NHẬN DIỆN ĐÚNG TÌNH TRẠNG “LỖ ẢO” TẠI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
Sau hơn 30 năm thực hiện Luật đầu tư nước
ngoài (1987) đã minh chứng cho sự đóng góp tích cực của đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) đối với đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhìn lại chặng
đường hơn 30 năm đã đi qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta
đã không ngừng được mở rộng và phát triển, tạo động lực cho tiếp thu công nghệ,
chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lao động cho phù hợp với xu thế hội
nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh
tế, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Song thực tế cũng chỉ ra
rằng hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang bộc lộ những mặt trái của
mình như: ô nhiễm môi trường, lợi ích người lao động bị vi phạm, lợi dụng sự
yếu kém trong quản lý của địa phương trong quản lý, xét duyệt, kiểm tra, giám
sát dự án để chuyển giao công nghệ lạc hậu cũng như chuyển giá... gây ảnh hưởng
xấu đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Đáng chú ý trong nhiều năm tình
trạng các doanh nghiệp (DN) FDI liên tục có tình trạng báo cáo lỗ, mất vốn nhưng vẫn mở rộng đầu tư là tình hình
đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong
suốt thời gian vừa qua. Thực trạng này đang đặt ra vấn đề cần nhận diện đúng
tình trạng báo “lỗ ảo” nhằm phá hoại nền kinh tế nước ta. Vậy hiểu thế nào là
“lỗ ảo” nhằm chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp nước ngoài?
Thứ nhất, thông qua các giao dịch liên kết, thể hiện dưới nhiều hình thức
như: công ty mẹ ở nước ngoài bán nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc cho công ty
con với giá cao hơn thị trường làm tăng chi phí, tăng khấu hao tại công ty con
hay công ty con ở Việt Nam thực hiện gia công, bán hàng hóa, dịch vụ cho công
ty mẹ với giá thấp hơn thị trường, hạch toán vào chi phí tại Việt Nam một số
khoản mục về quảng cáo, tiếp thị, nghiên cứu, mở rộng thị trường, chi phí lãi
vay... mà thực chất các khoản chi phí này phải do công ty mẹ tại nước ngoài
trang trải. Mục đích của các giao dịch nêu trên là nhằm tối thiểu hóa việc phát
sinh thu nhập chịu thuế tại Việt Nam. Hậu quả gây thất thu lớn cho ngân sách
nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, làm suy giảm hiệu lực quản
lý nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương kêu gọi đầu tư để phát triển
kinh tế, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu của quốc gia…
Hai là, hình
thức khai khống quy mô vốn mà biểu hiện của nó là khi đăng ký đầu tư, DN FDI
thường kê khai số vốn rất lớn để làm dự án thật hoành tráng. Tuy nhiên, không
phải toàn bộ số vốn đó đều được họ mang tiền mặt vào mà phần lớn dùng để nhập
khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ cho sản xuất. Chỉ một phần rất nhỏ vốn được
dùng để mua nguyên vật liệu trong nước và trả lương cho người lao động. Đây
cũng là lý do vì sao vốn FDI thu hút tỉ lệ thuận với thâm hụt thương mại. Điều
đáng nói ở đây là giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ thường bị kê khai khống
lên khiến cho việc xác định quy mô vốn đầu tư đăng ký thường không đúng. Khi
giá trị tài sản, thiết bị được kê khai cao thì việc trích khấu hao tài sản cũng
sẽ lớn, tạo "lá chắn thuế", tức làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp của
DN. Ngoài ra, còn có hình thức tăng vay nợ và chi phí trả lãi, mua nguyên vật
liệu đầu vào với giá cao, mua bản quyền công nghệ, phát minh sáng chế dù đã có
sẵn công thức sản xuất và trả các chi phí cao khác...
Ba là, hiện tượng doanh
nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao của các địa phương như tiền thuê
đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để thực hiện chuyển giá,
chuyển lợi nhuận. Đây là
một hiện tượng chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận
doanh nghiệp FDI để được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh
nghiệp và thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua
tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn sở hữu (ROE) bình quân của doanh nghiệp
FDI trong một số ngành của các năm qua luôn duy trì mức rất cao như: Linh kiện
điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi; Viễn thông, phần mềm luôn trên 30%
Đầu tư
trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá là có tiềm năng
và cơ hội phát triển rất lớn trong tương lai. Song, sự phát triển ấy đạt được ở
mức độ nào, quy mô và trình độ ra sao, bền vững hay không bền vững phụ thuộc
phần lớn vào ý chí chủ quan của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thông qua cơ chế kiểm
soát để hạn chế doanh nghiệp FDI lỗ luỹ kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu
tư mở rộng để hưởng ưu đãi thuế...Vấn đề cơ bản, quan trọng nhất hiện nay là phải giữ vững định hướng
XHCN trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, làm cho những
tác động ngược chiều của nó luôn nằm trong tầm kiểm soát và mỗi bước phát triển
của nó đều góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà toàn
đảng, toàn dân ta đã đề ra, làm cho kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng hội
nhập sâu hơn vào nền kinh tế đất nước, khu vực và thế giới.
NGA NGUYỄN
Nhận xét