CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG VẤN ĐỀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


Lý luận giai cấp, đấu tranh giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, cơ sở khoa học của giai cấp công nhân, nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong nhận thức và cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa cơ hội, xét lại luôn tìm cách xuyên tạc, phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của lý luận này. Đặc biệt là từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu khủng hoảng và tan rã đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về lý luận và đây cũng là thời cơ cho sự ra đời rất nhiều luận điểm phản kích chủ nghĩa Mác - Lênin. Bên cạnh những học giả tư sản, ra sức biện hộ cho sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa cộng sản, còn có cả những kẻ phản bội lại chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng đưa ra quan niệm: “tư duy chính trị mới” và tập trung việc phê phán, xuyên tạc chính các luận điểm mà một thời họ hết lời ca tụng, trong đó có luận điểm về giai cấp và đấu tranh giai cấp.
Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cơ cấu, tính chất,  vị trí của các giai cấp trong xã hội ta đã thay đổi nhiều cùng với những biến đổi to lớn về xã hội. đảng ta cũng khẳng định trong xã hội ta với một cơ cấu kinh tế  - xã hội còn nhiều phức tạp phân hoá giai cấp và đấu tranh giai cấp vẫn còn diễn ra, nhưng so với xã hội cũ vị trí tính chất địa vị của các giai cấp đã thay đổi nhiều. Quan hệ giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội ở nước ta hiện nay là: Quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức bất công; đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực, sai trái; đấu tranh làm thất bại âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Nội dung của đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay không phải là đấu tranh chính trị thuần tuý mà là đấu tranh giai cấp trong điều kiện mới, nội dung mới hình thức mới. Đấu tranh giai cấp chủ yếu là đấu tranh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo kém phát triển; nội dung kinh tế  nổi lên hàng đầu. Mục tiêu giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất là nội dung cơ bản.
Lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp được đề cập ở Văn kiện Đại hội IX của Đảng và các văn kiện đại hội X, XI, tiếp tục khẳng định. Tại Đại hội lần thứ XII Đảng ta tiếp tục chỉ rõ vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc có vị trí ý nghĩa vô cùng to lớn đối với vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp hiện nay: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Trong kết cấu xã hội - giai cấp ở nước ta hiện nay, bên cạnh khẳng định đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, Đảng ta cũng đề cao vai trò của doanh nhân với tư cách là “đội ngũ”. “Chú trọng xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.” Và đặc biệt Đảng ta chú trọng chủ trương phát triển đội ngũ doanh nhân: “Xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao.”
Lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp là cơ sở khoa học và cách mạng cho nhận thức và hành động của lực lượng vũ trang. Cần trang bị cho cán bộ chiến sĩ trong quân đội có quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp để làm cơ sở xem xét các hiện tượng xã hội phức tạp đang diễn ra hiện nay trong nước và trên thế giới. Nó cũng là cơ sở khoa học để nhận thức bản chất của cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Từ đó xác định đúng kẻ thù của giai cấp, kẻ thù của dân tộc, xác định trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Thực hiện tốt chức năng của quân đội, đồng thời luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng cùng toàn đảng, toàn dân chủ động tấn công  các lực lượng thù địch nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ địch kể cả “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ và chiến tranh xâm lược, giữ vững quốc phòng an ninh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
LAM SƠN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC