TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ GẮN BÓ MÁU THỊT GIỮA ĐẢNG VỚI NHÂN DÂN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH



Tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân là vấn đề có ý nghĩa quan trọng quyết định đến sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng ta; quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Trong giai đoạn cách mạng hiện nay Đảng ta lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đã và đang thu được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới, đòi hỏi Đảng ta phải luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân. Để tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân theo tư tưởng của Người cần phải thực hiện nhất quán một số nội dung sau:
Một là, Đảng phải luôn tin ở dân, dựa vào dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”1. Vì vậy, mọi công tác của Đảng phải luôn đứng về phía quần chúng, cán bộ đảng viên phải liên hệ mật thiết với quần chúng, đây là điều có ý nghĩa cực kì quan trọng. Vì hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng: “ Đẩy thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân”. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy rõ điều đó.
Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên của Đảng rằng: sức mạnh của Đảng không phải là sự cộng lại sức mạnh của một, hai triệu đảng viên. Đảng chỉ mạnh thực sự khi nào biết khai thác và phát huy được sức mạnh vô tận của nhân dân; gắn bó chặt chẽ, mật thiết với quần chúng nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, lấy đó làm nền tảng sức mạnh lực lượng của Đảng mà nhờ đó Đảng thắng lợi. Tuy nhiên, sức mạnh to lớn của dân chúng chỉ có được khi Đảng tổ chức được dân chúng thành một khối thống nhất cả về ý chí và hành động. Do đó, mọi cán bộ đảng viên của Đảng phải giải thích cho dân chúng hiểu biết, nắm chắc về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng để dân theo đó mà làm; phát huy dân chủ để dân tham gia các công việc của Đảng và Nhà nước, tự coi đó là trách nhiệm của mỗi người dân. Trong mọi hoạt động, cán bộ đảng viên của Đảng phải tận tụy, hy sinh, gương mẫu đi đầu, nhờ nhân dân giúp đỡ, kiểm tra, giám sát. Có như vậy, Đảng mới thực sự tin ở dân và dựa vào dân.
Hai là, Đảng phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tích cực học hỏi dân chúng
Hồ Chí Minh đã nêu: Việc gì cũng cần hỏi ý kiến dân chúng, cần dân chúng bàn bạc. Người yêu cầu, một mặt, Đảng phải luôn xét lại những nghị quyết, chỉ thị ấy, mặt khác, nếu nghị quyết gì mà dân chúng cho rằng không phù hợp thì để họ đề nghị sửa chữa, đây là biện pháp “đưa chính trị vào giữa nhân gian” và là cách làm không phải “từ trên dội xuống” mà “từ dưới nhoi lên” với một niềm tin sâu sắc vào nhân dân, Người chỉ ra rằng: “Mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”2. Để học hỏi được dân chúng, Người yêu cầu cán bộ không được kiêu ngạo, lên mặt làm “quan cách mạng” mà phải khiêm tốn, thành tâm, chịu khó. Nếu làm khác đi “dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói họ cũng không nói hết lời”.
Thực tiễn cho thấy phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tích cực học hỏi nhân dân là vấn đề nói thì rễ nhưng làm lại rất khó. Bởi vì, không ít cán bộ đảng viên thường hay mắc bệnh chủ quan, hẹp hòi, cá nhân chủ nghĩa; do vậy dẫn đến mất dân chủ với đồng chí, đồng đội và với nhân dân, làm dân mất lòng tin vào Đảng, làm ảnh hưởng nhiêm trọng đến mối quan hệ Đảng – Dân; làm suy yếu Đảng, mất tính chiến đấu trong đảng. Chính vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là phải phát huy một cách thực sự, không hình thức mà: “Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo...của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: từ trong quần chúng ra.Về sâu trong quần chúng”3. Đồng thời phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, công bằng xã hội, giáo dục, phát động quần chúng tự giác chấp hành và tích cực đấu tranh để bảo vệ pháp luật; chống mọi biểu hiện lợi dụng làm chủ để chống phá Đảng, Nhà nước.
Ba là, Đảng phải tiến hành tốt công tác cán bộ
Một trong những vấn đề lớn bảo đảm xây dựng củng cố tốt mối quan hệ Đảng và Dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là vấn đề cán bộ Người viết: “ Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng”4. Để mối quan hệ này ngày một tăng cường bền chặt thì không có cách nào khác là phải có cán bộ tốt vì: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Muốn cán bộ tốt thì phải huấn luyện cán bộ, Người chỉ rõ: “ huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Trong cất nhắc đề bạt cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, Người rất chú ý đến mối quan hệ của người cán bộ được đề bạt với quần chúng. Thực tiễn cho thấy nếu cán bộ được đề bạt cất nhắc không có mối quan hệ gắn bó máu thịt với quần chúng, không có quan điểm quần chúng thì dễ gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Đảng và dân, dân không tin cậy Đảng, như lơ lửng giữa trời, nhất định sẽ thất bại. Do vậy, trong sự lựa chọn cán bộ phải tìm những người liên hệ mật thiết với dân chúng, luôn chú ý đến đến lợi ích của dân chúng có như vậy thì dân chúng mới tin cậy cán bộ, nhận cán bộ đó làm người lãnh đạo họ.
          Thực tiễn đất nước hơn 30 năm đổi mới đã chứng minh, chỉ có sâu sát cơ sở, liên hệ mật thiết với quần chúng, người cán bộ mới mau chóng trưởng thành, mới thấy được sự sát đúng của các chủ trương, chính sách đề ra, mới phát hiện được đúng, sai trong việc thực hiện của cơ sở. Cũng chỉ có đi vào quần chúng cán bộ mới có sáng tạo, năng động, mới có cơ sở thực tiễn để tìm ra các giải pháp, chủ trương...đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của cuộc sống đặt ra.
Quán triệt, nhận thức sâu sắc tư tưởng về tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân của Người trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Mọi cán bộ đảng viên cần phải đoàn kết, quyết tâm, ra sức thi đua để hoàn thành tốt các nhiệm vụ ở từng cương vị, từng chức trách được giao. Đặc biệt phải luôn tin vào dân, dựa vào dân, nhờ nhân dân giám sát, kiểm tra, giúp đỡ, tích cực học hỏi ở dân cũng như làm tốt công tác cán bộ, có như vậy, mối quan hệ gắn bó máu thịt Đảng – Dân mới ngày càng được củng cố, tăng cường bền chặt.
                                                                                          Mẫn Hồng Quân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 289
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd,Tập 5, tr. 333
3.Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd,Tập 5, tr. 288

4.Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd,Tập 5, tr. 309

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC