BÀI HỌC TỪ SỰ “ĐỔI MÀU”
Cái
tên Phạm Chí Dũng không hề xa lạ trong giới “dân chủ”. Từ một Tiến
sĩ kinh tế, 20 năm là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1993-2013) và
là cán bộ tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, năm
2013 Phạm Chí Dũng tự viết đơn xin ra khỏi
đảng. Cũng từ đây, thay vì nối tiếp
truyền thống gia đình, Phạm Chí Dũng đã tự chuyển hoá, trở thành một đối tượng
cơ hội chính trị nguy hiểm.
Năm
2012, khi vẫn công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí
Minh, Phạm Chí Dũng đã bị bắt khẩn cấp vì bị tình nghi biên soạn tài liệu nhằm lật
đổ chính quyền nhân dân. Năm 2015, Phạm Chí Dũng bị bắt lần hai với tội danh
tương tự nhưng sau đó được thả ra. Phạm
Chí Dũng thường xuyên viết bài, trả lời phỏng vấn của các báo, đài nước ngoài
như Việt Tân, BBC, RFA… với những nội dung sai lệch tình hình thực tiễn, vu
khống, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Phạm
Chí Dũng và đồng bọn đã tự lập nên cái gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Đồng thời, Phạm Chí Dũng cũng tham gia xây dựng nội dung, điều hành trang mạng
Việt Nam thời báo – một trang mạng có nhiều bài viết sai lệch thực tế về tình
hình kinh tế, chính trị của đất nước. Đánh vào tâm lý tò mò của quần chúng,
Phạm Chí Dũng thường xuyên viết những bài có màu sắc “thâm cung bí sử” về giới
chính trị và lồng ghép trong đó những quan điểm, tư tưởng, nội dung sai trái,
gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người đọc, chẳng hạn như “Bị xóa cấp
tổng cục, Bộ Công an thất thế nặng nề trước Bộ Quốc phòng?”, “Thư kiến nghị
hoãn phê chuẩn EVFTA và IPA”, “Vì sao EVFTA không được kí kết vào cuối năm 2018”, hay “Dầu cạn kiệt đếm ngược tuổi thọ chế độ”... Ông ta lợi
dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để sản xuất, đăng tải nhiều bài viết
có nội dung kích động chống đối, công kích Đảng, Nhà nước, xuyên tạc bản chất
chế độ. Tần suất viết bài diễn ra một cách liên tục, Thông qua đó đã xâm phạm
đến những lợi ích chung của cộng đồng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an
ninh, chính trị của đất nước.
Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Phạm Chí Dũng
bị Cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bắt tạm
giam về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu,
vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
theo Điều 117 - Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Việc khởi tố, bắt tạm giam bị can Phạm Chí Dũng tuân thủ
đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hiện nay, cùng với việc tích cực điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của Phạm
Chí Dũng, cơ quan chức năng đang tích cực củng cố hồ sơ, cung cấp thông tin về
vụ án để mọi người biết và hiểu rõ bản chất vấn đề, tránh tình trạng đưa tin
xuyên tạc sự thật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
Từ
bài học của Phạm Chí Dũng, một lần nữa cho chúng ta thấy được sự nguy hiểm khi
cán bộ, đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hoá. Từ một người sinh ra và lớn lên
trong gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân lại được đào tạo bài bản, có
học vị tiến sĩ kinh tế; 20 năm là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng chỉ
vì không tự nhận thức đúng giá trị của “dân chủ”, đã rơi vào tinh trạng suy
thoái tư tưởng chính trị, biến chất, “tự diễn biến” quay sang chống phá chế độ,
tính chất nguy hiểm rất khó lường. Đây là mầm mống của những nguy cơ đe dọa đến
sự tồn vong của chế độ cần thiết phải loại trừ. Sự nguy hiểm của Phạm Chí Dũng
còn đáng bàn ở một khía cạnh khác, đó là khi cán bộ, đảng viên từng giữ các vị
trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước thoái hoá, biến chất, có hành động chống phá đất
nước, chống đối chế độ thì hậu quả để lại nặng nề hơn nhiều bởi sự chống đối
diễn ra vô cùng tinh vi, tiếng nói của số này cũng gây chú ý của dư luận nhanh
hơn.
Việc
khởi tố, bắt tạm giam bị can Phạm Chí Dũng về tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc
tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
là bài học cảnh tỉnh cho mọi cán bộ,
đảng viên, nhất là những kẻ có âm mưu “trở cờ”, suy thoái chính trị tư tưởng,
tự diễn biến, tự chuyển hoá, trở thành tay sai cho các thế lực thù địch. Đó
cũng là minh chứng khẳng định giá trị cốt lõi của những nội dung quan trọng
trong công tác xây dựng Đảng, phòng chống biểu hiện suy thoái tư tưởng chính
trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương
4 khoá XII của Đảng nêu lên.
YÊN CHI
Nhận xét