ĐẨY MẠNH SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TRƯỚC ÂM MƯU “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”




“Diễn biến hòa bình” - xét từ bản chất, là một chiến lược tổng hợp của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, với một hệ thống các quan điểm chỉ đạo chống phá phong trào cách mạng thế giới, được thể hiện thành các âm mưu, thủ đoạn tiến hành bằng con đường tiến công “phi vũ trang” là chủ yếu, chống phá, tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở các nước có định hướng phát triển theo những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội.
Với tư duy đổi mới, nhằm khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, quan trọng hơn là tạo tiềm lực bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng tiền đề vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa VII (1994), Đảng CSVN đã xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là nhiệm vụ kinh tế trung tâm của thời kỳ quá độ. Đó chính là quá trình đổi mới và nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ của nền kinh tế theo hướng hiện đại nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất; và trong quá trình đó, cần mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Nhưng đây cũng chính là một trong những mục tiêu trọng điểm chống phá Việt Nam, khi mà trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch xác định kinh tế là mũi nhọn.
Trong xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, sự hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế. Trên cơ sở quan điểm giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ hợp tác với nước ngoài, Đảng CSVN chủ trương mở rộng hợp tác, đầu tư. Xét từ góc độ tạo thế đan cài, ràng buộc lợi ích giữa các bên tham gia, Việt Nam có những thuận lợi quan trọng khi tiếp nhận các dòng vốn FDI, tiếp thu trình độ quản lý, khoa học công nghệ từ bên ngoài để tạo ra bước phát triển mang tính đột phá đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội đó, Viêt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá sự nghiệp CNH, HĐH.
Các chiến lược gia kinh tế phương Tây hiểu rất rõ rằng, để tiến hành CNH, HĐH, Việt Nam cần rất nhiều vốn, tri thức và công nghệ. Vì vậy, chiến lược “chi phối đầu tư” của các tập đoàn tư bản nước ngoài ở Việt Nam đã được triển khai thực hiện bằng nhiều thủ đoạn và biện pháp. Có thể nhận diện những thủ đoạn được các thế lực thù địch sử dụng trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá sự nghiệp CNH, HĐH ở Việt Nam như sau:
Một là: Tạo tình trạng lời thật, lỗ giả.
Các nhà tư bản nước ngoài tìm cách tạo ra các tình trạng thua lỗ giả tạo của các công ty liên doanh để ép Việt Nam bán lại cổ phần cho các công ty tư bản. Thông qua đó, hình thành các công ty 100% vốn của tư bản nước ngoài, tạo ra sự chảy máu nguồn vốn của Việt Nam từ chính các hiệp định hợp tác đầu tư, tiến tới thâu tóm toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình trạng chuyển giá cũng là một biểu hiện rõ nét của các nhà đầu tư nước ngoài cho việc thua lỗ giả tạo, nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế từ doanh thu “khủng” vào ngân sách nhà nước, đẩy lợi nhuận theo dòng chảy về nước, kéo theo đó là sự chèn ép đối với các doanh nghiệp trong nước.
Hai là: Chỉ đầu tư hoặc chuyển giao các công nghệ hạng thấp.
Đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ hiện đại là một tiêu chí quan trọng để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH. Tuy vậy, để giữ thế trong cạnh tranh, các công ty tư bản nước ngoài thường không chuyển giao những bí quyết công nghệ “gốc” cho chúng ta, họ chỉ bàn giao những công nghệ trung bình, lạc hậu đã qua sử dụng, hoặc thiếu đồng bộ. Thậm chí, cả những thiết bị đã hết khấu hao được tân trang lại và được tính với giá cao trong góp vốn liên doanh. Có một số dự án sản xuất, sử dụng công nghệ độc hại dễ gây ung thư đã bị cấm ở các nước.
Ba là: Chỉ đầu tư vào những địa bàn chiến lược, các lĩnh vực có cơ hội thu lợi nhuận cao.
Lợi nhuận cao, hoàn vốn nhanh là mục tiêu hàng đầu của các nhà tư bản nước ngoài. Chính điều này đã tạo ra tình trạng nhiều dự án FDI đăng ký sản xuất – kinh doanh song trên thực tế, các chủ đầu tư nước ngoài chỉ thực hiện “trung chuyển” hàng hóa dịch vụ từ nước mẹ chuyển sang hoặc chú trọng công nghiệp dịch vụ, nhà hàng khách sạn là những hướng được tập trung khai thác.. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội Việt Nam, nhất là gây mất cân đối cơ cấu sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, mặc dù quan điểm coi trọng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, cùng với Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nhưng các nhà tư bản nước ngoài lại rất thờ ơ với lĩnh vực kinh tế quan trọng này.
Bốn là: Lợi dụng các hiệp định hợp tác đầu tư đẩy mạnh sự “trục lợi” phá hoại sự ổn định của nền kinh tế.
 Thực tiễn cho thấy, nhiều công ty tư bản nước ngoài đã lợi dụng sự thiếu thông tin về thị trường và những hiểu biết còn hạn chế về pháp luật quốc tế, kinh nghiệm quản lý và những bất cập về năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ của các đối tác Việt Nam để tiến hành các hoạt động lừa đảo, gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế, gây rối loạn nền kinh tế, tạo sức ép trong nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Để làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, điều quan trọng hàng đầu là ở tất cả các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế đều phải nhận thức rõ âm mưu của các thế lực thù địch; nhất quán quan điểm của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ quá trình CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức: “Đẩy mạnh CNH, HĐH, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN”. Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức và cách ứng xử đúng pháp luật, truyền thống dân tộc của nhân dân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trước những biểu hiện “gây hấn”, “tạo cớ” bạo loạn nhằm phá hoại mục tiêu CNH, HĐH đất nước.
                                                                                                                Anh Quỳnh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC