KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN THỰC TẾ DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM


Đến hẹn lại lên, cứ mỗi năm Tổ chức Theo dõi nhân quyền ((Human Rights Watch - HRW) có trụ sở tại New York (Mỹ) lại tung ra một bản báo cáo dày cộp về những vấn đề mà tổ chức này tuyên bố là cập nhật và đánh giá tình hình nhân quyền thường niên của hàng trăm quốc gia trên khắp thế giới. Trong những báo cáo thường niên này, HRW luôn tự khoác lên mình chiếc áo quan tòa để cho mình cái quyền mặc sức rao giảng, đánh giá, phán xét về các vấn đề dân chủ, nhân quyền của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Trong bản “Báo cáo Thế giới” năm 2019 dày 652 trang đưa ra mới đây, HRW lại một lần nữa đưa ra những thông tin cũng như những nhận định hoàn toàn sai trái về vấn đề dân, chủ nhân quyền tại nước ta. Trước đó, HRW đã nhiều lần đưa ra những thông tin thiếu khách quan, sai lệch, sai trái, bịa đặt nhằm phủ nhận thành quả, bôi nhọ bức tranh dân chủ, nhân quyền Việt Nam. 
 Trước hết, cần khẳng định ngay rằng ở Việt Nam hoàn toàn không có những người gọi là “nhà hoạt động chính trị và bất đồng chính kiến” bị bắt giữ và xét xử mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt giữ, truy tố và xét xử theo đúng quy định luật pháp hiện hành - những điều khoản luật pháp theo đúng những nguyên tắc phổ quát luật pháp quốc tế, được quốc tế thừa nhận rộng rãi và công nhận. Nói cách khác, những đối tượng bị bắt giữ và xét xử là những kẻ vi phạm pháp luật hiện hành, chứ hoàn toàn không có cái gọi là những “nhà hoạt động chính trị và bất đồng chính kiến” như HRW cố tình thông tin lập lờ, xuyên tạc để từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định sai trái về vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, việc đảm bảo quyền con người là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế. Nỗ lực của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Hiến pháp 2013 chỉ rõ “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”
Cũng cần nói thêm là Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền dân chủ, quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... Điều 25, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện cả nước có khoảng 20 nghìn nhà báo được cấp thẻ hành nghề, hơn 700 cơ quan báo in, khoảng 70 đài phát thanh và truyền hình trung ương và cấp tỉnh, hơn 80 báo điện tử và hàng nghìn trang điện tử... 
Ở Việt Nam, các công dân ngày càng được tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại, nhất là Internet, nhằm nâng cao sự hiểu biết và đời sống tinh thần cũng như thể hiện quyền tự do ngôn luận. Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, với gần 70 triệu người dùng internet. Hiện khoảng 70% người dân Việt Nam có thể tiếp cận Internet hàng ngày, không chỉ để phục vụ sinh kế, học tập, giải trí mà còn để trực tiếp thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật.
Rõ ràng, những việc làm của HRW do vậy đã vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về việc nghiêm cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia độc lập có chủ quyền; quy định về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác được đề cập trong các điều ước quốc tế của Hiến chương Liên hợp quốc. Nghị quyết số 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc một lần nữa khẳng định lại cụ thể và rõ ràng hơn nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia trên thế giới. Theo đó, nghi rõ: Không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào khác. 
GIANG ĐÔNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC