CẦN HIỂU ĐÚNG VỀ TƯ TƯỞNG “XOÁ BỎ CHẾ ĐỘ TƯ HỮU” TRONG TÁC PHẨM TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN


Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C. Mác và Ăngghen soạn thảo từ tháng Chạp năm 1847 đến tháng giêng năm 1848 hoàn thành và in thành sách riêng ở Luân Đôn vào tháng 2/1848. Tác phẩm ra đời đánh dấu sự hình thành về cơ bản hệ thống lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự chín muồi của chủ nghĩa xã hội khoa học và là tuyên bố về sự cáo chung của các trào lưu xã hội chủ nghĩa không tưởng trước Mác. Đồng thời là cương lĩnh chính trị đầu tiên đánh dấu sự phát triển mới về chất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Một trong những tư tưởng vĩ đại, mang giá trị nhân văn cao cả trong tác phẩm đó là: “ Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu”2. Mặc dù tư tưởng này không được C.Mác và  Ph.Ăngghen trình bày thành chương mục riêng trong tác phẩm nhưng đây là tư tưởng rất cơ bản và quan trọng của lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Nghiên cứu hiểu sâu sắc và nhận thức đúng đắn trên không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt nhận thức luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong việc vận dụng sáng tạo vào xây dựng quan hệ sản xuất mới XHCN, đồng thời đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, phản khoa học xung quanh vấn đề này.
Chế độ sở hữu là vấn đề cơ bản và quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin coi việc xoá bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là đặc trưng cơ bản trong cuộc cách mạng xã hội - xã hội chủ nghĩa. Trong tác phẩm “ Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, C.Mác và Ăngghen một lần nữa khẳng định: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm chung nhất là: Xoá bỏ chế độ tư hữu”2.Vậy hiểu tư tưởng nêu trên của Mác và Ăngghen về “xoá bỏ chế độ tư hữu” thế nào cho đúng? Tư tưởng đó phải chăng là một ý tưởng chủ quan duy ý chí của những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản?
Trước hết, cần khẳng định rằng tư tưởng “xoá bỏ chế độ tư hữu”, không phải là ý muốn chủ quan duy ý chí của Mác và Ăngghen mà là một kết luận hết sức khoa học, có cơ sở khách quan từ quy luật vận động, phát triển tất yếu của xã hội loài người. Ở đây cần nhấn mạnh điều mà C. Mác và Ăngghen đã viết “tất cả mọi xung đột trong lịch sử đều bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa những lực lượng sản xuất và hình thức giao tiếp (quan hệ sản xuất)”1. Lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và mối quan hệ giữa chúng là phạm trù trung tâm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, là chìa khoá để giải mã các vấn đề xã hội hiện thực. Mâu thuẫn giữa LLSX với QHSX trong nền sản xuất TBCN, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản là lực lượng thống trị xã hội tư bản, nắm toàn bộ các tư liệu sản xuất của xã hội. Vì thế, nó trở thành điều kiện, công cụ để tư bản bóc lột và thống trị, giai cấp vô sản là những người không có tư liệu sản xuất phải làm thuê cho bọn tư bản. Song lại là giai cấp đại diện cho một nền sản xuất tiên tiến và triệt để cách mạng nhất, được sản sinh ra từ nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa. Và như vậy giai cấp vô sản phải là người có sức mệnh xóa bỏ sở hữu tư sản để giành lấy những lực lượng sản xuất xã hội, đó là con đường duy nhất để giải phóng mình khỏi ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản.
Ngày nay ở các nước tư bản phát triển, trong nhiều công ty tư bản chủ nghĩa đó xuất hiện sở hữu của người lao động. Người công nhân có cổ phần của mình trong công ty. Đó là hiện tượng có thật không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cần thấy rằng tất cả các hiện tượng đó đều nằm trong khuôn khổ là sự điều chỉnh và thích nghi của chủ nghĩa tư bản. Về bản chất của chế độ TBCN, của quan hệ sản xuất tư bản vẫn không hề thay đổi, vẫn là chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến áp bức bóc lột lao động làm thuê của giai cấp công nhân, là cơ sở điều kiện để nô dịch, áp đặt dân tộc khác. Vì vậy, muốn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, thì giai cấp công nhân phải lựa chọn việc thủ tiêu chế độ tư hữu là tất yếu khách quan.
Xoá bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu là một quan điểm cơ bản trong các học thuyết xã hội chủ nghĩa trước Mác, đặc biệt là trong CNXH không tưởng Pháp với tính cách là một nguồn gốc của chủ nghĩa Mác. Từ đó có người cho rằng các tác giả của Tuyên ngôn vẫn chưa thoát khỏi tính chất không tưởng trong quan niệm về chế độ sở hữu của CNXH. Thực tế, quan niệm về xoá bỏ chế độ tư hữu của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản hoàn toàn khác với CNXH không tưởng. Hai ông nhấn mạnh, không thể xoá bỏ chế độ tư hữu ở bất kỳ trình độ phát triển nào của nền sản xuất xã hội theo ý muốn chủ quan của con người; những người cộng sản chỉ đặt ra cho mình nhiệm vụ xoá tư hữu bằng cách xoá bỏ sở hữu tư sản mà thôi. Và ngay cả khi nhiệm vụ đó được đặt ra thì việc xoá bỏ tư hữu cũng không thể thực hiện ngay lập tức được, mà phải làm dần dần, từng bước thích hợp. Trong những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Ăngghen viết: “Không, không thể được, cũng ý như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”1.
Như vậy, xoá bỏ sở hữu tư sản là sự sở hữu mà nhờ đó nhà tư bản có thể bóc lột được lao động làm thuê của người lao động và nó buộc người lao động “chỉ sống trong chừng mực mà giai cấp thống trị đòi hỏi”. Như thế, xoá bỏ chế độ tư hữu mà Tuyên ngôn đề cập, không có nghĩa là xoá bỏ sở hữu nói chung. Hình thức sở hữu mà những người cộng sản không chủ trương xoá bỏ là sở hữu cá nhân của người lao động. Trong thực tế lịch sử chế độ tư hữu ra đời từ sự phát triển của sở hữu cá nhân. Nhưng sự khác nhau giữa hai loại sở hữu đó thì rất rõ. Sở hữu cá nhân là, “sở hữu do cá nhân mỗi người làm ra, kết quả lao động của cá nhân”2; còn chế độ tư hữu lại là “phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia”3. Do đó, việc “xoá bỏ tư hữu” ở đây được quan niệm là xoá bỏ cả một chế độ tư hữu - chế độ tư hữu tư sản. Cái chế độ tư hữu gắn liền với sự bóc lột và thống trị của toàn bộ giai cấp tư sản đối với toàn bộ giai cấp công nhân. Trong các xã hội có dựa trên chế độ tư hữu, sở hữu cá nhân của một số ít người được phát triển bằng cách tước đi sở hữu cá nhân của đa số những người khác. Còn chủ nghĩa cộng sản làm cho “sở hữu cá nhân không còn có thể biến thành sở hữu tư sản được nữa”4. Tuy nhiên “chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”5.
Tóm lại, tất cả những vấn đề đã trình bày ở trên đã làm rõ tư tưởng “xoá bỏ chế độ tư hữu” trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Mặc dầu thời gian đã trải qua 172 năm, thực tiễn đã có nhiều thay đổi, song đến nay tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng chế độ XHCN nói chung và quá độ lên CNXH ở nước ta nói riêng. Việc “xoá bỏ chế độ tư hữu” là khách quan, là một quá trình cần có một thời kỳ quá độ, cần có những hình thức kinh tế trung gian quá độ và những bước đi thích hợp. Đảng và Nhà nước ta chủ trương đa dạng hóa các hình thức sở hữu, xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực hiện chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước... Các chủ trương trên là những hiện thực đã, đang và sẽ phát triển tích cực ở nước ta. Nhưng nó lại thể hiện giữa cái mâu thuẫn và cái thống nhất trong việc thừa nhận tư hữu để xoá bỏ tư hữu (dựng tư hữu để xoá bỏ tư hữu). Đó chính là những biện pháp, hình thức bước đi trong sự vận dụng hiện thực hóa tư tưởng “xoá bỏ chế độ tư hữu” ở nước ta, mà không trái với quy luật vận động của xã hội. Và cũng không trái với ý tưởng của C.Mác và Ăngghen. Vững tin vào tư tưởng soi đường của các nhà kinh điển, của Bác Hồ, của Đảng ta và vận dụng một cách đúng đắn sáng tạo vào thực tiễn đất nước. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng sự nghiệp xây dựng CNXH vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, đân chủ, công bằng, văn minh sẽ sớm thành công tốt đẹp.
NGUYỄN NGA

2 C. Mác và Ăngghen Sđd, tr. 616.
1 C. Mác và Ăngghen Sđd, Tập 3,tr. 51.
1 Sđd, Tập 4, tr. 469.
2 ,3 Sđd, Tập 4, tr. 616.
4 ,5 Sđd, Tập 4, tr. 618

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC