NHẬN THỨC RÕ HƠN VỀ VAI TRÒ “ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG” CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN Ở VIỆT NAM

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế…”. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng kinh tế tư nhân cần và nên được đặt vào vị trí chủ đạo, nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Vậy thực chất của vấn đề này như thế nào?
Từ năm 1986, với quan điểm đổi mới toàn diện, trong đó xác định đổi mới kinh tế là trung tâm, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam đã thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Đến năm 2002, Đảng ban hành nghị quyết số 14-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, chính thức từ đây, Kinh tế tư nhân được xem là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài. Đại hội X (2006) tiếp tục thừa nhận kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; Đại hội XI (2011) khuyến khích thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Cùng với đó, năm 2006, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành quy định số 15-QĐ/TW “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Sau hơn 10 năm thực hiện, đến  nay có 2,72% trong tổng số đảng viên toàn Đảng làm kinh tế tư nhân, nhiều đảng viên đã phát huy nguồn lực, năng lực làm giàu chính đáng cho gia đình và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội…
Như vậy, về mặt pháp lý và thực tế, Kinh tế tư nhân đã có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế đất nước. Dĩ nhiên, nếu cho rằng kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chưa đúng. Theo lý luận của chủ nghĩa Mác –Lênin, hạ tầng cơ sở của mỗi thời đại lấy quan hệ sản xuất đặc trưng, tiêu biểu của thời đại đó làm nền tảng. Cơ sở kinh tế để một thành phần kinh tế được xác lập giữ vai trò chủ đạo, nền tảng vẫn do quan hệ sản xuất quyết định, mà quan trọng nhất là quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất. Kinh tế Nhà nước dựa trên quan hệ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất, trong khi đó Kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân) vẫn dựa trên nền tảng chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất… Vì lẽ đó, không thể thượng tầng kiến trúc của nước ta vận hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà hạ tầng cơ sở dựa trên chế độ sở hữu tư nhân – đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, dù có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thì Kinh tế tư nhân vẫn không thể thay thế vai trò chủ đạo, nền tảng của Kinh tế nhà nước ở nước ta.
Một quan điểm khác cũng cho rằng, trong thời gian qua, Kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, trong khi đó kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển; tỉ trọng trong GDP chiếm 39 - 40%; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh; số lượng doanh nghiệp tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng… Do vậy, chỉ có kinh tế tư nhân mới là động lực chủ yếu để đưa nền kinh tế đi lên, nên hãy để cho tư nhân đảm nhiệm vai trò chủ đạo, nền tảng.
Cần nhận thấy một thực tế là, cả Kinh tế nhà nước và Kinh tế tư nhân đều chịu sự tác động của những quy luật kinh tế khách quan, do đó đều có những đơn vị hoạt động hiệu quả và những đơn vị làm ăn kém hiệu quả. Những năm qua, trong thành phần Kinh tế nhà nước có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khẳng định tính hiệu quả, nổi lên là Tập đoàn Dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10% trong hai năm 2016, 2017; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) doanh thu hàng năm tăng từ 15-20%. Trong số hơn 561.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi là 47,3%, trong đó, tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước có lãi đạt cao nhất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân thu lợi nhuận cao song mức đóng góp vào ngân sách thấp[1]… Những số liệu trên một lần nữa khẳng định, dù có những bước thăng trầm trong quá trình phát triển, song Kinh tế nhà nước vẫn là đầu tàu, đủ năng lực chủ đạo, định hướng các thành phần kinh tế khác phát triển theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Nhìn một cách rõ nét nguyên nhân của những yếu kém đang tồn tại trong Kinh tế nhà nước là do trình độ quản lý kinh tế trong nước còn yếu kém dễ bị tác động, thậm chí là đổ vỡ từ yếu tố bên ngoài. Điều đó đòi hỏi kinh tế Nhà nước cần chủ động hơn nữa trong dự báo, nắm bắt thị trường, đổi mới cơ chế quản lý để phát triển. Và trên thực tế, đường lối cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã và đang thực hiện sẽ góp phần nâng cao vai trò của kinh tế nhà nước trong thời gian tới, khi mà đối tượng cổ phần hóa do Nhà nước quyết định: cổ phần doanh nghiệp nào, toàn bộ hoặc một phần. Nhà nước có thể không tham gia cổ đông, hoặc tham gia với tư cách là cổ đông thường hay cổ đông chi phối. Tiền thu về hoặc để đầu tư trở lại doanh nghiệp hoặc đầu tư để phát triển doanh nghiệp mới. Người mua cổ phần đa dạng: doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tập thể; nhà đầu tư nước ngoài (coi trọng nhà đầu tư chiến lược) bao gồm nhà nước và tư nhân; nhà đầu tư tư nhân trong nước; bản thân người lao động....
Như vậy,  trên cơ sở nghiên cứu phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò, vị thế của Kinh tế tư nhân ở nước ta đã có một bước tiến dài so với trước đây. Hiện nay, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, nhất là chỉ đạo tổ chức thực tiễn để thực hiện đúng đường lối, chính sách, phát huy hơn nữa tiềm năng của Kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, những quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân vẫn được sử dụng khi thực tế có nhu cầu, nhưng không thể đặt vào vai trò là nền tảng, chủ đạo của nền kinh tế quốc dân. Cũng đừng quên rằng ở Việt Nam, kinh tế tư nhân hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và  Nhà nước pháp quyền, chịu sự chi phối của tính định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, hãy đừng gán cho kinh tế tư nhân vai trò và nhiệm vụ mà nó không thể có và không thể nào thực hiện được./.
                                                                                                       ĐQA

[1] Htpp://Thoibaotaichinhvietnam.vn (ngày 2/2/2018)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC