CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM – CHÍNH SÁCH VÌ CON NGƯỜI
Ngày 23/5/2018, thay mặt Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Cải
cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Có thể nhận thấy rằng, sự ban hành Nghị quyết
là cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn
quốc lần thứ XII của Đảng; tập trung vào những khâu yếu, những vấn đề trọng
tâm, có ý nghĩa cả về trước mắt và lâu dài đối với nhiệm vụ gắn kết phát triển
kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hướng tới sự phát triển bền
vững đất nước. Sự ban hành Nghị quyết được thực hiện vào năm bản lề thực hiện
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng nên có ý nghĩa rất to lớn đến nhận
thức, trách nhiệm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nhất là
trong điều kiện toàn Đảng, toàn dân đang
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu thực hiện mục tiêu “Dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhìn một cách tổng thể, Nghị quyết số 28-NQ/TW “Về
cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” đã đề cập đến những vấn đề cần thiết trước
mắt cũng như lâu dài về công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách bảo
hiểm xã hội (BHXH). Trên cơ sở đánh giá tình hình và nguyên nhân, chỉ ra những
điểm mạnh và hạn chế của công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, Nghị quyết đã nêu lên 5
quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng chặng đường
từ nay đến năm 2030. Trong đó quan điểm: “Bảo hiểm xã hội là
một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã
hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững
đất nước” được xác định là nội dung có ý nghĩa to lớn, tiếp
tục khẳng định mục tiêu của đổi mới chính sách BHXH cũng như làm sâu sắc thêm
bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó lấy phát triển kinh tế
làm tiền đề để thực hiện phát triển toàn diện con người, vì con người, hướng
tới phát triển bền vững, vì mục tiêu “dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Để thực hiện cải cách về chính sách BHXH,
Nghị quyết đã xác định 11 nội dung cải cách. Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu
thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã
hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm
xã hội trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương
quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh
lương hưu theo hướng chia sẻ… Những điểm mới quan trọng trong Nghị quyết như: mở rộng diện bao
phủ, thu hút toàn dân tham gia BHXH; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng
với ba hình thức được xác định
(trợ cấp hưu trí xã hội; Bảo hiểm xã hội cơ bản; Bảo hiểm hưu trí bổ sung) đã
cho thấy tính rộng khắp, đa tầng của BHXH đối với các tầng lớp dân cư. Trong đó
hướng tới việc “giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” đối với những
người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng từ ngân sách nhà nước là một
quan điểm đầy tính nhân văn. Đồng thời, một số quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, điều kiện thời gian
(giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20
năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm); Điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền
lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo
hướng chia sẻ… cũng hướng tới mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của con
người.
Có thể thấy rằng, BHXH
là một trong những chính sách xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm
hướng tới phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân,
nhất là người lao động. Vì vậy, để quán triệt và thực hiện Nghị quyết một cách thiết thực, hiệu quả, cấp ủy Đảng các cấp trong Quân đội cần
làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng nhận thức; đẩy mạnh đột phá
về thực hiện chính sách tiền lương, tiền công, chế độ thai sản, an dưỡng… BHXH
mang một ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sự
phát triển toàn diện của mỗi cá nhân khi tham gia đóng BHXH, vì vậy từng cá
nhân hãy thực hiện theo đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân khi tham gia
BHXH; Tích cực tham gia đấu tranh với các luận điệu sai trái trong
việc thông tin, tuyên truyền về đường lối công tác cán bộ, chính sách tiền
lương, bảo hiểm xã hội của Đảng, góp phần giữ vững trận địa chính trị vững chắc
trong lòng nhân dân./.
YÊN CHI
Nhận xét