NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG CHỐNG MỘT SỐ NGUY CƠ ĐỐI VỚI AN NINH KINH TẾ CỦA VIỆT NAM TRƯỚC CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ – TRUNG
An ninh kinh tế là một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia. Hiểu
một cách khái quát, an
ninh kinh tế là một khái niệm chỉ rõ
việc đảm bảo cho mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia
luôn được ổn định, đúng hướng.
Ngày 6/7/2018, hai nền
kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào cuộc chiến thương mại khi quyết định của chính quyền Tổng thống Donald
Trump áp thuế suất 25% với 818 hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực và
Trung Quốc lập tức đáp trả bằng mức thuế tương tự với 545 sản phẩm nhập khẩu từ
Mỹ. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xảy ra,
chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia khác. Việt Nam là một
nền kinh tế đang phát triển, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, việc hai
đối tác lớn, trong đó có đối tác ở tầm chiến lược toàn diện xung đột kinh tế
với nhau sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Biểu
hiện:
Một là: Nền kinh tế đối mặt với những
bất ổn về thị trường xuất, nhập khẩu.
Theo dự báo của
Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, tốc độ tăng trưởng kinh
tế của Việt Nam sẽ giảm 0,3 % vào năm 2019 và giảm mạnh hơn trong các năm tiếp
theo. Nguyên nhân là khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn ra và chưa có
hồi kết thì thị trường của hai nước này bị hạn chế lẫn nhau, do đó chính phủ
hai nước sẽ tìm cách tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường khác, trong đó có Việt
Nam. Đứng trước bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ
và Trung Quốc như hiện nay sẽ có những tác động đến hoạt động thương mại của Việt
Nam với hai quốc gia này. Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu
rộng, cuộc chiến này sẽ gây những khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam khi
mà các nước này thực hiện giải pháp tăng tiêu dùng hàng nội địa. Việc cạnh
tranh sẽ vô cùng khốc liệt và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hàng hoá của Việt Nam khi
muốn nhập khẩu được vào hai quốc gia này. Do đó, nguy cơ Việt Nam sẽ bị giảm thị phần xuất khẩu vào hai thị trường lớn
(Trung Quốc, Mỹ). Đồng thời, cùng với chính sách tăng tiêu dùng nội địa,
chính phủ Mỹ và Trung Quốc sẽ có những biện pháp mở rộng tìm kiếm thị trường
xuất khẩu mới với những ưu đãi đặc biệt. Khi có sự cạnh tranh của hàng hóa
Trung Quốc, Mỹ thì hàng hóa Việt Nam trên thị trường các nước khác sẽ thực sự
khó khăn trong việc cạnh tranh về chất lượng, nguy cơ mất thị phần, nguy cơ bị
đào thải là rất lớn, điều đó sẽ kéo theo nguy cơ giảm thị phần xuất khẩu ở
một số thị trường khu vực và quốc tế.
Không
những thế, khi một số hàng hóa lớn của Trung Quốc được nhập vào, trước sự tác
động của kinh tế thị trường, đề cao lợi ích trước mắt của một số doanh nghiệp
trong nước thì nguy cơ hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam để xuất sang
Mỹ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại hai chiều Việt – Mỹ.
Nếu không cẩn thận, Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế thậm chí, cấm không
xuất khẩu sang thị trường Mỹ nữa.
Hai là: Những nguy cơ bất ổn về an
ninh tài chính – tiền tệ
Các chuyên gia kinh tế của Tạp chí Bloomberg Economics (Singapore) nhận định:
“Khi mà rủi ro chiến tranh thương mại đang trở thành hiện thực, điều đó đồng
nghĩa với xuất khẩu sẽ gặp khó. Hoạt động đầu tư từ trước đó đã chịu tác động
tiêu cực bởi chính sách tiền tệ thắt chặt đến nay nhiều khả năng sẽ chịu nhiều
hệ quả xấu”. Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cũng cho rằng,
cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu
mà còn ảnh hưởng tới bản quyền công nghệ, chính sách tín dụng, cơ cấu kinh tế…
Một chiều
hướng của sự ảnh hưởng đó là tác động từ dòng vốn FDI tăng mạnh trong điều kiện
các nước sẽ chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam là một vấn đề được
cảnh báo. Nếu Chính phủ không quản lý tốt dòng vốn này có thể gây những bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, bong bóng
bất động sản, sức ép lên hệ thống tài chính ngân hàng; tình trạng nhập công nghệ
lạc hậu…
Cùng với đó, sức ép
tăng lãi suất đồng USD của Mỹ và giảm giá đồng NDT của Trung Quốc sẽ cùng hợp
lực làm tăng sức ép lên tỷ giá VND. Sức ép giảm giá VND (tăng tỷ giá đối với đồng
USD) sẽ gia tăng cùng chiều với sự gia tăng nhập siêu và khan hiếm ngoại tệ,
cũng như quy mô dòng chảy ngược USD ra ngoài biên giới trước sức hút chênh lệch
lãi suất huy động đồng USD của Việt Nam. Nếu Chính phủ Việt Nam kéo dài xu
hướng ổn định tỷ giá (tức làm tăng giá trị danh nghĩa VND), sự bất lợi về xuất
khẩu của hàng Việt sẽ đậm nét hơn và sức cản thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam
cũng sẽ lớn dần lên. Còn nếu buộc phải tăng tỷ giá (tức giảm giá trị VND) thì
áp lực lạm phát trong nước sẽ là thách thức lớn nhất của những tháng cuối năm
2018, trong bối cảnh sức ép lạm phát chi phí đẩy và lạm phát tiền tệ trong nước
giữ nguyên, thậm chí còn tiếp tục gia tăng cùng quá trình tăng tốc tự chủ tài
chính theo lộ trình đã định.
Như vậy, dù muốn hay không, nền kinh tế
Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các
nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục lan rộng, thì đấy sẽ không
còn là cuộc chiến về kinh tế nữa, mà thực chất sẽ là một cuộc đối đầu cả về
chính trị lẫn quân sự để tái xác định vị thế siêu cường số một của Hoa Kỳ. Khi
cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường diễn ra thì bên nào cũng muốn lôi kéo
Việt Nam về phe mình. Và khi đã bị “lôi kéo” về một bên thì Việt Nam sẽ phải hứng
chịu những đoàn trừng phạt về kinh tế tương tự như một bên siêu cường đối địch.
Chính vì vậy, Chính phủ cần có những quyết sách phù hợp, kịp thời để hạn chế
tối đa những tác động trái chiều của cuộc chiến này. Theo đó: Chính phủ cần điều chỉnh tỷ giá một cách thận
trọng với chính sách mềm dẻo, sử dụng đồng bộ
các biện pháp và công cụ quản lý tài chính - tiền tệ khác; Tăng cường
vai trò quản lý Nhà nước và các Bộ, ngành chức năng để xây dựng hàng rào kỹ
thuật, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, tăng cường phòng
chống buôn, nhập lậu hàng hóa; Chú trọng đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nâng
cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; Tiếp tục
thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế quốc tế,
nâng cao chất lượng thực hiện các cam kết thương mại thế hệ mới, chủ động phòng
ngừa, ngăn chặn chi phối dưới mọi hình thức của một quốc gia hay khối kinh tế
lên nền kinh tế Việt Nam./.
YÊN CHI
Nhận xét