NHẬN DẠNG CHỦ NGHĨA XÉT LẠI NGÀY NAY

Sự sụp đổ của  chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã làm thay đổi cục diện chính trị thế giới, CNXH hiện thực lâm vào bước thoái trào, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào cách mạng thế giới đứng trước những khó khăn và thử thách nghiêm trọng. Thông qua sự kiện đau xót này, chúng ta càng thấm thía một cách sâu sắc nhiều bài học về xây dựng Đảng; nguy cơ sai lầm về đường lối, sự vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, tệ quan liêu xa rời quần chúng, sai lầm về lựa chọn và bố trí cán bộ mà trong đó không thể không kể đến việc đã để cho những phần tử xét lại leo lên giữ những cương vị trọng trách trong bộ máy Đảng và Nhà nước...
          Hiện nay trước tình hình chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng thoái trào, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang gặp nhiều khó khăn thử thách, chủ nghĩa Đế quốc và các thế lực phản động đang điên cuồng chống phá cách mạng, hòng xoá bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, bóp chết phong trào cách mạng thế giới. Đây là cơ hội cho chủ nghĩa xét lại ngóc đầu dậy chống phá phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và đó cũng là điều kiện để chúng ta nhận rõ bộ mặt nham hiểm xảo quyệt và những âm mưu thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa xét lại được biểu hiện rất phong phú để chống phá Đảng, chống phá chủ nghĩa xã hội.
          Nguồn gốc của chủ nghĩa xét lại là chủ nghĩa đế quốc đã điều chỉnh thích nghi, đồng thời sử dụng các thủ đoạn như mua chuộc, lôi kéo những nhà mácxít thoái hóa biến chất, giai cấp tư sản “giả danh” những nhà mácxít để đấu tranh chống lại chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa xét lại xuất hiện còn do trong hàng ngũ những người cách mạng có những phần tử phản bội, không vững vàng, không đủ khả năng nhận thức đúng những hiện tượng mới của thực tại, những thay đổi trong sách lược của các đảng cộng sản. Ngoài ra, việc các đảng tư sản cầm quyền áp dụng các phương pháp của chủ nghĩa tự do, chính sách cải cách, chủ nghĩa dân tộc cũng là cơ sở làm xuất hiện chủ nghĩa xét lại.
          Ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, hình thức của chủ nghĩa cơ hội, xét lại khác nhau nhưng về bản chất của chúng chỉ là một: Đó là sự phản bội lại chủ nghĩa Mác-Lênin và lợi ích của giai cấp công nhân, là sự đầu hàng trước hệ tư tưởng tư sản và các thế lực tư sản, là trào lưu tư tưởng đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin, là tàn dư tư sản và tiểu tư sản, là sự hy sinh lợi ích căn bản của quần chúng cho lợi ích tạm thời của một số người ít ỏi, và thực chất nó là sự liên minh giữa một bộ phận công nhân với giai cấp tư sản. Như vậy, chủ nghĩa xét lại vừa là kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lênin vừa là kẻ thù nguy hiểm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ngày nay, nhiều phần tử cơ hội, xét lại vẫn đang khoác áo chủ nghĩa Mác, tự xưng là trung thành với chủ nghĩa Mác, nhưng thực chất họ lại phản bội lại chủ nghĩa Mác, tìm cách chống phá chủ nghĩa Mác và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những phần tử này hoang mang dao động trước những khó khăn, những bước ngoặt của cách mạng, không phân biệt được cái hiện tượng và cái bản chất trong những thay đổi của tình hình, tỏ ra mơ hồ trước các thủ đoạn tinh vi của chủ nghĩa đế quốc, choáng ngợp trước những ánh “hào quang” của chủ nghĩa tư bản, từ đó quay lại chống lại Đảng cộng sản, phản bội lại phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Lê-nin đã khẳng định chủ nghĩa cơ hội, xét lại chính là bọn “ôm hôn chủ nghĩa Mác để bóp chết chủ nghĩa Mác”, họ đã đánh giá quá mức những cố gắng và kết quả tạm thời của chủ nghĩa tư bản trong việc khắc phục những khó khăn của nó, lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền để vào hùa với chúng để chống lại chủ nghĩa xã hội.       
          Với nguồn gốc bản chất của chủ nghĩa xét lại, đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại là vấn đề thường xuyên, cấp bách trong suốt quá trình phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của các Đảng cộng sản để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ mục tiêu cách mạng của giai cấp công nhân củng cố tình đoàn kết quốc tế của giai cấp trên toàn thế giới, làm cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nhất là trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay, nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với những người làm công tác lý luận là cần nhận diện rõ bản chất của chủ nghĩa xét lại và đấu tranh không khoan nhượng chống lại các biểu hiện của chủ nghĩa xét lại hiện đại.
          Ở Việt Nam hiện nay, dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta trong khi chủ nghĩa xã hội trên thế giới tạm thời lâm vào thoái trào. Các phần tử cơ hội, xét lại tuyên truyền vào Việt Nam bằng nhiều hình thức, con đường khác nhau, chúng cho rằng lý luận về chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ; phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xa rời những nguyên lý của đảng cộng sản; tuyên truyền tư tưởng về dân chủ tư sản; phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân... đưa ra những tư tưởng, lý luận, thuật ngữ như “xã hội siêu công nghiệp”, “các cơ quan siêu quốc gia”, “phương tiện hợp nhất”, “siêu đấu tranh”, “ý thức hệ toàn cầu”, lấy xung đột văn hoá thay thế cho đấu tranh giai cấp... Tuy nhiên, dù được ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào thì chủ nghĩa xét lại cũng không thể thay đổi được bản chất với những toan tính có mục đích của nó - Đó là xóa bỏ Chủ nghĩa Mác với ý đồ cản trở sự phát triển của lịch sử nhân loại.
          Điều đáng lưu ý là một số tư tưởng trên đây lại được một số những người nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin ở nước ta ca tụng, tán dương, tạo điều kiện cho những tư tưởng đó có điều kiện tác động tới ý thức hệ giai cấp, ảnh hưởng tới việc xây dựng hệ tư tưởng chính trị. Hiện nay, những vấn đề lý luận mà một số người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin đang đòi xét lại hoặc phát triển là sùng bái vai trò của đội ngũ trí thức trong phát triển của nền kinh tế tri thức của “văn minh hậu công nghiệp”, “văn minh trí tuệ nhân tạo”, “văn minh tin học”, “văn minh 4.0”, cho rằng ngày nay sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã thuộc về trí thức; phủ nhận lý luận đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản. Họ cho rằng lý luận đấu tranh giai cấp đã lỗi thời, xã hội không còn đấu tranh giai cấp, không còn chuyên chính vô sản, chỉ còn sự hợp tác, thống nhất, sự tương trợ thuần tuý lẫn nhau, .v.v..
          Hiện nay chúng ta cần nhận diện rõ các quan điểm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay tập trung vào một số nội dung          cụ thể đó là: 
          Thứ nhất; Xuyên tạc nhằm tiến tới phủ nhận, xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là nền tảng lí luận, tư duy về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
          Thứ hai; Phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, tán dương đa nguyên, đa đảng.  
          Thứ ba; Bác bỏ khả năng định hướng xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế thị trường, phủ nhận chế độ sở hữu công hữu, tán dương tư hữu.
          Thứ tư; Xuyên tạc quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt nam, xuyên tạc động lực phát triển đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
          Chúng ta thấy rằng, các thế lực thù địch chống phá, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trên nhiều lĩnh vực, song thường tập trung vào những vấn đề cốt lõi của tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là sự chống phá quy mô và thâm hiểm vào những biện pháp cơ bản trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng. Những quan điểm sai trái trên đều có những điểm chung đó là hướng đến mục tiêu thay đổi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay đổi tính chất xã hội chủ nghĩa của Nhà nước ta để đạt đến mục đích thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt nam. Nhận diện rõ hình thức tồn tại, thủ đoạn của những tư tưởng chống phá, quan điểm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là cần thiết để chúng ta có đối sách xử lý kịp thời trong thời gian tới.           
          Thế giới đã có nhiều biến đổi, chủ nghĩa xét lại cũng có nhiều biến tướng khác nhau. Các đảng cộng sản trên thế giới cần phải nhận thức rằng chừng nào chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại thì hệ tư tưởng tư sản có thể thâm nhập vào phong trào cộng sản, biểu hiện ra ở nhiều hình thức của chủ nghĩa xét lại. Để đấu tranh chống các hình thức xét lại đòi hỏi Đảng ta cần tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao bản lĩnh cách mạng của đảng viên, đồng thời lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tạo cơ sở vật chất để đẩy lùi chủ nghĩa xét lại dưới mọi hình thức.
Phải luôn luôn nắm chắc bản chất, âm mưu thủ đoạn của kẻ thù ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, phải thông qua mạng lưới thông tin đại chúng tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối chủ trương của Đảng, vạch trần âm mưu thủ đoạn kẻ thù, phê phán những nhận thức, quan điểm sai lầm và những tiêu cực khác trong xã hội. Nâng cao tinh thần cảnh giác, có nhiều phương án đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu của kẻ thù. Phối hợp mọi cấp, mọi ngành, mọi địa bàn tạo ra thế trận nhân dân rộng khắp chống lại chiến lược “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc.

          Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay, chúng ta tiến hành đấu tranh chống lại các quan điểm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay gắn liền với quá trình đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội. Những khó khăn thách thức ban đầu của quá trình ấy cũng đã khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định: “trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan dao động…quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn sai lầm và đi theo con đường khác”.
          Cùng với đó, công tác lý luận tư tưởng của chúng ta có lúc thiếu sắc bén, linh hoạt để có sức thuyết phục, việc phê phán, phản bác các quan điểm sai trái còn có những biểm hiện dao động, hiệu quả chưa cao. Chúng ta chưa tập hợp được tất cả những trí tuệ, tận tâm, tận lực của số đông những người làm công tác tư tưởng lí luận nên hiệu quả còn hạn chế và có lúc chưa làm chủ được tình hình trong cuộc đấu tranh này. Thêm vào đó, thực tiễn xã hội cũng còn nhiều điều bất cập đã khiến cho những người từng là đồng chí đồng đội của chúng ta lại trở thành những người nhẹ dạ cả tin hùa theo những luận điệu sai trái và đi đến sai lầm. Đầu tiên họ nghi ngờ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, rồi đến một lúc nào đó công kích, phản bác rồi trở thành lực lượng chống đối…vì vậy, từ những nội dung trên, có thể khẳng định rằng, hơn lúc nào hết, chúng ta muốn chiến thắng trong “cuộc chiến không có tiếng súng” này, vũ khí phê phán luôn phải được mài sắc, sẵn sàng đập tan các luận điệu sai trái xét lại.       
                                                                     CƯỜNG LÊ      

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC