“LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN” – LỜI HỊCH CỦA NON SÔNG



Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946 - 19/12/2015), nhưng âm hưởng hào hùng của lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam, mãi là lời hịch của non sông, một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử trong mọi thời đại, thể hiện ý thức sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và niềm tin vững bền về con đường cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, toàn thể quốc dân đồng bào đã nhất tề đứng dậy chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi đất nước trước lời hiệu triệu sục sôi hào khí “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc với chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Kế thừa hào khí chống giặc, giữ nước trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh “nghìn cân treo sợi tóc” bằng một quyết định quan trọng, một quyết định thể hiện sự lựa chọn của lịch sử vào ngày 19/12/1946 - Ngày toàn quốc kháng chiến.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, chính quyền cách mạng về tay nhân dân; nhân dân lao động đã trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc mình. Song, chính quyền cách mạng non trẻ đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế cách mạng lúc này mong manh như “nghìn cân treo sợi tóc” phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng lúc: Giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm.
Trong bối cảnh trên đất nước ta có nhiều quân nước ngoài chiếm đóng và mưu đồ xâm lược trở lại của thực dân Pháp, Bác Hồ và Đảng ta vừa kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc, vừa áp dụng nhiều sách lược mềm dẻo để vượt qua tình thế hiểm nghèo. Sách lược hòa hoãn, nhân nhượng với quân Tưởng đã làm thất bại âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ” của chúng để tập trung lực lượng chống Pháp. Sau đó, Hiệp định Sơ bộ 06/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 đã đẩy quân Tưởng về nước, hòa hoãn và nhân nhượng với thực dân Pháp để cố gắng duy trì hòa bình và có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến.
Nhưng thực dân Pháp xé bỏ Hiệp định Sơ bộ 06/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, lập chính phủ Nam kỳ tự trị, nhằm tách Nam bộ ra khỏi nước Việt Nam thống nhất; dùng quân sự đánh chiếm toàn Nam bộ và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Ngày 20/11/1946, quân Pháp chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, mở đầu kế hoạch lấn chiếm miền Bắc nước ta. Từ đầu tháng 12-1946 trở đi, tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn. Quân Pháp chiếm thêm Hải Dương, khiêu khích Hà Nội và nhiều nơi khác.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp yêu cầu tìm mọi cách cứu vãn hòa bình, tránh đổ máu. Người cũng gửi thư cho các nước Anh, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô và các nước thành viên Liên Hiệp Quốc nêu rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của mình. Nhưng mọi cố gắng đều vô hiệu, những nẻo đường hòa bình đều bị thực dân Pháp cắt đứt. Quân Pháp liên tục nổ súng vào nhiều nơi ở Hà Nội; đặc biệt gây ra cuộc tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và Yên Ninh.
Trong ngày 18/12/1946, thực dân Pháp gửi cho Chính phủ ta hai “tối hậu thư” thông báo: sẽ chiếm đóng Sở Tài chính và nhà viên Giám đốc Giao thông; phá hủy các công sự của ta; đảm nhiệm việc trị an Hà Nội chậm nhất sáng ngày 20/12/1946. Sáng sớm ngày 19/12/1946, Chính phủ ta lại nhận thêm “tối hậu thư” thứ ba của Pháp, trong đó quân Pháp đòi: tước vũ khí quân tự vệ Hà Nội; đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến; trao cho quân đội Pháp nhiệm vụ duy trì an ninh thành phố.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính phủ và nhân dân ta nỗ lực cứu vãn một nền hòa bình mong manh trong việc giải quyết mối quan hệ giữa Việt Nam với Pháp, bằng thiện chí hòa bình và tư tưởng nhân đạo. Chính phủ và chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đàm phán, thương lượng nhân nhượng cho Pháp nhiều quyền lợi với mong muốn Pháp công nhận 1 nước Việt Nam độc lập có chủ quyền thể hiện qua Bản hiệp ước sơ bộ 06/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Tuy nhiên, việc ký hiệp ước với ta chỉ là một kế sách kéo dài hòa hoãn để chuẩn bị thực hiện cho âm mưu xâm lược nước ta lần nữa với quy mô lớn. Tháng 11/1946, chúng gây xung đột vũ trang ở Hải Phòng, Lạng Sơn..., hành động gây chiến xâm lược của chúng càng ngày càng tăng cường. Ngày 18/12/1946 Tướng Maxrie – Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở miền Bắc Đông Dương gửi tối hậu thư đòi chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ và trao quyền kiểm soát thủ đô cho chúng.
Tình thế nghiệt ngã đó buộc Bác Hồ, Đảng ta phải có lựa chọn đúng đắn, kịp thời. Ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Hội nghị đã có quyết định lịch sử: phát động toàn quốc kháng chiến; mở đầu vào lúc 20 giờ đêm 19/12/1946 ngay tại thủ đô Hà Nội.
Trong ngày 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc - Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngay đêm đó, đúng 20 giờ, quân và dân thành phố Hà Nội đã nổ súng mở đầu toàn quốc kháng chiến. Đòn đánh phủ đầu này làm tiêu tan kế hoạch đảo chính, đánh úp của Pháp dự kiến diễn ra vào sáng 20/12/1946; đẩy địch vào thế bị động, đối phó; sau đó, giam chân chúng tại thành phố Hà Nội hai tháng để hậu phương chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài.
Sáng ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam (đóng tại chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông) phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếng Người vang vọng:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”
Toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị, đanh thép, có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ. Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, tình thế hết sức hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc vào tâm khảm Nhân dân ta, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của Nhân dân Việt Nam; là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.  

Kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến, đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng sức chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhanh chóng đưa đất nước bước ra khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng và toàn diện với nền kinh tế thế giới, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu vẫn hằng mong muốn.
                                                                               Nguyễn Kỳ Tài

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC