – chi ngân sách cũng ở mức cho phép (tổng thu ngân sách đạt 582,1 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách là 586 nghìn tỷ đồng), trong đó nguồn thu nội địa và chi cho đầu tư phát triển vẫn ở mức lớn, khẳng định sức mạnh nội lực của nền kinh tế (thu nội địa là 462,7 nghìn tỷ đồng; chi đầu tư phát triển là 111,1 nghìn tỷ đồng)[1]. Chỉ số CPI 6 tháng tăng 3,29 % so với cùng kỳ năm 2017. Các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 445 dự án FDI đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7 tỷ USD... Cũng theo dự báo của CIEM, mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%; tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 12,11%; thặng dư thương mại ở mức 1,2 tỷ USD; và lạm phát bình quân năm nay đạt 3,93%.

Ở một khía cạnh khác, cần nhận thấy rằng nền tài chính quốc gia khá ổn định, phát triển. Trong hai quý đầu năm 2018, với định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và công tác quản lý ngoại hối linh hoạt, các luồng vốn ngoại tệ vào Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực. Với những giải pháp được triển khai đồng bộ về chính sách tiền tệ các gói tín dụng đa dạng, lãi suất ưu đãi, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý… Chính điều đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát (lạm phát ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% trong 6 tháng đầu năm - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây). Việc đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đã tăng chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2018, được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN.
Trong tháng 5/2018, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ)  cũng đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng GDP dự báo là 6,7%. Hội thảo về kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Aus4Reform tổ chức vào ngày 20/7/2018 cũng nhận định: “Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế, tăng trưởng cũng chưa có dấu hiệu quá nóng”.
Với những con số, đánh giá và dữ liệu đã được công bố, có thể khẳng định rằng nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển ổn định, bền vững. Đó cũng là minh chứng rõ ràng nhất trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá hòng xuyên tạc những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, nhà nước và nhân dân ta.  
                                                                                                                   YÊN CHI


[1] Https://ndh.vn/Buc tranh kinh te 6 thang dau nam qua cac chi so  

Nhận xét

Hải Đăng đã nói…
Nhìn vào các chỉ số kinh tế và thực tế xã hội Việt Nam hiện nay chúng ta thấy được sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên cũng cần khẳng định, phát triển phải luôn gắn liền với duy trì sự phát triển bền vững, làm được như vậy thì nền kinh tế mới có sự phát triển ổn định, lâu dài

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC