CHẾ ĐỘ ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP KHÔNG PHẢI LÀ DẤU HIỆU CỦA DÂN CHỦ


Trong một xã hội dân chủ thì quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là điều đã được ghi nhận bằng những dòng trang trọng trong Hiến pháp của các quốc gia. Nhưng “nhân dân” là một khái niệm có nội hàm rộng, nó biến thiên cùng với sự phát triển của xã hội. Trong chế độ tư bản, mệnh đề “nhà nước của dân, do dân và vì dân” được ca ngợi như là nhà nước của tất cả mọi người dân sống trong một quốc gia - dân tộc; nhưng thực chất “nhân dân” ở đây chỉ là nhân dân tư bản, là giai cấp tư sản và các tầng lớp gắn liền với lợi ích của giai cấp tư sản. Xã hội tư bản lấy tự do cạnh tranh làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập. Các giai cấp có lợi ích khác nhau đều có quyền thành lập đảng chính trị của mình và được phép hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước tư sản. Trong xã hội ấy, các tập đoàn tư bản lũng đoạn khác nhau cũng thành lập ra các đảng chính trị để bảo vệ cho lợi ích của tập đoàn đó. Họ ra sức công kích lẫn nhau. Mỗi đảng đều đưa ra cương lĩnh tranh cử nhằm lôi kéo các tầng lớp dân cư mong chiếm được nhiều ghế trong các cuộc bầu cử quốc hội, giành chức vụ đứng đầu cơ quan hành pháp để đứng ra thành lập chính phủ.
Ở nước Mỹ có nhiều chính đảng, mỗi đảng đều đại diện cho lợi ích của những bộ phận dân cư khác nhau. Nhưng từ ngày thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776) tới nay, không đảng nào có đủ sức mạnh cạnh tranh với hai đảng (Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ) đại diện cho hai tập đoàn tư bản kếch xù. Thành thử lịch sử Nhà nước Mỹ, kể từ khi họ giành được độc lập tới nay, là lịch sử đấu tranh, giành giật giữa hai chính đảng mà kết cục là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền. Các chính đảng khác đều không đủ thế lực, đều lu mờ trước sân khấu chính trị rồi ngả về ủng hộ một trong hai đảng.
Cơ chế đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập được coi như là cơ chế dân chủ nhất, thích hợp nhất trong một xã hội mà quyền lực nhà nước được coi là trung tâm giành giật trên chính trường của các thế lực tư sản. Chừng nào trong xã hội còn sự cạnh tranh đối nghịch về lợi ích giữa các giai cấp, các tập đoàn tư bản thì chừng ấy cơ chế đa đảng còn có thể phát huy tác dụng. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng, mâu thuẫn giữa các đảng chính trị của các tập đoàn tư bản khác nhau thường không phải là mâu thuẫn một mất, một còn. Nói chung, về bản chất nó đều bảo vệ quyền lợi cơ bản của giai cấp tư sản đã được xác định trong Hiến pháp mà bất kỳ đảng nào cũng đều phải tuân theo. Các đảng ấy chỉ khác nhau về lợi ích cục bộ, còn về cơ bản nó vẫn thống nhất với nhau và khi cần phải bảo vệ lợi ích chung thì nó vẫn cố kết với nhau như bàn thạch. Do đó, dù có mâu thuẫn, nhưng cuối cùng, sau những ván bài chính trị, họ vẫn có thể nhân nhượng nhau, hợp tác với nhau, chia sẻ quyền lực cho nhau; thành ra cơ chế đa đảng, xét đến cùng thì bản chất vẫn là một, vẫn chỉ là đảng của giai cấp tư sản thay nhau nắm giữ quyền lực nhà nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 do Nguyễn ái Quốc sáng lập, tổ chức và rèn luyện với đường lối độc lập, tự chủ “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, dựa trên cơ sở đại đoàn kết dân tộc, nòng cốt là công nông và tầng lớp trí thức tiến bộ nhằm mục tiêu giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, mưu hạnh phúc cho toàn dân.
Năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, nền dân chủ cộng hòa được thành lập. Uy tín của Đảng trước dân tộc là tuyệt đối. Tuy vậy, vì lợi ích quốc gia, với chính sách đại đoàn kết dân tộc và trên tinh thần dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã kêu gọi tất cả các đảng phái, các nhân sĩ, trí thức, vua quan của chế độ cũ cùng hợp tác tham gia chính phủ liên hiệp lâm thời. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử nước nhà được tiến hành ngày 6-1-1946, hai đảng Việt Quốc và Việt Cách không đủ uy tín nên không dám tham gia ứng cử cùng Đảng Cộng sản đua tranh sòng phẳng, minh bạch trước một cuộc bầu cử dân chủ của toàn dân. Nhưng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng uy tín của mình, đã đề nghị Quốc hội dành 70 ghế cho hai đảng đó (không phải qua bầu cử). Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có uy tín cao trong nhân dân cũng tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường một số chức vụ quan trọng cho đại biểu hai đảng Việt Quốc và Việt Cách. Nguyễn Hải Thần đại diện cho Việt Cách đã được Hồ Chí Minh giới thiệu làm Phó chủ tịch; các bộ Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội, Canh nông do người của Việt Quốc và Việt Cách làm bộ trưởng. Như vậy, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, ngay từ buổi đầu đã thiết lập một nhà nước dân chủ và pháp quyền, chấp nhận một chế độ có nhiều đảng với một Chính phủ liên hiệp.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức, nhân dân, dân tộc là người thẩm định quang minh và chọn lựa sáng suốt các đảng chính trị, cũng như từng nhà chính trị. Trước sự thử thách ngặt nghèo của lịch sử dân tộc, lần lượt các đảng phái chính trị đối lập (Việt Cách, Việt Quốc) đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến, ngả theo các thế lực thù địch, cam tâm làm tay sai cho ngoại bang. Duy chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã dũng cảm, hy sinh, một lòng, một dạ vì độc lập, tự do của dân tộc, đã sáng suốt dẫn đường cho quốc dân đi, cùng nhân dân nếm mật, nằm gai và cuối cùng đã thu non sông về một mối. Chính quyền đã thuộc về nhân dân, nhân dân tự nguyện trao sứ mệnh đảng cầm quyền cho Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tiễn lịch sử đã minh, từ đầu thế kỷ XX tới nay, mặc dù có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng nhìn xuyên suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã “trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nhân dân tin tưởng, được nhân dân coi là đội tiên phong giác ngộ của mình. Đảng đã biết khơi nguồn lực lượng và sức sáng tạo của nhân dân không bao giờ cam chịu chế độ nô lệ và ách thuộc địa…”[1].
Sự nghiệp đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những thành tựu rất quan trọng. Đất nước vượt qua những thử thách ngặt nghèo, thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội sau thời hậu chiến, bước vào thời kỳ phát triển mới. Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân được xây dựng ngày một hoàn thiện; quyền dân chủ của nhân dân được mở rộng và củng cố; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thế giới đã nhìn nhận Việt Nam như là một đất nước của hòa bình, ổn định và phát triển, một đất nước là bạn với tất cả các nước trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và hợp tác hữu nghị.
Tất cả những gì Đảng đã làm đều vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân tín nhiệm và ủy thác sứ mệnh là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam ý thức rõ sứ mệnh của mình trước đất nước, tự thấy những hạn chế, khuyết điểm của mình nên đã tiến hành đổi mới và chỉnh đốn. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, mọi đảng viên của Đảng có nghĩa vụ đặt mình dưới pháp luật, tuân theo pháp luật. Đảng Cộng sản Việt Nam ý thức sâu sắc rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[2]. Chính vì vậy Đảng không giấu giếm khuyết điểm, kiên quyết không bao che cho những đảng viên, dù ở cương vị nào, có những hành vi làm ô danh Đảng, làm hại đến uy tín của Đảng với nhân dân. Những kẻ tham nhũng, ăn cắp của công, chợ đỏ chợ đen, lãng phí, vô trách nhiệm làm hư hao, thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân; những ai lo chạy chức, chạy quyền “cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia… lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công”[3]; những ai “giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ” đem bà con bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”[4]… đều phải chịu kỷ luật nghiêm khắc của Đảng và sự trừng trị công minh của pháp luật.
Đó là những việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang làm để giữ gìn Đảng thật trong sạch, vững mạnh, mãi mãi xứng đáng là người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

                                                                                                                    Nguyễn Thành

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 9, tr.112, 113.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr.672
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr.90
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr.90, 91

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC