NGUYÊN TẮC CỦA GIÁO DỤC KHÔNG CHỨA ĐỰNG SỰ LĂNG MẠ NGƯỜI THẦY


Cùng với lịch sử phát triển của ngành giáo dục thì vấn đề giáo dục qua các thời kỳ vẫn luôn là một trong những vấn đề được đầu tư nhiều, được bàn nhiều và do đó có thay đổi nhiều. Song có lẽ chưa bao giờ vấn đề giáo dục và cải cách giáo dục lại được bàn nhiều, nói nhiều như thời gian qua. Từ những nhà chuyên môn đến các bậc phụ huynh đến phần đông người người trong xã hội đều bàn đến chữ viết và công cuộc cải cách tiếng Việt. Đâu đâu người ta cũng nói về cách đọc, cách đánh vần những chữ nghe lạ lạ quen quen mà người nghe đôi khi không thể hiểu rằng mọi người đang viết cái gì, đang đọc nội dung gì.
Mọi việc bắt đầu khi công trình Cải Tiến Chữ Viết Tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) được công bố trên các phương tiện thông tin đã trở thành tâm điểm tranh cãi. Từ một bài nghiên cứu đăng trong kỷ yếu của một hội thảo về ngôn ngữ, sau khi đăng tải trên báo chí đã thổi bùng làn sóng chỉ trích, “ném đá”, bình luận dữ dội. Nhiều người sáng tác những bài văn, bài thơ bằng bảng chữ cái cải tiến. Rất nhiều clip viết sai, đọc sai một cách có chủ đích theo bảng chữ cái cải tiến, nhằm làm xấu ngôn ngữ Việt. Sự việc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì việc có thông tin sau quá trình thẩm định đánh giá, căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ giáo dục của tác giả GS. TSKH Hồ Ngọc Đại trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Đó là phương pháp giáo dục với cách tiếp cận hình khối để giúp học sinh hiểu về "tiếng" trước khi nhận mặt chữ.
Điều này lại tiếp tục thổi bùng lên cơn bão tranh cãi quanh cách sử dụng hình khối để giúp trẻ có thể hiểu được trong một câu nói, một câu thơ sẽ gồm có nhiều tiếng mà nhiều người đang hiểu đó là cách học tiếng Việt lạ. Điều đó làm cho làn sóng chỉ trích các công trình nghiên cứu và cả tác giả của các công trình ấy lên cao với rất nhiều những bình luận, lời nói, hành động thô bạo, hàm hồ xúc phạm cả lăng mạ những nhà khoa học hàng đầu về ngôn ngữ của nước ta, những con người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu và cống hiến cho khoa học giáo dục. Xúc phạm nghiêm trọng những công trình tâm huyết của các nhà khoa học.
          Một việc hiển nhiên mà mọi người phải thừa nhận là mỗi khi có cái mới ra đời, bước đầu nó là cái yếu và nhất là khi cái cũ còn tồn tại còn ăn sâu bám rễ trong tư tưởng và suy nghĩ của nó sẽ có sự xung đột nhất định với cái cũ. Sẽ gây ra những tranh luận giữa những luồng tư tưởng ủng hộ cái mới và bảo vệ cái cũ, điều đó là không tránh khỏi. Tuy nhiên, mỗi người khi ủng hộ một điều gì phải biết vì sao mình ủng hộ. Cũng như thế mình phản đối một vấn đề gì phải hiểu vì sao phản phản đối và phản đối bằng cách nào. Ai cũng phải thừa nhận sức mạnh của dư luận là rất lớn dù phản đối hay ủng hộ thì dư luận mà nhất là các trào lưu dư luận trên mạng xã hội đều góp phần quảng bá, lan truyền vấn đề mà nó đề cập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông cáo báo chí liên quan đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền. Bộ có quan điểm trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đề xuất của thầy Hiền đáng được ghi nhận vì đó là nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Dưới góc độ chuyên môn, một số chuyên gia ngôn ngữ nêu quan điểm đổi mới là cần thiết nhưng đối với chữ viết, sự ổn định là cần thiết hơn. Bởi vì, chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa và có đủ lý do để tồn tại. Đó là chưa kể, để tránh được phần nào sự đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ thì phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”. Chữ viết là thứ ngôn ngữ dùng để diễn đạt một cách đầy đủ, rõ ràng tất cả những quy tắc ứng xử, những tư tưởng, tình cảm của tổ chức, cá nhân trong giao tiếp giữa con người với con người, giữa cá nhân với xã hội. Bên cạnh đó, việc thay đổi chữ viết sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề khác và có tác động không nhỏ đến xã hội.
Không những thế, việc tẩy toàn bộ bảng chữ cái cũ và giáo dục lại bảng chữ cái mới cho toàn dân là hoàn toàn không khả thi. Nhất là khi ngành giáo dục đang có bao nhiêu việc cần phải bàn và thực hiện như học phí, thi cử, chương trình phổ thông tổng thể. Trong suốt hơn một trăm năm có bao nhiêu ủy ban, hội nghị, đề xuất của cá nhân và tổ chức nhưng nhìn chung chữ quốc ngữ cơ bản vẩn ổn định: Chữ quốc ngữ vẫn cơ bản không thay đổi. Vì nhiều lý do và cái giá để thay đổi lớn quá, cả về kinh tế, chính trị lẫn văn hóa xã hội.
Bản thân tôi cũng là một phụ huynh có con được học theo chương trình công nghệ giáo dục, đồng thời cũng là người giáo viên. Với sự hiểu biết của tôi về chương trình công nghệ giáo dục của tác giả thầy Hồ Ngọc Đại và công trình của thầy Bùi Hiền. Tôi nhận thấy các nghiên cứu ấy đều rất công phu, tâm huyết và có rất nhiều ưu điểm. Nhất là công trình của thầy Hồ Ngọc Đại. Thích hay không thích, phản đối hay tán thành đó là quyền là suy nghĩ riêng của từng phụ huynh của từng cá nhân. Sự lo lắng cho sự nghiệp giáo dục của con em mình là có cơ sở. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh đừng phản ứng kiểu nóng vội thái quá, đừng lo mấy hình tròn, hình vuông, hình tam giác làm hỏng con em mình. Có thể chính thái độ tiêu cực đối với cái mới, lời nói thô lỗ sự hàm hồ của chính phụ huynh mới làm hỏng cuộc đời con trẻ. Hỏng cả trí tuệ lẫn nhân cách của thế hệ tương lai.
                                                                                HỒNG QUÂN

Nhận xét

Thái Sơn đã nói…
bài viết rất có ý nghĩa

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC