THỰC CHẤT MƯU TOAN PHỦ NHẬN SỰ THẬT LỊCH SỬ VỀ VAI TRÒ CỦA LIÊN XÔ TRONG CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI

Chiến thắng phát xít ngày 9/5/1945 đã đi vào lịch sử, là chiến thắng vĩ đại của hòa bình và văn minh nhân loại, với chiến thắng oanh liệt của Hồng quân và nhân dân Liên Xô, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai, đem lại nền hòa bình cho toàn thế giới. Để có được chiến thắng huy hoàng đó, Liên Xô đã phải chịu đựng gánh nặng lớn nhất của chiến tranh: 27 triệu người thiệt mạng, trong đó Hồng quân tử trận lên tới 8,7 triệu người, chiếm hơn một nửa con số 14 triệu lính Đồng minh tử trận, cùng với đó là những hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề mà Liên bang Nga ngày nay vẫn đang phải khắc phục. Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt đại bộ phận lực lượng phát xít trên mặt trận Xô - Đức, làm quân đội phát xít phải chịu những tổn thất to lớn về người và vật chất, thay đổi cục diện chiến tranh. Thắng lợi của Liên Xô trên mặt trận Xô - Đức mang tính quyết định đến toàn bộ kết quả của chiến tranh, đánh gục hoàn toàn chủ nghĩa phát xít Đức, tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Về phía liên quân Anh - Mỹ, mãi đến ngày 6-6-1944 (tức là khi quân đội phát xít Đức bị đánh đuổi hoàn toàn ra khỏi lãnh thổ Liên Xô và Hồng quân Liên Xô bắt đầu chiến dịch giải phóng lãnh thổ các nước Đông Âu, truy quét phát xít Đức đến tận sào huyệt của chúng) thì mới vội vàng mở “Mặt trận thứ hai” (chiến dịch Ôvéclô), chia sẻ gánh nặng chiến tranh với Liên Xô. Đây là cuộc đổ bộ lớn nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai, gồm khoảng 1,5 triệu người để chiến đấu với 560.000 quân phát xít Đức. Trong khi đó, tại mặt trận phía Đông, Liên Xô đã phải huy động tới 4,5 triệu người để chống lại 5,5 triệu quân phát xít Đức.
Cuộc đổ bộ vào Noócmăngđi và các cuộc tiến công sau đó của quân đội Anh - Mỹ vào Pháp và Bỉ cũng là chiến dịch có ý nghĩa lớn về chính trị và chiến lược. Nhưng không thể đánh giá quá cao vai trò của chiến dịch Ôvéclô và ảnh hưởng của nó đối với diễn biến sau này, cũng như đối với việc kết thúc của thế chiến thứ hai. Điều kiện cần thiết chủ yếu cho thắng lợi của chiến dịch này là phát xít Đức đã mất khả năng chi viện cho chiến trường Tây Âu.
Trong giai đoạn hiện nay, thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi, nhưng chiến thắng phát xít với vai trò quyết định của Liên Xô là sự thật lịch sử, mãi mãi là một chân lý, một trang chói lọi trong lịch sử nhân loại mà không ai có thể phủ nhận được.
Tuy nhiên, ngay khi chiến tranh vừa kết thúc, dù vai trò quyết định của Liên Xô đã quá rõ ràng, nhưng người ta vẫn thấy có những tiếng nói từ nhiều thế lực nhằm tranh công, đổ lỗi. Đã có ý kiến cố tình phủ nhận vai trò của Liên Xô khi cho rằng, dù Liên Xô cũng có công lớn, nhưng với việc là đồng minh quan trọng và ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, thì Mỹ mới là lực lượng quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít! Luận điểm xuyên tạc nói trên sau này ngày càng không được thừa nhận. 
Giờ đây những động cơ chính trị, những toan tính chiến lược đang thổi bùng lên các quan điểm cơ hội, xét lại hòng hạ thấp giá trị, ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến tranh, cũng như đóng góp của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống Chủ nghĩa Phát-xít. Sự bùng phát mạnh mẽ chiến dịch xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai, hạ thấp vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến này lại diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Nhiều nước phương Tây đã đưa ra nhiều “bằng chứng” để chứng tỏ rằng Liên Xô cũng “có tội” như nước “Đức quốc xã” trong việc gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hơn nữa, nước Nga được kế thừa hợp pháp Liên Xô cũng đang bị kết tội gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bằng cách cáo buộc Liên Xô là “kẻ xâm lược” ngang hàng với “Đức quốc xã”, những kẻ xuyên tạc lịch sử cho rằng, nước Nga ngày nay phải chịu trách nhiệm về “hành động xâm lược” đó. Nghiêm trọng hơn, một số luận điệu cho rằng, chiến thắng phát xít đối với một số nước không phải là một sự giải phóng mà là thay thế ách thống trị này (phát xít) bằng một ách thống trị khác...
Một số khác không phủ nhận thắng lợi của Liên Xô nhưng lại coi thắng lợi đó là kết quả của những sai lầm về kế hoạch tác chiến của Hítle, hoặc nhờ có viện trợ vũ khí, lương thực... của Anh, Mỹ cho Liên Xô. Thực ra số hàng viện trợ của Anh - Mỹ lúc đó là rất cần thiết và quí giá trong khi Liên Xô gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Song số vũ khí viện trợ đó chỉ chiếm 4% lượng vũ khí do Liên Xô sản xuất, bao gồm: 9.600 khẩu đại bác (2%), 18.700 máy bay (12%), 10.800 xe tăng (l0,4%), 400.000 ô tô, một số đầu máy xe lửa, nhiên liệu, khí tài thông tin, thuốc men, lương thực... Số viện trợ này rất ít ỏi so với sự đóng góp của Liên Xô nhằm giảm bớt sự hy sinh, mất mát của các nước Đồng minh trong chiến tranh và điều quan trọng là Hồng quân đã chặn đứng quân đội phát xít Đức và bắt đầu tổng phản công từ cuối năm 1941, trước khi Liên Xô nhận được những chuyến hàng viện trợ từ Mỹ, Canada và Anh vào giai đoạn 1943-l945, khi nền công nghiệp của Liên Xô đã sản xuất được nhiều hơn của Đức.
Thực chất mưu toan phủ nhận sự thật lịch sử về chiến thắng vĩ đại và sự đóng góp to lớn của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai là một bộ phận của chiến lược "diễn biến hòa bình" phản cách mạng của các thế lực thù địch thời kỳ "hậu Xô-viết", hòng "xóa sạch chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới". Những mưu toan thâm độc, nguy hiểm đó, chẳng những không xuyên tạc được sự thật lịch sử, mà còn nhắc nhở loài người phải luôn cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.
Kỷ niệm 73 năm chiến thắng phát-xít không chỉ là dịp để nhân loại tự hào về chiến thắng, nhớ tới những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người, tri ân những người đã mang lại nền hòa bình cho thế giới, mà còn nhắc nhở loài người về tội ác của chủ nghĩa phát-xít, hãy cảnh giác, loại trừ nguồn gốc làm nảy sinh và dung dưỡng sự phát triển của tư tưởng phát-xít trong thế giới hiện nay./.
                                                           ĐÀO DŨNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC