CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU “PHI CHÍNH TRỊ HÓA” QUÂN ĐỘI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG HIỆN NAY
Thủ đoạn “phi
chính trị hóa” quân đội là một chiêu bài, một âm mưu hết sức nguy hiểm, thâm
độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Xét về nội
dung tuy không mới, nhưng về thủ đoạn, cách thức tiến hành thì có sự thay đổi,
điều chỉnh so với trước. Chúng tung ra và cổ xúy cho luận điệu “quân đội phi
giai cấp”, “quân đội nhà nghề”, cho rằng quân đội chỉ là công cụ của Nhà nước,
chỉ có sứ mệnh bảo vệ quốc gia chống xâm lược, chứ không có quân đội nhân dân
và không thuộc một thể chế chính trị nào… Chúng triệt để lợi dụng việc nước ta
hội nhập, mở cửa để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng làm cho Quân
đội ta từng bước biến chất về chính trị, mất phương hướng và mục tiêu chiến
đấu. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đề cao cảnh giác, tích cực và chủ
động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của chúng.
Bằng cơ sở lý
luận và thực tiễn chúng ta có thể khẳng định rằng, trong xã hội có giai cấp,
bất kỳ quốc gia nào, dù thời chiến hay thời bình đều tổ chức ra quân đội để bảo
vệ chế độ chính trị và lợi ích của giai cấp cầm quyền. Bàn về xây dựng quân đội
kiểu mới của giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định: Về bản
chất, quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, nhà nước nhất
định, nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và nhà nước tổ chức, nuôi
dưỡng, sử dụng; quân đội được xây dựng theo đường lối, quan điểm chính trị của
giai cấp tổ chức ra nó. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ phương châm
xây dựng quân đội “người trước, súng sau”; “Quân sự mà không có chính trị như
cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Điều đó có nghĩa,
không có “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “phi đảng phái” như một
số kẻ vẫn rêu rao.
Trên thực tế,
bất kỳ giai cấp nào khi lên cầm quyền điều hành đất nước đều phải nhanh chóng
nắm lấy quân đội và sử dụng quân đội làm công cụ để bảo vệ quyền lợi của giai
cấp mình. Ngay cả ở các nước tư bản, về hình thức thể chế chính trị là đa
nguyên, nhưng thực chất vẫn là nhất nguyên, phục vụ quyền lợi của giai cấp tư
sản. Do đó, quân đội ở đó là công cụ bạo lực của nhà nước tư sản. Việc đòi hỏi
quân đội các nước XHCN chỉ phục tùng nhà nước, không phục tùng Đảng Cộng sản
(cầm quyền), về thực chất là tuyên truyền cho sự chuyển hóa lập trường chính
trị, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" đối với Quân đội
và trong xã hội. QĐND Việt Nam ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng của
quần chúng, được ĐCSVN tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; vì vậy, không
có mục tiêu chiến đấu nào khác là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, đem lại
cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Quân đội ta không chỉ mang bản chất
giai cấp công nhân mà còn mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Lịch sử hơn
70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta đã chứng minh rõ
điều đó, nên dù các thế lực có tìm mọi cách chống phá cũng không thể đảo ngược.
Để đấu tranh
làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội, vấn đề quan
trọng hàng đầu là phải thường xuyên chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về
chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân
đội, làm tiền đề nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của
QĐND. Đây chính là sức đề kháng, là sức mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu,
thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Đặc biệt, trong
bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cần tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ,
chiến sĩ nhận thức đúng về “đối tác”, “đối tượng” và tính chất đan xen của nó
để trên cơ sở đó xử lý tốt các tình huống, các mối quan hệ, nhất là trong hoạt
động đối ngoại. Cùng với đó, phải tiếp tục giáo dục nâng cao tinh thần cảnh
giác, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự ấm no,
hạnh phúc của nhân dân.
Sức mạnh chính
trị, tinh thần của Quân đội không phải là sức mạnh trừu tượng, mà là sức mạnh
vật chất, nó được biểu hiện cụ thể bằng khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ
vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Do đó, việc xây dựng Quân đội vững mạnh
về chính trị phải kết hợp chặt chẽ với nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ
sẵn sàng chiến đấu, khả năng làm chủ trang bị, vũ khí ngày càng hiện đại và
hiện đại, xử lý có hiệu quả mọi tình huống xảy ra. Để làm được điều đó, Quân
đội phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với
đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 8
(khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục quán triệt
và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Nghị
quyết 513-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương)
về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người
chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”;
tăng cường hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ; xây
dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, đội
ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công
tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, phải thực hiện tốt công tác bảo vệ
chính trị nội bộ; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”; các biện pháp giữ gìn an ninh quân đội, nhất là đối với các cơ
quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật, tích cực phòng, chống địch cài cắm, móc nối,
lôi kéo mua chuộc, dụ dỗ, kích động. Đồng thời, phải tăng cường công tác dân
vận và các mặt công tác khác nhằm đảm bảo cho Quân đội thực sự vững mạnh về
chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với
Quân đội, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Đấu tranh làm
thất bại âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội là trách nhiệm của cả hệ
thống chính trị, trước hết và trực tiếp nhất là QĐND. Dưới sự lãnh đạo của Đảng
mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy, chính ủy
(chính trị viên) các cấp, với trách nhiệm chính trị và sự đoàn kết, thống nhất
của CB,CS trong toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng, Quân đội sẽ hoàn thành tốt
nhiệm vụ quan trọng này, xứng đáng với truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với
dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm
vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”
mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng.
Nguyễn Văn
Nhận xét